Bài học nhớ đời

23/08/2013 21:51

(Baonghean) - Bỏ học sớm, Hùng tham gia đội quân đào đãi vàng và mua được chiếc xe máy. Không cần học luật giao thông, không cần giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, Hùng vi vu khắp làng trên, bản dưới. Một lần ngà ngà rượu, Hùng chở cậu bạn trai đi thăm người yêu và bị tai nạn, cậu bạn ngồi sau tử vong, Hùng bị thương và chờ ngày xử án…

Vi Xuân Hùng (SN 1993) sinh ra trong một gia đình nghèo ở bản Cống, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông. Bố mẹ suốt ngày lên nương, làm rẫy, không có thời gian bảo ban con cái nên Hùng nghỉ học từ sớm, ở nhà làm cùng bố mẹ.

Lớn hơn chút, khi có sức khỏe, Hùng theo đám thanh niên trong làng “đầu quân” vào những bãi vàng để kiếm tiền ăn chơi. Sau nhiều năm đi làm thuê trong xã nhưng không có đồng ra đồng vào, Hùng quyết định vào Quảng Nam, đào đãi vàng cho các chủ bưởng. Lần đi này có khá hơn trước, Hùng được ông chủ trả công hậu hĩnh. Trở về quê, Hùng tự thưởng cho mình một chiếc xe máy Sirius mới cóng khiến đám thanh niên bản lác mắt và ao ước.

Từ ngày có xe, có được ít tiền từ việc đào đãi vàng, Hùng trở thành “tay chơi” trong bản, dù chưa có giấy phép lái xe, không học Luật Giao thông và không bao giờ đội mũ bảo hiểm nhưng Hùng suốt ngày vi vu khắp làng trên, bản dưới trên chiếc xe máy của mình, nhiều lần, cậu thanh niên này còn đi xe trong trạng thái phê rượu. Ông Vi Xuân Thủy, bà Kha Thị Phượng (bố mẹ Hùng) rất sốt ruột và tìm cách khuyên Hùng đi học, thi giấy phép lái xe, chấp hành Luật Giao thông nhưng Hùng đều bỏ ngoài tai.

“Hôm đó, vợ chồng tôi đang ở nhà, thằng Hùng và bạn là Hà Văn Đồng cùng ở bản Cống đi uống rượu. Mặt đỏ tai tía, Đồng bắt Hùng chở mình lên Thị trấn Tương Dương để thăm người yêu. Hai đứa không đội mũ bảo hiểm và bị tai nạn giao thông, thằng Đồng chết, Hùng vào viện”, ông Thủy kể lại chuyện con trai mình bị nạn vào tháng 10/2012 với giọng chầm chậm.

Khi nghe tin con trai bị tai nạn gần khu rừng Săng Lẻ thuộc Quốc lộ 7A, ông Thủy tất tả nhờ người chở đến hiện trường thì con trai đã được đưa vào viện, bà Phượng ngất lịm khi nhìn Đồng tử vong tại chỗ, còn Hùng mặt bê bết máu, nằm thở thoi thóp trên giường bệnh. Vụ tai nạn khiến gia đình ông bà điêu đứng, bán hết trâu, bò, lợn, gà để chạy chữa cho con. Khi con trai được cứu sống thì cũng là lúc ông bà nhận được giấy mời của cảnh sát đến xử lý vụ tai nạn giao thông.

Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, hôm đó, vào buổi chiều, xe của Hùng chạy tốc độ không cao nhưng cả hai không đội mũ bảo hiểm, khi đi trên Quốc lộ 7 thì đâm vào xe máy do Ngân Văn Hải (SN 1993), trú tại bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương điều khiển, chở theo một thanh niên ngồi sau. Hải cũng không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe và chạy ngược chiều. Người thân của nạn nhân Hà Văn Đồng cho rằng, nguyên nhân khiến Đồng tử vong là do Hùng và Hải điều khiển xe máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Sau đó, cả Hùng và Hải bị khởi tố. Tại phiên tòa sơ thẩm đầu năm 2013, Vi Xuân Hùng bị tuyên phạt 18 tháng tù giam, Ngân Văn Hải chịu án 20 năm tù giam. Cho rằng bản án quá nặng nề, Hải và Hùng đều viết đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Trong những ngày chờ đợi tòa phúc thẩm xét xử, người nhà của hai bị cáo chạy đôn chạy đáo khắp làng trên, bản dưới, vay mượn tiền bạc để bồi thường cho người bị hại với mong muốn họ sẽ xin giảm án cho con trai mình. Sau gần nửa năm chạy vạy, ông Thủy gom được 23 triệu đồng, ông Ngân Văn Tấn, bố của Hải vay được 27 triệu đồng để cùng nhau bồi thường cho gia đình bị hại.



Hai bố con Ngân Văn Hải gặp nhau tại tòa.

Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên phúc thẩm, xem xét đơn kháng cáo của Hùng và Hải. Từ sáng sớm, hai bị cáo được người thân đưa đến tòa, ngồi ngay ngắn ở khu vực và chờ đợi đến phiên xử. Mỗi khi nghe vị thẩm phán - chủ tọa phiên tòa hỏi về nguồn gốc chiếc xe gây tai nạn, hỏi về giấy phép lái xe, về mũ bảo hiểm… cả ông Tấn và ông Thủy không nói được câu nào, chỉ biết thở dài ngao ngán. “Cũng vì không nói được con, nghĩ rằng nó làm ra tiền, mua được cái xe máy thì nó có quyền chạy thôi chứ ai nghĩ đến cơ sự này. Mong tòa giảm án cho nó, sau vụ tai nạn giao thông này, cả bản chúng tôi đều có được bài học khi đi xe máy”, ông Thủy đứng dậy xin tòa. Ngồi ở hàng ghế dành cho người thân bị cáo, vợ chồng ông Tấn cũng không biết nói gì hơn: “Nó gây tai nạn chết người, vợ chồng tôi sống cũng không yên, nhà đã nghèo nay còn phải vay nợ đền cho người ta. Xin tòa giảm cho nó ít tháng tù”. Nghe bố mẹ mình nói vậy, Hùng và Hải đứng cúi đầu trên vành móng ngựa, thỉnh thoảng lại cúi xuống dưới như để nói lời xin lỗi bậc sinh thành. Trong giờ nghị án, được phép của Tòa, ông Tấn và ông Thủy chạy lại phía con trai. “Bố ơi con xin lỗi, chỉ vì con mà cả nhà phải khổ cực”, Hải cầm chặt lấy tay bố.

Sau khi xem xét hồ sơ vụ án, hội đồng xét xử cho rằng trong vụ án này, Nguyễn Văn Hải là người đi ngược chiều, trực tiếp gây ra tai nạn, trong khi Vi Xuân Hùng bị hại, mặc dù Hùng điều khiển xe máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm. Những lỗi của Hùng lẽ ra chỉ bị xử lý hành chính. Mặt khác, trong hồ sơ vụ án chưa thể hiện rõ vị trí phần đường của chiếc xe mà Hải và Hùng điều khiển. Vì vậy, tòa phúc thẩm quyết định trả hồ sơ, điều tra lại vụ án.

Trước khi cho các bị cáo và người nhà ra về, chờ cơ quan điều tra bổ sung hồ sơ, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa ông Vi Văn Chắt cảnh báo rằng, trong thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông ngày càng gia tăng, đặc biệt ở khu vực miền núi, nơi ý thức pháp luật giao thông đường bộ của bà con còn hạn chế. Nhiều gia đình gom góp mua được xe máy đã không chú ý đến việc phải đi học và thi giấy phép lái xe, không hiểu các quy định về Luật Giao thông, vì thế đã gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc. Đây chỉ là một vụ va chạm giao thông đơn giản nhưng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, khiến 1 thanh niên tử vong, các bị cáo cũng bị thương nặng, gia đình đã nghèo còn phải vay mượn tiền bạc để xử lý hậu quả. Âu cũng là bài học không chỉ đối với các bị cáo mà còn là lời cảnh báo cho tất cả mọi người, nhất là bà con vùng đồng bào dân tộc, miền núi.


Nguyên Khoa