Tổng thống Mỹ chỉ trích phe Cộng hòa vô trách nhiệm
Sau khi một bộ phận công sở của Chính phủ Mỹ phải tạm ngừng hoạt động do Nhà Trắng và phe Dân chủ kiểm soát Thượng viện không đạt được một thỏa hiệp vào phút chót trong đêm 30/9 với phe Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện về kế hoạch chi tiêu ngân sách tài khóa 2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng chỉ trích các nghị sĩ đảng Cộng hòa.
Phát biểu ngày 1/10 tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng, Tổng thống Obama nêu rõ các nghị sĩ Cộng hòa đã tiến hành một "chiến dịch ý thức hệ" nhằm loại bỏ đạo luật cải tổ y tế do ông đề xuất - được biết đến với tên gọi "Obamacare". Theo ông, những người Cộng hòa phải chịu trách nhiệm về việc chính phủ tạm ngừng hoạt động khi muốn phủ nhận chương trình chăm sóc sức khỏe giá rẻ cho hàng triệu người dân Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: telegraph.co.uk) |
Tổng thống Obama cũng tuyên bố sẽ phủ quyết ba dự luật ngân sách khẩn cấp mà các nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện dự định phê chuẩn để nối lại các chương trình cựu chiến binh, mở cửa trở lại các công viên cấp liên bang cũng như các hoạt động tại quận Columbia. Nhà Trắng nêu rõ cả 3 văn kiện là chưa đủ và phe Cộng hòa cần có những bước đi nghiêm túc hơn.
Việc một bộ phận công sở của Chính phủ liên bang Mỹ đóng cửa lần đầu tiên trong 17 năm qua này đã ngay lập tức tác động không chỉ tới cuộc sống và sinh hoạt của người dân Mỹ mà còn có những tác động không nhỏ tới toàn thế giới.
Tình trạng một bộ phận công sở đóng cửa trước hết tác động tới khối nhân viên làm việc cho các bộ ngành của chính phủ, với mức dự kiến từ 800.000 đến một triệu người trong tổng số 2,8 triệu người sẽ phải nghỉ việc không lương. Các khu công viên quốc gia, thư viện và các viện bảo tàng tại thủ đô Washington và trên khắp nước Mỹ ngay từ sáng 1/10 đã cắm biển đóng cửa cho tới khi có thông báo tiếp theo. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) dự kiến cũng sẽ cho nghỉ việc gần như toàn bộ nhân viên.
Riêng các ngành và các cơ quan làm các nhiệm vụ thiết yếu như kiểm soát không lưu, kiểm tra hành khách, các tòa án liên bang, cơ quan bưu chính, 86% trong tổng số 200.000 nhân viên của Bộ An ninh nội địa sẽ tiếp tục làm việc nhưng phải nhận lương chậm. Các hoạt động tuần duyên, hải quan, biên phòng, các nhân viên mật vụ, những nguời làm việc chống buôn lậu ma túy sẽ tiếp tục hoạt động. Một bộ phận của Lầu Năm Góc cũng đã phải đóng cửa, tác động tới 400.000 nhân viên dân sự, mặc dù đến phút chót, đêm 30/9, Quốc hội đã thông qua ngân sách tiếp tục cấp lương cho 1,4 triệu binh lính và Tổng thống Obama đã ký thực hiện.
Thăm dò công bố ngày 1/10 của Reuters/Ipsos cho biết có 44% những người Mỹ được hỏi ý kiến cho rằng cả Nhà Trắng và Quốc hội đều phải chịu trách nhiệm về việc đóng cửa này, trong đó có 25% đổ lỗi cho phe Cộng hòa, 14% quy trách nhiệm cho Chính quyền Obama và 5% đổ lỗi cho các nhà lập pháp Dân chủ. Các chuyên gia cảnh báo việc đóng cửa có thể làm chậm đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ trong khi các nhà đầu tư thị trường chứng khoán trong ngày 1/10 đã đua nhau bán bớt tài sản, khiến cổ phiếu đồng loạt mất giá. Việc đóng cửa nếu kéo dài sẽ làm giảm nguồn thu từ ngành du lịch và người tiêu dùng Mỹ có thể cũng phải giảm bớt chi tiêu.
Việc một bộ phận chính phủ liên bang Mỹ phải đóng cửa cũng tác động không nhỏ tới thế giới. Phát biểu khi đang ở thăm Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cảnh báo việc chính phủ đóng cửa có thể làm tổn thương uy tín, khiến các đồng minh đặt câu hỏi về các cam kết của Mỹ. Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo các hoạt động về lãnh sự của các Đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài sẽ tiếp tục chừng nào còn ngân sách. Các nhân viên người địa phương làm việc cho các cơ sở ngoại giao của Mỹ có thể cũng phải nghỉ việc không lương. Các hoạt động ngoại giao sẽ bị hạn chế vì các chuyến công du nước ngoài của các quan chức ngoại giao sẽ bị hạn chế. Du khách nước ngoài thăm Mỹ có thể sẽ thất vọng vì nhiều khu du lịch cấp liên bang sẽ đóng cửa, nhất là ở thủ đô Washington.
Việc đóng cửa này là hậu quả trực tiếp của ba năm ròng đấu đá, giành giật quyền lực không khoan nhượng giữa Nhà Trắng và Quốc hội, giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa xung quanh các chính sách cắt giảm chi tiêu, cải cách thuế má và hệ thống chăm sóc sức khỏe và y tế. Cuộc đấu đá giành giật quyền lực này sẽ còn tiếp tục trong bối cảnh trần nợ quốc gia 16.700 tỷ USD sắp tới hạn mà nếu Quốc hội không cho phép nâng mức trần thì Bộ Tài chính Mỹ sẽ không còn được quyền vay mượn để chi cho hoạt động của các bộ ngành và các chương trình phúc lợi xã hội.
Việc các công sở phải đóng cửa trong bao lâu, 21 ngày như năm 1985 dưới thời Tổng thống Bill Clinton hay lâu hơn nữa, giờ đây hoàn toàn phụ thuộc vào sự nhượng bộ giữa các phe phái. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này vẫn chưa thấy có bất kỳ dấu hiệu nào về sự xuống thang của hai bên. Yếu tố bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2014 và tổng tuyển cử vào năm 2016 càng làm cho các bên quả quyết hơn với quan điểm của mình. Phe Cộng hòa hiện đang đặt cược vào canh bạc giành lại quyền kiểm soát Thượng viện trong cuộc bầu cử năm tới nhằm khống chế lưỡng viện Quốc hội trong khi chính quyền của Tổng thống Obama quyết không chịu lùi bước. Ngay trong đêm 30/9, sau khi Thượng viện lần thứ ba bác bỏ đề xuất của Hạ viện, Tổng thống Obama mạnh mẽ tuyên bố Obamacare "vẫn tiến tới và không ai có thể xóa bỏ được nó"./.
Theo (TTXVN) - ĐT