Tranh cãi về “gạo vàng”

30/08/2013 15:53

Những tranh cãi liên quan tới việc phát triển giống lúa biến đổi gene mới đang diễn ra rất gay gắt tại Philippines. Người nông dân lo ngại giống lúa mới sẽ gây hại cho mùa màng của họ, trong khi các nhà khoa học Philippines cho rằng giống lúa có hàm lượng vitamin A cao này sẽ là giải pháp cho tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em. Còn các tổ chức môi trường cho rằng chỉ có các tập đoàn nông nghiệp hưởng lợi từ việc này.



“Gạo vàng” từ loại lúa biến đổi gene gây tranh cãi ở Philippines

Nông dân phản đối

Căng thẳng lên đến cao độ khi hồi đầu tháng 8 này, khoảng 400 nông dân đã phá hủy một ruộng lúa thí nghiệm tại Camarines Norte, tỉnh Laguna vì họ cho rằng loại lúa biến đổi gene sẽ khiến các ruộng lúa trong vùng bị lai tạp. Họ nói rằng giống lúa mới sẽ khiến mùa màng thất thu và ảnh hưởng lớn đến kế sinh nhai.

Những người nông dân Philippines lo lắng rằng giống gạo này cũng như các loại thực phẩm bị can thiệp bằng công nghệ sinh học có thể gây ra những rủi ro không lường trước được đối với sức khỏe con người cũng như môi trường bởi lẽ, tác động lâu dài của thực phẩm biến đổi gene vẫn chưa được nghiên cứu kĩ lưỡng. “Chúng tôi không muốn người dân, đặc biệt là trẻ em trở thành vật thí nghiệm” - một nông dân nói.

Giống lúa biến đổi gene, tâm điểm của cuộc tranh luận, được gọi là “lúa vàng” vì cho loại gạo màu vàng, do một nhóm thuộc Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) nghiên cứu và phát triển. Nhằm tạo ra giống lúa có hàm lượng vitamin A cao, họ lấy 3 gene từ cây ngô và chuyển sang cho cây lúa. Điều này không thể thực hiện được bằng phương pháp lai giống thông thường mà cần có công nghệ sinh học tiên tiến.

Giải pháp cho tình trạng suy dinh dưỡng?

Trong một tuyên bố đăng trên trang web của mình, IRRI cho biết việc trồng thử nghiệm gạo đã được phép của Cục cây trồng Bộ Nông nghiệp Philippines sau thử nghiệm cho thấy không gây rủi ro đáng kể cho sức khỏe con người và môi trường. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học và nông dân đã phản đối tuyên bố này. Tiến sĩ Romeo Quijano, một chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về chất độc và là Chủ tịch mạng lưới hành động về thuốc trừ sâu Philippines (PAN) phân tích, cây trồng biến đổi gene đưa vào hóa chất mới có thể dẫn tới dị ứng và các bệnh truyền nhiễm mới. “Sự phá vỡ hệ thống gene dẫn đến các chất độc hại mới có thể gây ra các loại bệnh khác nhau như ung thư” - ông Quijano nói và cho biết thêm rằng, điều này có thể gây tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở con người.

Tiến sĩ Bruce Tolentine, Phó tổng giám đốc phụ trách thông tin và đối ngoại của IRRI nói rằng, IRRI sẽ tiếp tục trồng thử nghiệm gạo vàng để đảm bảo đủ dữ liệu và phân tích trước khi đưa ra quyết định về loại gạo này. Tuy nhiên, ông Quijano đã vạch trần điều này và nói rằng, không có thử nghiệm an toàn. “Vấn đề vẫn chưa được giải quyết như ảnh hưởng mãn tính đến sức khỏe hay gây dị ứng, ngộ độc. Trong khi đó, đề xuất dự án do Viện nghiên cứu lúa gạo Philippines và IRRI lại nói rằng nó vô hại”. Ông Quijano thêm rằng, không có cơ chế để giám sát những nguy hại của việc thử nghiệm trồng lúa vàng.

Giống như nhiều nước châu Á khác, gạo là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho hầu hết người dân Philippines. Loại “gạo vàng” có hàm lượng vitamin A cao hơn gạo bình thường, vì vậy các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu lúa gạo quốc gia Philippines vẫn giữ quan điểm rằng, giống lúa này an toàn cho sức khỏe con người và sẽ cung cấp bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng hơn cho người dân tại các quốc gia đang phát triển, giúp giảm nhanh tỷ lệ suy dinh dưỡng và mù lòa do thiếu vitamin A của 1,7 triệu trẻ nước này.

“Công ty hóa chất hưởng lợi”

Hiện nay, giống “lúa vàng” vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Nhà chức trách địa phương đang thu thập thông tin trình chính phủ Philippines để đánh giá độ an toàn và giá trị của giống lúa mới này. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng có nhiều cách khác để chống lại nạn suy dinh dưỡng chứ không phải chỉ dựa vào loại “gạo vàng”. Họ cho rằng, IRRI chỉ quan tâm đến lợi ích của loại gạo này mà lờ đi thực tế rằng nó gây ra mối đe dọa lớn đối với nông dân và người tiêu dùng Philippines.

Nhiều nhà khoa học cũng lo ngại rằng nhiều giống lúa của Philippines, đặc biệt là những giống do người dân bản địa trồng sẽ có thể bị ảnh hưởng của lúa biến đổi gene, bị lai tạp. Việc nghiên cứu, quảng bá các giống lúa biến đổi gene chỉ tạo lợi ích kinh tế cho một số tập đoàn nông nghiệp khi “gạo vàng” được lai tạo để chịu được thuốc diệt cỏ của Công ty hóa chất Monsanto hay các công ty hóa chất khác.

“Chúng tôi cho rằng việc sử dụng công nghệ biến đổi gene đối với cây lúa là không cần thiết. Và chúng tôi tin rằng người nông dân và cả cộng đồng cũng sẽ không được hưởng lợi. Nghiên cứu này chỉ đem lại lợi nhuận cho các tập đoàn đang cố đưa giống lúa biến đổi gene vào canh tác. Đó chính là lý do họ đẩy mạnh sản phẩm này tại các nước đang phát triển” - bà Trixie Concepcion thuộc Tổ chức Earth IslandPhilippines nói.


Theo.anninhthudo.P-H