Mong mỏi của một làng nghề

26/08/2013 15:12

(Baonghean) - Nhanh tay trộn lạc quyện sánh đều với mật trên bếp lò rừng rực đỏ, chị Nguyễn Thị Thảo chỉ kịp ngẩng lên nhìn khách một thoáng: “Phiền em chờ một chút, chị đảo kẹo chứ không quá lả (lửa) nhé!”. Tôi đứng xem gian bếp, cũng là nơi sản xuất kẹo lạc bánh đa nức tiếng xứ Lường mang thương hiệu Công Thảo, thấy có 4 - 5 người làm việc thoăn thoắt, nhịp nhàng: Khi kẹo trộn trên bếp vừa đủ lửa, người thì trải bánh đa xuống khuôn, người đều tay dằn bằng trục, người rải vừng, người cắt kẹo, người đóng gói...

Lạ là, không khí nóng nực mà tuyệt nhiên không có lấy một chiếc quạt, không có một hơi gió. Tôi vừa cất lời: “Nóng thế này mà...”, một chị phụ nữ vội đáp trong tiếng cười giòn giã “Nghề bánh đa kẹo lạc phải càng nóng càng tốt em ơi, bọn chị quen rồi, chứ bỏ quạt vào đây là khô mất kẹo ngay. Em xem, bọn chị ở đây ai cũng xương xương mình hạc vì... lửa đó”. Ồ, hóa ra là thế!

Bác Phạm Ngọc Giao, khối trưởng khối 10, cũng là Chủ nhiệm lâm thời của của Làng nghề bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức-Thị trấn Đô Lương (làng nghề được tỉnh công nhận 3 năm nay) “giới thiệu” thêm: “Nhà Công- Thảo là nhà còn đưa máy móc vào làm hỗ trợ được chút đỉnh, còn nhiều người trong Làng nghề vẫn còn làm thủ công hoàn toàn ấy chứ. Cái nghề này nó vất vả thế, nói là máy móc trợ giúp cho một vài khâu, chứ chủ yếu vẫn phải là con người với tay nghề, với cái tâm thôi”. Vừa cùng tôi xem nốt mẻ kẹo, bác Giao vừa kể chuyện: Tôi cũng là người thoát ly nhiều năm, lên công tác ở vùng Nghĩa Đàn xưa, vậy nhưng cũng lớn lên với nghề kẹo, nghề tráng bánh của gia đình, mang theo nghề đi xa, rồi lại trở về. Thời nhỏ, tôi cùng mẹ gánh gồng bánh mướt, bánh đa đi khắp các chợ: Chợ Chùa, chợ Rạng (Thanh Chương), chợ Dừa, chợ Vẹo (Yên Thành)...

Trước đây, cả làng làm kẹo lạc, bánh đa, bánh mướt, người làm nhiều hơn, nhưng tính ra sản phẩm làm ra của cả làng lại còn ít hơn một nhà làm giỏi bây giờ. Hiện làng có 260 hộ thì có 110 hộ còn làm nghề, trong đó có khoảng 66 hộ có cơ sở lớn, sản xuất nhiều hàng. Ngoài Công- Thảo, còn có Quang-Thu, Cận-Nam, Dung-Bình, Kiếm-Hiền... có “thương hiệu” trên thị trường. Cũng hiếm có nghề nào tất bật như nghề này lắm. Từ ông bà chủ, đến thợ làm công, từ người già tới trẻ nhỏ, ai cũng biết việc, ai cũng phải làm việc cả. Đố ai mà làm nghề được một mình. Trong gia đình, vì thế, luôn có sự tự phân công hợp lý: Người xay bột, thì người sàng vừng. Mẹ chồng tráng bánh thì con dâu dậy nhen lò, cháu nhỏ thì tham gia quạt bánh, sáng hơn cha dậy đưa phên ra phơi bánh, khi đủ độ nắng thì cả nhà xúm vào lóc bánh. Lóc bánh cũng phải đúng thời điểm, nếu để quá nắng thì bánh quăn, xộc xệch, nhăn nhúm. Vậy nên cái việc cả nhà cùng lao động đã thành nếp ở Làng nghề. Trẻ em Làng nghề biết việc sớm lắm…


Cơ sở sản xuất bánh đa, kẹo lạc Công - Thảo.

Chị Thảo đã xong mẻ kẹo, tiếp thêm câu chuyện của bác Giao: “Xưa, mẹ chị vừa tráng xô bánh vừa cho chị bú đấy. Chị lớn lên với sự tất bật của mẹ và cả gia đình. Sinh ra là đã gắn với nghề rồi. 7,8 tuổi đã biết làm kẹo, làm bánh. Còn cha chị chính là người đã dạy chị từng nết làm, từng bí quyết từ sơ, quấy, đóng... làm răng cho giòn, tan. Sau lấy chồng, cũng lấy về con nhà 3 đời làm kẹo. Nghề này không làm ẩu được. Phải cẩn thận từ khâu chọn lạc, chọn vừng, đừng để một hạt mốc, hạt thối nào lẫn vào.

Kỳ công hơn nữa, còn phải sàng bằng nước để lọc hết bụi bẩn, đảm bảo yếu tố vệ sinh làm đầu. Làm bánh thì tốt nhất chọn trời nắng, bánh trời mưa lại phải sấy bằng than, bánh không đẹp, khó ngon được. Bột làm bánh phải xay từ đêm trước, trộn tiêu tỏi, bột xúp; vừng sàng sạch, sáng mai đốt lò bắc nồi hấp chín bằng hơi. Gọi là tráng bánh những thực tế là hấp chín, rồi đưa phơi bằng phên. Còn làm kẹo, cũng nhiều công đoạn lắm. Kẹo mật thì nấu mật gần sôi, đổ lạc sống vô, ngào lẫn với nhau, thêm gừng, để trên bếp như vậy 30 phút mới xong 1 mẻ. Kẹo đường thì nấu nha, lạc phải rang lên từ trước, trộn vào nha chừng 10 phút trên bếp...

Cầm trên tay thanh kẹo vừa cắt còn nóng hổi, chị Thảo nói tôi thử ăn xem sao. Cắn thanh kẹo thơm- dẻo-ngọt-bùi, uống một ngụm chè xanh, để thấm cái vị ngọt ấy được làm bằng bao nhiêu mồ hôi, tôi thấy tiếc nuối vì thương hiệu kẹo lạc, bánh đa Vĩnh Đức chưa vươn được xa như nhiều thương hiệu khác. Chị Thảo thấy tôi tấm tắc thì vui lắm: “Gia đình chị sản xuất đủ loại, đủ kích cỡ bánh, kẹo tùy theo nhu cầu khách hàng. Họ đặt làm quà là nhiều, gửi đi khắp: Trong nước thì không nói, nhưng sang cả Nga, Ôxtrâylia, và một số nước có nhiều lao động người Nghệ.

Tuy nhiên, đây cũng mới ở dạng gia đình tự bươn chải, liên hệ bán sản phẩm và phần lớn là người ta nghe tiếng tìm đến mua làm quà thôi”. Trăn trở với nghề, có thể nói là sống chết với nghề, chị Thảo không ít đêm mất ngủ để tìm ra bí quyết pha chế để có được sản phẩm kẹo cu đơ dẻo. Chị Thảo nói, mùa hè còn được ngủ giấc dài, chứ mùa đông, đêm chỉ có vài ba tiếng ngủ thôi, còn phải dậy làm để kịp khách đặt. Không nên để mất khách vì những điều nhỏ nhặt. Tôi hỏi: Vậy chị đã giàu nhờ kẹo lạc, bánh đa chăng? Chị không trả lời, mà đọc lại câu thơ của bố mình, một người cả đời gắn với nghề của ông chị truyền lại: “Bánh khô ít vốn, nhiều lời/ Trời mưa cho trộ, rồi đời bánh khô”. Ấy là để nói rằng, cái nghề này phụ thuộc vào thời tiết lắm, lỗ và lãi rất mong manh. “Vậy nên, nói chẳng ngoa, hiếm người làng nghề giàu được vì kẹo. Như chị Thảo đây, cũng đủ nuôi 2 con đại học, chứ để phất lên thì còn nhiều cái khó lắm”- bác Giao nói thêm.

Chào chị Thảo khi khách đến mua hàng, chúng tôi vào trong những hẻm ngõ của làng Vĩnh Đức (giờ là khối 10 - thị trấn). Những mái bếp lúp xúp kín gió đều bập bùng ánh lửa và tất tả dáng người. Mùi ngọt thơm vị mật, vị lạc, vừng bay ngào ngạt không gian. Nhiều bà lão, ông lão đang trở phên bánh bên giậu, bên hiên nhà, cười hiền hậu trong ánh nắng tỏa xuống rực ngời. Phải đến 200 năm rồi, bắt đầu từ những cư dân xứ Bắc di tản vào xứ Lường này lập nghiệp, để có một Làng nghề bền bỉ đến hôm nay. Tôi như vẫn thấy đâu đây, cái nét xưa cũ của người phường Hồng Hoa, người Vạn Sinh, người làng Vĩnh... qua những thời kỳ vẫn cố vươn dậy làm nghề và làm giàu. “Nhiều người đưa nghề đi các nơi.

Ở Vinh, ở Nghĩa Đàn, Yên Thành, hay tận xa xôi..., thấy có ai làm kẹo hỏi thăm thì y như rằng người làng Vĩnh Đức”- anh Nguyễn Văn Công, một cư dân chia sẻ. Cũng như anh Công, bác Giao, chị Thảo..., người Vĩnh Đức mang niềm tự hào quê mình có những “tiến sỹ nấu kẹo”. Nào là Tiến sỹ Đinh Viết Hoàng (Đ.H Vinh), Tiến sỹ Võ Thị Quỳnh (ĐH Quốc gia Hà Nội)... xưa kia một buổi đi học, một buổi về “đảo kẹo rành giỏi”. Và nỗi trăn trở cho nghề thì ai cũng thế, đau đáu mong mỏi. Người làm kẹo giỏi nhất nơi này, ngoài gia đình chồng, con tham gia làm kẹo cũng thuê thêm 8-10 công nhân, mỗi năm ước chừng cho ra lò khoảng 30 tấn bánh kẹo, những gia đình khác thì khoảng 10 tấn. Con số nhìn vào tưởng nhiều là thế, nhưng lãi không nhiều, và chính vì thế “hiếm ai giàu được với nghề kẹo”.

Theo như tính toán của người làm nghề thì làm bánh đa lãi thấp, sợ rằng không giữ được nghề bền vững. Cách làm bánh kẹo còn chủ yếu thủ công. Sản phẩm làm ra phần lớn chưa có nhãn hiệu, tiêu thụ thì mạnh ai nấy “chạy”. Ngay cả logo Làng nghề cũng đang trong giai đoạn chờ thẩm định, nên cũng chưa có điều kiện quảng bá. Bác Phạm Ngọc Giao đã 3 năm nay vẫn “chủ nhiệm lâm thời” của Làng nghề, cứ chờ đợi một lần đại hội để kiện toàn lại bộ máy, Làng nghề đi vào hoạt động ổn định, có điều kiện tiếp nhận đầu tư, đăng ký sản phẩm của Làng nghề. Có lần, bác được sự động viên của nhiều người, định mạnh dạn đưa sản phẩm ra tham dự Hội chợ Thăng Long, nhưng vì thiếu logo, chưa đủ điều kiện công nhận nên đành... ngậm ngùi bỏ dở.

Bên cạnh đó, người dân làm nghề, nhất là dân nghèo, không có vốn thì không biết lấy gì đầu tư để mở rộng sản xuất. Ai có điều kiện học hành cao cũng không mặn mà quay lại phát triển tại Làng nghề. Yêu nghề như gia đình chị Thảo, bây giờ cũng chỉ còn người con thứ, vừa đi học cao học ở Hà Nội, vừa tìm cách đưa kẹo của gia đình đi quảng bá... Sau khi được công nhận Làng nghề, khối 10- Vĩnh Đức đã nhận được sự đầu tư từ huyện, song dường như vẫn chưa đủ để người dân dám mở rộng, bứt phá.

Cũng thật nhiều cái “nếu như” được người dân Vĩnh Đức nói ra: Nếu như có doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu sản phẩm, chúng tôi không quá lo về đầu ra, thì sẽ yên tâm làm người sản xuất. Nếu như có sự nghiên cứu giúp chúng tôi máy sấy bánh để yên tâm làm bánh cả khi trời mưa. Nếu như được vay vốn để chúng tôi có thể “quay trở” với nghề... Ấy cũng là nỗi niềm của người viết bài này, được nếm vị kẹo ngọt nơi này, suy nghĩ, mong mỏi...


Bài, ảnh: Thùy Vinh