Doanh nghiệp và nông thôn mới

23/08/2013 21:45

Với khoảng 70% cư dân đang sống tại nông thôn, Chương trình xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa rất lớn cả về kinh tế - chính trị - xã hội. Tuy nhiên, để biến những mục tiêu tốt đẹp của Chương trình thành hiện thực, mọi nguồn lực cần được huy động một cách hiệu quả, đặc biệt là cộng đồng DN.




Thiếu đầu tư của DN, nông dân không chỉ đối mặt với khó khăn về đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm, mà còn bị ảnh hưởng đến quy trình sản xuất

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, đặc biệt là gắn với Chương trình MTQG về xây dựng NTM bộ mặt của nông thôn đã có nhiều đổi thay. Những công trình giao thông, những mô hình sản xuất mới được đầu tư hàng trăm tỷ đồng đã phản ánh sự chung sức, đồng lòng của mọi người dân cho Chương trình. Về cơ bản, đời sống của nhiều thôn, xã triển khai mô hình xây dựng NTM đã có những thay đổi khá tích cực.

Còn đó căn bệnh phong trào

Tuy nhiên, với cách làm theo kiểu phong trào, khẩu hiệu, tại không ít địa phương, người dân lại cảm nhận được xây dựng NTM chưa đi vào thực chất mà là một gánh nặng. Với thu nhập còn rất khiên tốn, các xã xây dựng NTM vẫn “bổ đầu” người dân trước các khoản đóng góp quá sức để xây dựng hạ tầng. Đồng cảm trước những khó khăn trên, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, mục tiêu cơ bản xây dựng NTM là giúp người nông dân cải thiện cuộc sống. Thu nhập cao hơn, đời sống vật chất, tinh thần được tốt hơn. Nếu không đạt được mục tiêu này coi như chương trình NTM không thành công.

Thực tế, nhiều đề án xây dựng NTM dù đã phê duyệt nhưng chưa có nguồn lực để thực hiện hoặc lộ trình thực hiện chưa phù hợp, không xác định được tỷ lệ, cơ chế huy động nguồn lực người dân. Nhiều nơi, người dân vẫn phải trông chờ nguồn ngân sách, không ít giải pháp thiếu tính thực tiễn khi thực hiện. Sản xuất nông nghiệp ở các địa phương hầu hết còn nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu là kinh tế hộ, trong khi quy mô HTX còn nhỏ bé, kém hiệu quả. Liên kết 4 nhà bị vi phạm do chưa có biện pháp chế tài. Vì vậy, những mô hình sản xuất hiệu quả khó được nhân rộng.

Mặc dù, Chính phủ đã có nghị quyết, và nhiều nghị định, quyết định nhưng tình hình triển khai vẫn chậm nên người dân, DN hầu như chưa tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi. Trong khi đó, đến nay vẫn chưa có chiến lược mang tầm quốc gia về quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh lớn, chưa có chiến lược giải quyết về tiêu thụ, xuất khẩu những sản phẩm chủ lực như lúa gạo, cá, tôm, cây ăn trái… dẫn đến tình trạng được mùa, mất giá vẫn luôn xảy. DN và người dân còn ngần ngại đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Huy động nguồn lực từ DN

Nhà nước cần có chính sách thúc đẩy hợp tác công - tư trong xây dựng NTM, khuyến khích DN đầu tư vào xây dựng những công trình hạ tầng nông thôn.

Với thực tế trong sản xuất nông nghiệp như hiện nay, muốn phát huy hiệu quả các mô hình sản xuất, hay tăng hàm lượng “chất xám”, hoặc đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm tạo nên lợi thế cạnh tranh, thì không thể thiếu vai trò của DN. Bởi, ngoài tiềm lực về kinh tế, đầu tư vốn cho những mô hình sản xuất hiệu quả, DN còn làm tốt khâu quản lý trong phân phối, tiếp thị và nâng cao giá trị nông sản. Thiếu đầu tư của DN, nông dân không chỉ đối mặt với khó khăn về đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm, mà còn bị ảnh hưởng đến quy trình sản xuất. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn phải nhận “quả đắng” khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vì gặp quá nhiều rủi ro. Rủi ro lớn nhất là do nông dân chưa thực hiện tốt chữ “tín” nên khi hàng nông sản được giá, nông dân hay bán theo kiểu “xé rào”, không tuân thủ các hợp đồng đã ký kết. Ngoài ra, hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ cũng là lực cản, khiến DN lo ngại…

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Đăng Khoa cho rằng: xây dựng NTM là chủ trương đúng, hợp lòng dân nên đi nhanh vào cuộc sống, nhưng phải có cách làm đúng, hiệu quả thì mới đạt mục tiêu. Quan trọng nhất, phải tạo động lực để DN đầu tư vào những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông thôn.


Theo.diendandoanhnghiep-P.H