Cải tạo đàn bò địa phương - Hướng phát triển chăn nuôi bền vững

18/09/2013 16:15

(Baonghean) - Những năm qua, chăn nuôi trâu, bò thịt ở Nghệ An đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xoá đói giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân. để phát triển chăn nuôi trâu, bò bền vững, tỉnh ta đang nỗ lực cải tạo chất lượng đàn trâu, bò giống...

Phát huy lợi thế của huyện có diện tích đất bãi lớn thuận lợi để chăn thả, trồng cỏ nuôi bò, mấy năm gần đây, Hưng Nguyên phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc; đặc biệt chương trình cải tiến và nâng cao chất lượng đàn bò theo hướng lai bò nhập ngoại. Chương trình này không chỉ cải thiện được tầm vóc đàn trâu, bò địa phương, tránh xảy ra tình trạng đồng huyết dẫn đến chậm phát triển mà còn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Ông Bùi Long ở xóm 6 xã Hưng Nhân, trước đây đã từng nuôi giống bò vàng với tổng đàn trên 10 con, nhưng giống nhỏ, trọng lượng thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi có chương trình cải tạo, nâng cao chất lượng đàn bò, được hỗ trợ liều tinh phối giống, gia đình ông đã tiến hành phương pháp thụ tinh nhân tạo cho 4 con bò cái nền địa phương.

Sau 2 năm, ông Long đã có 4 con bê lai, và chỉ sau 10 tháng đã có bê xuất bán với giá từ 13 - 15 triệu đồng/con. Ông Bùi Long cho biết: "Trước đây gia đình tôi nuôi bò "cóc" hiệu quả không cao lắm, trung bình mỗi con bê chỉ bán được từ 4- 5 triệu đồng. Đến năm 2005, khi phối giống bò laisind trọng lượng lớn, giá trị thu nhập cao hơn hẳn. Riêng năm 2013, tôi bán 4 con bò 3 tháng tuổi được gần 50 triệu đồng ". Không riêng gia đình ông Long, ở Hưng Nhân nhiều hộ đã khai thác vùng đất bãi ven sông Lam, phát triển chăn nuôi trâu bò, đặc biệt là bò laisind hàng hóa. Hiện, xã Hưng Nhân có 2.350 con trâu bò, trong đó bò laisind chiếm gần 80%...

Hiện nay, ở Hưng Nguyên phong trào chăn nuôi bò lai sind hàng hóa đang phát triển mạnh ở cả 9 xã dọc sông Lam, nơi có hơn 1.000 ha đất bãi. Tổng đàn trâu bò toàn huyện hiện có trên 17.000 con, trong đó bò lai sind 8.329 con, chiếm 51,64% tổng đàn. Chỉ tính riêng chăn nuôi bò laisind, mỗi năm Hưng Nguyên cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hơn 1.000 tấn thịt, đạt giá trị khoảng 10 tỷ đồng.

Ông Phan Văn Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: "Trong những năm qua, phát triển chăn nuôi hàng hóa đàn bò lai sind tăng nhanh, từ 4.513 con năm 2011 tăng lên 8.392 con năm 2013. Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, đối với các hộ dọc Sông Lam nếu nuôi từ 10 con trở lên sẽ được huyện hỗ trợ 10 triệu đồng làm chuồng trại; khu vực giữa và vùng mạn ngoài nuôi 5 con trở lên được hỗ trợ 10 triệu đồng; riêng đối với vùng khó khăn (xã Hưng Tây, Hưng Yên bắc, Hưng Yên Nam) ngoài tiền hỗ trợ 100% liều tinh của tỉnh, huyện còn hỗ trợ thêm 70.000 đồng/liều tinh. Để khuyến khích các mô hình trang trại, gia trại phát triển, nếu nuôi 20 con bò trở lên hỗ trợ 20 triệu đồng... Với những chính sách khuyến khích hợp lý, Hưng Nguyên đang đưa ra mục tiêu toàn huyện sẽ đạt 25.000 con bò laisind, đạt 80% tổng đàn vào năm 2015 ".

Thực hiện chương trình cải tạo đàn bò theo hướng sind hóa, cùng với việc xây dựng mạng lưới dẫn tinh viên cơ sở, mỗi năm Nghi Lộc tiếp nhận của tỉnh trên 1.000 liều tinh bò Sind để phối giống nhân tạo cho đàn bò ở các xã vùng đồng bằng. Tại các xã miền núi, vùng sâu khó khăn trong việc truyền tinh nhân tạo, huyện đầu tư mua bò đực giống về phục vụ phối giống trực tiếp. Đến nay, toàn huyện có trên 20.000 con bò lai Sind, chiếm 70% tổng đàn và tăng gấp đôi so với năm 2010.

Chương trình cải tạo đàn bò được triển khai theo 2 hướng, các xã vùng đồng bằng tập trung phát triển đàn bò nái lai Sind và chăn nuôi bò vỗ béo theo quy mô nông hộ nhỏ lẻ; vùng núi, bán sơn địa phát triển chăn nuôi nông hộ với quy mô 5 - 7 con và hình thành các trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô lớn. Khó khăn ở Nghi Lộc trong phát triển đàn bò lai Sind hiện nay là đội ngũ dẫn tinh viên, cũng như dụng cụ bảo quản tinh bò còn thiếu. Lượng tinh bò Sind do tỉnh cung ứng hàng năm chưa đủ cho mạng lưới dẫn tinh viên hoạt động. Người dân các xã vùng núi, vùng sâu có tập quán nuôi thả rông nên trâu, bò phối giống tự do, dẫn đến chất lượng còn thấp. Ngoài ra, vì người dân thường bán bê lai nên tỷ lệ sind hoá đàn bò tăng chậm.

Từ những năm 1970 tỉnh đã triển khai chương trình cải tạo giống bò địa phương, tuy nhiên phong trào phát triển chưa mạnh, tỷ lệ bò lai sind chỉ dừng lại ở mức 300 - 400 con/năm. Đến năm 1995, với nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia thực hiện chương trình cải tạo đàn bò, được Trung ương hỗ trợ tinh bò Zebu, các loại vật tư phối giống và được tuyên truyền tập huấn, kỹ thuật... bò lai sind đã tăng lên mức 3.000 - 5.000 con/năm.

Đến năm 1998, sau khi kết thúc chương trình Quốc gia, tỉnh tiếp tục triển khai chương trình cải tạo đàn bò theo hướng Zebu hoá. Đàn bò vàng địa phương được cải tạo bằng các giống bò nhóm Zêbu như Red sind, Sa,... để tạo ra đàn bò lai Zebu có năng suất cao trong sản xuất thâm canh theo hướng thịt. Mỗi năm tỉnh hỗ trợ khoảng trên 20.000 liều tinh bò Zebu, Brahman, riêng 9 tháng năm 2013 tỉnh đã cấp 23.000 liều cho các địa phương. Ngoài dự án này, tỉnh còn thực hiện chương trình phối giống công ích do Trung ương triển khai (từ năm 2005 đến nay) mỗi năm khoảng 6.000 liều tinh bò; nâng tỷ lệ bò laisind từ 15% giai đoạn 1995 lên 37,5% năm 2013.

Theo số liệu Thống kê , tính đến tháng 4/2013 toàn tỉnh có 672.770 con trâu, bò, chiếm gần 1/10 tổng đàn của toàn quốc. Thông qua các chương trình cải tiến giống, chất lượng giống trâu bò đã được nâng lên rõ rệt về tầm vóc và khối lượng thịt. Đặc biệt việc tập trung chăm sóc đàn trâu, bò phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá đang là hướng đi đúng trong việc giảm nghèo ở nhiều địa phương.



Hội thi bò lai Zebu ở Hưng Nguyên.

Ông Ngô Vĩnh Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Giống chăn nuôi Nghệ An cho biết: Việc lai giống giữa bò đực Zebu với bò cái địa phương sẽ cho ra dòng bê con hội đủ những ưu điểm của cha mẹ, thích nghi tốt với khí hậu, vừa tăng trưởng nhanh và đạt chất lượng thịt cao... Một bò đực giống thông qua thụ tinh nhân tạo có thể phối giống cho 250 - 300 bò cái, so với giao phối trực tiếp thì chỉ được 25- 30 bò cái. Thực hiện theo Quyết định 09/2012/QĐ - UBND về việc tạo giống bò, cải tiến giống trâu, theo đó, người chăn nuôi được cấp 100% chi phí tinh trâu, bò sữa, bò hướng thịt; vật tư phối giống và hỗ 50.000 đồng/con có chửa.

Hỗ trợ 60% giá trị trâu đực giống ngoại vùng (cách tối thiểu 50km), bò đực giống lai hướng thịt (về địa phương) để phối giống trực tiếp cho trâu cái ở vùng quy hoạch, bò cái tại các địa phương không có điều kiện thực hiện phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; định mức 30- 50 con trâu, bò cái sinh sản được bố trí 1 con trâu, bò đực giống. Riêng các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong hỗ trợ 80% giá trị trâu đực giống ngoài vùng, bò đực giống lai hướng thịt; định mức 25 - 30 con sinh sản được bố trí 1 con đực giống...

Để nâng cao hiệu quả chương trình cải tạo đàn trâu, bò, ngoài chính sách hỗ trợ các ban, ngành địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của việc nuôi bò lai. Về lâu dài, cần khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi trâu, bò; xây dựng mối liên kết giữa cơ sở chế biến với người chăn nuôi để tạo thuận lợi cho sản xuất, tiêu thụ. Riêng đối với đàn bò, vấn đề đặt ra hiện nay là phải xây dựng được đàn bò nái nền giống ngoại, nếu chỉ dừng lại ở việc tạo ra con lai F1 làm bò thịt sẽ gây ra sự lãng phí năng lực sinh sản của đàn bò và năng suất thịt rất thấp. Có như vậy chương trình cải tạo đàn bò mới đạt hiệu quả cao và bền vững.


Ngọc Anh