Tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng

26/08/2013 15:56

(Baonghean) - Hàng năm, qua nhiều kênh khác nhau nhiều mô hình, đề tài tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), sáng kiến được chuyển giao cho bà con nông dân. Tác dụng của những ứng dụng đó đem lại một diện mạo mới cho nông nghiệp - nông thôn. Thay đổi cuộc sống, cách nghĩ, cách làm của người nông dân.

húng tôi về thăm mô hình trồng nấm ở xóm 6, xã Diễn Xuân. Tổ gồm 6 người, thành lập từ tháng 9/2012. Sau một lớp tập huấn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, với cơ chế hỗ trợ của huyện, tổ sản xuất ra đời. Sau 1 năm hoạt động, với 7 tấn rơm nguyên liệu, tổ đã sản xuất gần 1 tấn nấm các loại, bán được 37.700.000 đồng. Trừ chi phí 9,4 triệu đồng. Mỗi người được nhận hơn 4,7 triệu đồng. Do diện tích hẹp, chưa có điều kiện mở rộng, thu nhập bước đầu còn khiêm tốn, nhưng cho thấy đây là nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao, nguyên liệu có sẵn, tận dụng thời gian lúc nông nhàn. Theo chị Nguyễn Thị Hoa tổ trưởng, nghề trồng nấm là nghề mới, đòi hỏi kỹ thuật cao, phải theo dõi tình hình thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm để điều chỉnh cho phù hợp. Bước đầu chưa quen, về sau làm chủ được quy trình sản xuất, thấy cũng bình thường như các nghề trồng ngô, nuôi lợn… Tổ đang có kế hoạch mở rộng diện tích lên 3 - 4 lần, để tăng thu nhập cho tổ viên.



Mô hình trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế tại Diễn Xuân (Diễn Châu).

Theo ông Phan Huy Hảo, Trạm phó Trạm Khuyến nông, hàng năm từ nguồn kinh phí của tỉnh, huyện, các chương trình, dự án… trạm tổ chức các lớp học chuyển giao mô hình sản xuất, tiến bộ kỹ thuật để bà con áp dụng vào sản xuất. Nhiều mô hình được chuyển giao thành công, như kỹ thuật trồng nấm, nay huyện đang có kế hoạch nhân rộng. Cũng có mô hình chuyển giao thành công, nhưng không phát huy được hiệu quả, do không có thị trường… Các chương trình tập huấn chuyển giao không chỉ phát huy được hiệu quả, mà điều quan trọng là làm thay đổi cơ bản cách nghĩ, cách làm của người nông dân. Đưa họ tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả, cải thiện cuộc sống.


Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Hàng năm, bằng nguồn ngân sách của Trung ương, địa phương, trung tâm chuyển giao hàng chục mô hình sản xuất cho người nông dân. Hầu hết các mô hình này đang phát huy hiệu quả tốt. Trước những năm 1990, cây lúa lai chưa xuất hiện, năng suất bình quân toàn tỉnh chỉ đạt 2,4 tấn/ha. Nhờ tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống lúa lai ra đời, thông qua các chương trình tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác, người nông dân đã có bước “nhảy vọt” trong nông nghiệp. Nếu như, năm 1993 diện tích lúa lai toàn tỉnh chỉ mới đạt 1.058 ha, đến năm 2012 lên 80.000 ha. Năng suất bình quân từ 2,4 tấn lên 5,2 tấn/ha (tăng 2,1 lần). Diện tích ngô năm 2012 đạt 55.789 ha, tăng 2,29 lần so với năm 1993; năng suất đạt trên 3,5 tấn/ha, tăng gấp 2 lần so với năm 2000.

Áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay thế cây trồng thu nhập thấp, bằng cây trồng thu nhập cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng thâm canh ngô đông trên đất 2 lúa. Phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa gắn với trồng, chế biến dự trữ thức ăn. Xây dựng vùng chuyên canh cây công nghiệp, phục vụ các nhà máy chế biến, như mía đường (diện tích mía đứng đạt gần 29.000 ha), chè 7000ha… Việc đưa giống mía, chè cao sản vào thâm canh, từng bước cải thiện chất lượng và nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, cũng thấy rõ bước đột phá do khoa học kỹ thuật mang lại. Trước những năm 1980, việc nuôi tôm ở tỉnh ta hầu hết là nuôi quảng canh. Với sự hỗ trợ của ngành Thủy sản, các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn cho sinh sản thành công tôm sú giống. Chủ động được nguồn giống, phong trào nuôi tôm công nghiệp phát triển gần 2000 ha/năm. năng suất không ngừng tăng. Hiệu quả của nghề nuôi tôm là nhiều tỷ phú nông dân xuất hiện. Sau con tôm sú, việc thử nghiệm thành công nuôi tôm thẻ chân trắng đã đưa nghề nuôi tôm sang một thời kỳ mới. Với năng suất nuôi bình quân 5 tấn/ha (nhiều hộ trình độ nuôi thâm canh tốt đạt 10 -15 tấn/ha). Con tôm thực sự là “vật nuôi” làm giàu của người nông dân.

Từ việc áp dụng thành công các biện pháp khoa học kỹ thuật tạo ra tôm giống, các cơ sở sản xuất giống đã nghiên cứu cho sinh sản thành công các loại hải sản có giá trị kinh tế cao như: cua, cá vược, cá bống bớp… làm đa dạng vật nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian qua, việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, đã tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, hướng đến nền sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, để nông nghiệp phát triển một cách bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao, vai trò liên kết “4 nhà” cần được phát huy hơn nữa. Hiện nay, chỉ có vai trò của nhà khoa học và nhà nông là rõ nét. Một bên tổ chức nghiên cứu, xây dựng mô hình chuyển giao, một bên là tiếp thu, thực hiện các mô hình, bước đầu đã cho hiệu quả. Vai trò của doanh nghiệp gần như đang vắng bóng, còn các cấp chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả. Sự thiếu đồng bộ, gắn kết này đã tạo nên tình trạng hàng hóa ế thừa, bị ép giá, dẫn đến người sản xuất bị thua lỗ.

Hiện nay, nghề trồng nấm đang phát triển mạnh ở các địa phương như Yên Thành, Diễn Châu… nhưng bà con vẫn chưa yên tâm sản xuất, vì chưa có đầu ra ổn định, sản phẩm đang bán trôi nổi trên thị trường, nên người nông dân không dám phát triển. Nếu như liên kết được với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, chính quyền các cấp có chính sách giúp xây dựng, quảng bá thương hiệu, hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến…, người nông dân sẽ yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Được như vậy, chắc chắn nghề trồng nấm sẽ nhanh chóng phát triển, trở thành nghề mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Để phát triển nghề nấm, tỉnh Hải Dương đã chi ra hơn 60 tỷ đồng xây dựng cơ sở chế biến, hỗ trợ bà con sản xuất. Có thể lấy đó làm bài học kinh nghiệm, giúp nghề trồng nấm tỉnh ta phát triển. Tương tự, các loại cây trồng, vật nuôi khác trên địa bàn tỉnh ta, hiện cũng đang sản xuất trong tình trạng như nghề trồng nấm.


Anh Tuấn