Bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học vùng biển ven bờ
(Baonghean) - Đa dạng sinh học là nguồn tài nguyên sinh vật vô cùng quý giá và mang tính quyết định cho sự tồn tại của con người vì đây là nguồn cung cấp thực phẩm chính. Đa dạng sinh học đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì các ngành kinh tế, đồng thời tạo ra sự ổn định, khả năng chống chịu cho nền kinh tế và các cơ hội để nâng cao sản lượng, phát triển các ngành nghề, tạo thu nhập cho các cộng đồng dân cư trong tỉnh. Tuy nhiên, những năm gần đây sự phát triển các ngành nghề theo cao trào, không theo quy hoạch hợp lý đã làm tổn thương nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên sinh vật biển ven bờ của tỉnh.
Theo kết quả khảo sát của đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu và đề xuất giải pháp bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học đảo Ngư, đảo Mắt và biển ven bờ Nghệ An”, Nghệ An là tỉnh có lợi thế vùng biển, đảo, hải phận rộng 4.230 hải lý với hai hòn đảo là Đảo Ngư, Đảo Mắt. Vùng biển Nghệ An tập trung nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao (cá chàm, rắn biển, các loại ốc, nhuyễn thể hai mảnh…). Trong đó, cá biển và thân mềm là 2 nhóm động vật đa dạng và phong phú hàng đầu trong các nhóm động vật thủy sinh.
Nguồn lợi của chúng có ý nghĩa rất quan trọng và mang lại giá trị kinh tế cao cho các cộng đồng sinh sống ven biển, đặc biệt là những loài cá biển và thân mềm cỡ lớn. Bằng các phương pháp điều tra, thu thập nhóm thực hiện đề tài đã xác định được 54 loài thực vật nổi thuộc 3 ngành tảo silic, tảo giáp, tảo lam và 20 loài cây thực vật ngập mặn ở vùng cửa sông và rừng ngập mặn ven biển Nghệ An. Hệ động vật đã xác định được 136 loài cá, thuộc 51 họ, 16 bộ, 2 lớp, 31 loài giáp xác, thuộc 10 họ, 2 bộ, động vật thân mềm có 36 loài, thuộc 21 họ, 10 bộ, 2 lớp; Có 32 loài rong biển, thuộc 14 họ, 10 bộ, 5 lớp và 3 ngành; Thực vật phù du có 152, thuộc 22 họ, 9 bộ, thuộc 5 ngành.
Kết quả nghiên cứu cũng đã xác định được thảm động thực vật đa dạng tại vùng biển xung quanh Đảo Ngư và Đảo Mắt Nghệ An. Có tới 152 loài động vật đáy thuộc 51 họ, 15 bộ, 4 ngành, vùng biển xung quanh đảo Mắt với 118 loài, thuộc 43 họ, 15 bộ; Đã tìm thấy 99 loài, 41 họ, 13 bộ ở vùng biển xung quanh Đảo Ngư và 100 loài, 30 họ, 8 bộ ở vùng biển xung quanh đảo Mắt. Hệ thực vật được định danh có 77 loài, 41 họ, thuộc 3 ngành. Hệ động vật được xác định có 56 thuộc 22 họ, 8 bộ, 5 lớp và 144 loài thuỷ sinh có giá trị kinh tế, trong đó có 70 loài cá, 16 loài giáp xác, 28 loài động vật thân mềm, một số loài có giá trị kinh tế cao như vẹm xanh, sò huyết, sò lông, hàu cửa sông, ngán, ngao dầu, mực ống, mực nang, don…
Có thể thấy, tài nguyên sinh vật biển vùng biển ven bờ tỉnh ta rất lớn, đa dạng, phong phú về chủng loại và số lượng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây nguồn tài nguyên thiên nhiên này đang bị đe doạ nghiêm trọng, suy giảm cả về diện tích lẫn cấu trúc. Nguyên nhân do môi trường biển ngày càng bị suy thoái, tình trạng đánh bắt mang tính huỷ diệt như dùng chất nổ, chất độc, cùng với sự gia tăng ô nhiễm không được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường nước. Nhiều loài động thực vật hiện vẫn đang là đối tượng khai thác bằng nhiều hình thức khác nhau, kể cả hình thức tận diệt bằng hóa chất và chất nổ. Sự suy giảm đa dạng sinh học kéo theo sự suy giảm số lượng loài sinh vật có giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, tình trạng dân số gây sức ép dẫn đến tình trạng khai thác quá mức, làm suy giảm tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học biển.
Rừng ngập mặn ở xã Diễn Kim (Diễn Châu).
Ảnh: Trần Cảnh Yên
Để sử dụng và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn lợi sinh vật vùng ven biển tỉnh ta, trước hết cần tiến hành khoanh vùng các khu vực khai thác và nuôi trồng hợp lý nhằm bảo vệ, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thủy sinh vật. Vấn đề đặt ra là cần phải bảo tồn và phát triển những loài quý hiếm, đặc sản, có giá trị kinh tế cao gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn tri thức bản địa và vốn văn hóa truyền thống của người dân.
Đề tài đã đề xuất nhóm giải pháp mang tính quản lý trong đó, tiếp tục tăng cường phân cấp quản lý Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi giống loài thủy sản quý hiếm, bảo vệ vùng cấm khai thác, giống loài cấm khai thác; Đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở trong công tác nghiên cứu, phát triển nguồn gen; Tăng cường tuyên truyền giáo dục cho người dân để nâng cao nhận thức cộng đồng bằng các hình thức biên soạn tài liệu, phim ảnh… Tăng cường hội nhập quốc tế về lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản để quản lý các loài di cư, giám sát buôn bán động vật hoang dã quốc tế; Về khoa học và công nghệ, tiếp tục nghiên cứu xây dựng bản đồ các loài bị đe dọa, nghiên cứu các loài thủy sinh, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ để khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản một cách hiệu quả.
Bảo tồn và phát triển nguồn lợi biển là bảo vệ các hệ sinh thái biển và duy trì sự đa dạng sinh học biển. Các loài động thực vật ở vùng biển được bảo vệ, cảnh quan vùng biển được duy trì, là nền tảng tạo ra sự phong phú về sản vật, sản phẩm biển như thủy hải sản, cảnh quan môi trường biển... để các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong tỉnh tận dụng và phát triển được nguồn lợi từ biển mang lại. Vì vậy, việc nghiên cứu đa dạng sinh học vùng ven biển của tỉnh là yêu cầu cần thiết hiện nay, hoạt động này góp phần định hướng sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên sinh vật ven biển của tỉnh, cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Thanh Hoa (Trung tâm TTKHCN&TH)