Chưa có tiêu chuẩn chất lượng 3G

18/10/2013 22:54

Mặc dù dịch vụ 3G đã được triển khai tại VN gần bốn năm nay, nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng về dịch vụ này. Việc kiểm tra chất lượng dịch vụ 3G chỉ dựa trên cam kết của các doanh nghiệp (DN) viễn thông.

Bạn Trần Thị Hồng Nhung, sinh viên năm 3 Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, sử dụng 3G để đọc báo và tìm tài liệu học tập hằng ngày - Ảnh: Quang Định
Sinh viên sử dụng 3G để đọc báo và tìm tài liệu học tập - Ảnh: Quang Định

Trong khi đó, dù các nhà mạng cho rằng chất lượng dịch vụ 3G là đảm bảo thì nhiều người sử dụng dịch vụ này lại cho rằng chất lượng rất kém, chưa tương xứng với giá cước.

Chưa có bộ tiêu chuẩn

Ngày 17-10, tại tọa đàm vì sao tăng giá cước 3G do báo Bưu Điện VN tổ chức, ông Nguyễn Đức Trung, phó cục trưởng Cục Viễn thông Bộ Thông tin - truyền thông (TT&TT), cho biết việc quản lý chất lượng 3G hiện nay chủ yếu theo cam kết của các DN. Khi cung cấp dịch vụ hay trình hồ sơ xin tăng cước 3G, DN đều phải có cam kết về chất lượng và bộ sẽ kiểm tra chất lượng dịch vụ theo như cam kết của từng DN.

Giải thích lý do căn cứ theo cam kết của DN đưa ra để kiểm tra chất lượng 3G, ông Trung thừa nhận đến nay Bộ TT&TT vẫn đang... xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho dịch vụ này. “Dịch vụ di động đã có tiêu chuẩn nhưng chủ yếu là dịch vụ thoại, còn dịch vụ data và 3G đang trong quá trình hoàn thiện bộ tiêu chuẩn chất lượng” - ông Trung nói.

Theo ông Trung, bộ tiêu chuẩn đang được xây dựng sẽ dựa trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Thời gian tới, khi kiểm tra chất lượng dịch vụ, bộ sẽ công bố công khai toàn bộ kết quả về chất lượng dịch vụ viễn thông nói chung, trong đó có chỉ tiêu mà DN cam kết, đồng thời với đợt điều chỉnh giá cước lần này.

Thế nhưng trả lời câu hỏi về chất lượng 3G, ông Hồ Đức Thắng - phó giám đốc Công ty Vinaphone - cho biết thời gian qua nhà mạng này đã thực hiện đúng cam kết do Bộ TT&TT đưa ra. Hằng năm bộ cũng có đợt kiểm tra, đo kiểm tại khu vực bộ chỉ định và Vinaphone đều đảm bảo chất lượng cung cấp, thậm chí còn cao hơn chất lượng của bộ quy định (?).

Tuy nhiên, ông Thắng thừa nhận việc xây dựng mạng phải theo lộ trình, vừa xây dựng vừa tìm hiểu kỹ thuật để tối ưu hóa mạng lưới, điều chỉnh trạm phát sóng nên trong lúc điều chỉnh nâng cấp mạng lưới cũng có nơi, thời điểm chất lượng không đảm bảo yêu cầu của khách hàng.

Tăng đồng loạt do chu kỳ tính cước?

Xung quanh mức tăng giá cước 3G đến 40%, ông Nguyễn Đức Trung cho biết Cục Viễn thông không ấn định tăng bao nhiêu nhưng tính toán cho thấy đợt này giá cước tăng trung bình 20%. Ông Trung cho rằng có nhiều gói cước cho khách hàng lựa chọn, không nhất thiết phải sử dụng gói cước tăng giá vì có cả gói cước giảm giá.

Ông Trung cũng lý giải việc các DN chiếm thị trường khống chế đồng loạt tăng giá cước cùng thời điểm là do Bộ TT&TT. Cụ thể, vào tháng 8-2013 các DN đã trình hồ sơ đề nghị tăng giá. Ngày 4-10, bộ có quyết định cho phép các nhà mạng tăng giá cước 3G nhưng không nêu thời điểm cụ thể.

“Chúng tôi không có thẩm quyền xem xét các nhà mạng có bắt tay với nhau hay không” - ông Trung nói. Các nhà mạng lý giải rằng chu kỳ tính cước của mình vào đầu tháng hoặc giữa tháng nên khi có quyết định đã lấy chu kỳ tính cước giữa tháng (ngày 16-10) để tăng giá chứ không có thỏa thuận nào.

Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công thương Trần Anh Sơn cho biết theo quy định của pháp luật tố tụng cạnh tranh, tất cả thông tin do DN cũng như Bộ TT&TT cung cấp đều là nguồn chứng cứ. Tuy nhiên, Cục Quản lý cạnh tranh không có quyền kết luận ai vi phạm mà phải do hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh kết luận thông qua phiên điều trần.

Khi đó, tại phiên điều trần, các bên bị điều tra, cơ quan điều tra và hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh sẽ tham gia tranh luận. Nếu như bị kết luận có vi phạm sẽ bị phạt, mức tối đa có thể là 10% tổng doanh số của năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm.

Dân đã phản ảnh thì phải kiểm tra

Theo một lãnh đạo Ban bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Cục Quản lý cạnh tranh, với dịch vụ liên quan đến nhiều người như dịch vụ 3G nên có tiêu chuẩn áp dụng chung, hoặc nếu theo tiêu chuẩn của DN thì việc kiểm tra giám sát cần thường xuyên và công khai kết quả để tạo sự minh bạch, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Theo vị này, rất khó để người dân chứng minh DN cung cấp dịch vụ chất lượng kém. Tuy nhiên chỉ cần có nghi vấn, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền gửi đề nghị đến Cục Quản lý cạnh tranh và Cục Viễn thông để cơ quan chức năng có căn cứ làm việc.

Ông Trần Công Tuấn, nguyên chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội, cho rằng khi người dân đã có phản ảnh, báo chí lên tiếng về chất lượng dịch vụ 3G không như mong muốn, các cơ quan chức năng cần vào cuộc. Ngay cả với tiêu chuẩn do DN tự xây dựng và công bố, nếu thực hiện không đạt cũng cần phải bị phạt nghiêm. Nếu phạt vẫn không đạt thì phải xem lại chỉ tiêu chất lượng, cùng đó là giá cả ở mức tương xứng.

Theo ông Tuấn, cơ quan chức năng không thể suốt ngày đi kiểm tra, nhưng nếu kiểm tra vẫn lọt, để người dân phản ảnh chất lượng dịch vụ không đạt hay không đúng như công bố thì phải kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ hơn. Khi phát hiện và xử lý nghiêm, công khai DN chưa đáp ứng tốt tiêu chuẩn thì chất lượng mới có áp lực, sẽ dần được cải thiện.

Chất lượng chưa tương xứng

Xung quanh chuyện tăng giá cước 3G bất thường, Tuổi Trẻ đã nhận hàng trăm email của bạn đọc bày tỏ bức xúc về chất lượng dịch vụ và phản ứng việc tăng giá dịch vụ của các nhà mạng. Trong thư gửi Tuổi Trẻ, bạn đọc Tô Văn Cần bức xúc cho biết kể từ khi nhà mạng tăng giá cước 3G từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng, “chất lượng có thay đổi gì đâu, vẫn ì ạch như rùa”.

“Về quê ở Hà Nam, gần ngay trạm phát sóng mà cả nửa tiếng mới vô được. Còn ở đường Lê Trung Đình, TP Quảng Ngãi mà trèo lên tầng 5 mới có 3G, dưới tầng 1 thì chờ 10 phút mới vào được. Chán hết chỗ nói” - bạn đọc Đỗ Mạnh Tuấn bức xúc. Theo bạn đọc Nguyễn Quân, “dùng 3G nhưng tốc độ 2G, chậm như rùa. Đọc báo phải chờ dài cổ mới vào được”.

“Vẫn với điệp khúc than lỗ rồi xin tăng giá. Họ than 3G kinh doanh lỗ lã, phải dùng lợi nhuận từ 2G đắp sang, rồi không thể đầu tư cho 4G theo đúng lộ trình. Thử hỏi các nhà mạng khai thác 3G còn than lỗ thì đầu tư hạ tầng 4G làm gì? Họ sẽ cung cấp dịch vụ gì trên nền 4G trong khi 3G hiện tại ngoài để truy cập Internet còn có dịch vụ gì khác không?” - bạn đọc Vũ Anh viết.

Theo TT - HL