"Đã mang lấy nghiệp vào thân"...

28/10/2013 14:23

(Baonghean) - Gia nhập Sông Lam Nghệ An từ năm 14 tuổi, Hồ Thanh Thưởng là một trong những cầu thủ thuộc thế hệ vàng của bóng đá Nghệ An. Qua gần 15 năm gắn bó với trái bóng tròn, Hồ Thanh Thưởng xem đây đã là “nghiệp” của mình và thật khó nếu phải từ bỏ…

Hồ Thanh Thưởng đến với bóng đá bắt đầu từ những giải đấu thiếu niên nhi đồng ở phường Lê Lợi. Rồi ước mơ đã thành hiện thực khi mùa bóng năm 1994, ban huấn luyện đội Sông Lam Nghệ An tuyển cầu thủ và Thưởng là một trong ít em may mắn được trúng tuyển. Vào đội khá sớm, Thưởng có dịp được cọ xát, học hỏi nhiều những người đi trước như Văn Sỹ Hùng, Ngô Quang Trường, Nguyễn Hữu Thắng. Niềm đam mê, cháy hết mình với bóng đá của anh cũng đã được đền đáp khi ngày bước sang tuổi 19 cũng là ngày anh được Ban huấn luyện đội Sông Lam Nghệ An tin tưởng chọn lên đội 1. Lứa cầu thủ khi đó có vài chục người nhưng chỉ có anh và các cầu thủ Huy Hoàng, Thanh Hoàn, Thanh Hải được chọn.

Gắn bó với Sông Lam Nghệ An từ 2000 – 2006, anh bảo đó là “thời gian đẹp nhất trong cuộc đời bóng đá của mình”. Gia nhập vào đội chưa được bao lâu anh đã cùng với đội đoạt cúp vô địch mùa giải vô địch quốc gia 2000 – 2001. Tiếp đó là vô địch Cúp thủ đô, Cúp JVC. Năm 2001 anh được gọi vào đội tuyển quốc gia để tham dự vào SEA Games 21. Trải qua nhiều trận đấu cam go, được cọ xát với nhiều giải đấu lớn, Hồ Thanh Thưởng ngày càng trưởng thành.

Sau Sông Lam Nghệ An, anh tiếp tục đầu quân cho HN ACB, T&T, đá cho đội bóng của tỉnh Quảng Nam. Thời gian làm cầu thủ, có những phút vinh quang, có những lúc đắng lòng, có lúc thắng, lúc thua nhưng với anh, hạnh phúc nhất vẫn là được nghe tiếng reo hò của cổ động viên, được ra về trong vòng tay chào đón của người hâm mộ. Cũng ít ai biết rằng, để có được những phút cháy hết mình trên sân cỏ, Hồ Thanh Thưởng đã phải gắng gượng để vượt qua bệnh tật, chấn thương, phải chịu căn bệnh thoái hóa lưng hành hạ. Bản thân anh, trước mỗi trận đấu đều phải tiêm thuốc giảm đau, quá trình luyện tập bao giờ cũng phải có giáo án riêng của bác sỹ. Cũng chính vì lý do sức khỏe nên đã vài ba lần anh được gọi vào đội tuyển quốc gia nhưng cuối cùng phải xin rút lui, gác lại mong muốn được cọ xát với các đội tuyển khác trong khu vực. Bệnh tật cũng không cho anh kéo dài nghiệp cầu thủ, thế nên chưa đến 30 tuổi anh phải từ giã các giải đấu chuyên nghiệp trong tiếc nuối.

Không đành lòng rời xa bóng đá, những ngày mới quay trở lại Thành phố Vinh, niềm vui lớn nhất của anh là tham gia các trận đá bóng “phủi” và gặp lại những người đồng đội một thời như Thanh Hoàn, Quốc Vượng, Văn Quyến, Hải Nam, Lâm Tấn, Sỹ Linh… Một thời gian anh quay sang kinh doanh. Mới đây gặp anh lại thấy anh bận tíu tít với vai trò là huấn luyện viên của đội bia Hebeco tại Hội thao truyền thống CNVCLĐ của ngành. Chia sẻ về công việc này anh nói: “Ngày trước khi đang còn cầu thủ mình cũng đã được học 1 năm ở Trường Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh). Sau đó vì các giải đấu diễn ra liên miên, không có thời gian nên đành bỏ dở. Nếu không, biết đâu mình giờ đã là thầy giáo…Huấn luyện cho các đội bóng nghiệp dư tuy không ổn định, chủ yếu là làm phong trào nhưng mình thấy vui, vì thứ nhất là có thêm nguồn thu nhập. Thứ nữa là được làm nghề. Thấy các bạn đá bóng, mình được trở lại không khí của ngày xưa”.

Hồ Thanh Thưởng làm HLV cho một giải đấu nghiệp dư.
Hồ Thanh Thưởng làm HLV cho một giải đấu nghiệp dư.

Cũng bởi “nặng nợ” với nghiệp cầu thủ nên khi nhận được lời mời làm huấn luyện viên cho Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VSH anh đã rất vui mừng. Công việc mới này, tuy bận rộn lại có nhiều việc nhỏ nhặt như “trông con nhỏ” nhưng anh thấy có ý nghĩa. Quá trình hướng dẫn các em, bên cạnh huấn luyện thể hình, thể lực, kỹ thuật, anh cũng chú trọng nhiều đến việc dạy đạo đức và bản lĩnh sân cỏ.

Anh chia sẻ: Gia đình là động lực để anh trở về và bắt đầu làm lại sự nghiệp ở Vinh. Chặng đường mới này, có thể sẽ không có những phút huy hoàng, sẽ không có huy chương, không có những tiếng reo hò nhưng sẽ vẫn là đường vui để anh được tròn nghiệp với bóng đá…

Song Hoàng