Nâng cao giá trị sản xuất - Giải pháp kéo nông dân đến với ruộng
(Baonghean) - Vài năm gần đây, tình trạng nông dân bỏ ruộng đang có xu hướng tăng. Vấn đề này không chỉ xảy ra ở vụ sản xuất hè thu và vụ đông bấp bênh, mà ngay cả ở vụ xuân - vụ sản xuất được coi là hiệu quả, an toàn nhất trong năm.
Gần 20 năm nay, vụ hè thu trở thành một trong hai vụ sản xuất chính của năm, với diện tích lúa lên đến 55- 56 ngàn ha. Thế nhưng vài năm lại nay, tình trạng bỏ ruộng sản xuất, đặc biệt ở vụ hè thu, ngày càng nhiều. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh đã có gần 1.000 ha đất ruộng bị bỏ hoang, diện tích gieo trồng vụ đông ngày càng giảm mạnh, từ chỗ Nghệ An có gần 60 nghìn ha ngô vụ đông (năm 2006), đến vụ đông 2012 diện tích đó giảm chỉ còn gần 30 nghìn ha. Theo nhận định của nhiều chuyên gia ngành Nông nghiệp, tình trạng này hiện chưa ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp cũng như vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nếu để kéo dài và ngày càng phổ biến, thì đây là vấn đề đáng lo ngại.
Có thể khẳng định, bên cạnh một số vùng, một số gia đình bỏ sản xuất vụ hè thu để đi làm thuê, buôn bán, thì phần lớn diện tích không gieo cấy lúa hè thu là do điều kiện sản xuất bấp bênh, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) là một trong những địa phương được coi là nằm trong “rốn lũ”. Toàn xã có 495 ha đất lúa, trước đây vẫn làm hai vụ, nhưng từ vài ba năm trở lại đây, diện tích đất bỏ hoang trong vụ hè thu ngày càng nhiều. Ông Nguyễn Văn Bình (xóm 6) có 6 sào ruộng, nhưng hè thu năm nay ông chỉ gieo cấy trên 4 sào vùng Cửa Nương. Ông chán nản: “Cả 6 sào đất đều thường xuyên bị ngập trong vụ hè thu, mỗi lần ngập đến 10 ngày là chuyện bình thường, nhưng tiếc đất nên phải cố làm 4 sào, 2 sào còn lại dù tiếc cũng phải bỏ. Tui đã trồng giống Khang dân để có năng suất cao nhưng thường cũng chỉ cho thu hoạch 1,5 - 2 tạ/sào. Như năm nay, lụt chưa thấy nhưng bị chuột phá hoại, mảnh ruộng 1 sào 12 thước may ra được 7 gánh lúa, khoảng 35 kg”.
Đồng ruộng bị bỏ hoang ở Hưng Đạo (Hưng Nguyên).
Theo báo cáo của UBND xã Hưng Đạo, nếu trước đây diện tích đất bỏ hoang chỉ rải rác ở một số mảnh ruộng, thì từ hai năm nay, hiện tượng đó đã trở nên phổ biến, người dân bỏ hoang thành từng vùng, riêng vụ hè thu năm nay toàn xã có trên 40 ha đất bị bỏ hoang, tập trung ở các xóm 3, 4, 5. Chủ tịch UBND xã- ông Phan Đình Hạnh cho biết: Hưng Đạo là xã vùng trũng, chỉ cần mưa liên tục khoảng vài trăm ly là phần lớn diện tích bị ngập. Mấy năm gần đây nước mưa từ thượng nguồn đổ về ngày càng nhanh nên ngập lụt đến nhanh hơn và kéo dài, khi nước rút cây lúa đã thối, mất trắng. Đặc biệt, từ hai năm nay, khi vùng đê bao sông Hội Tĩnh phía bên thị trấn đắp cao hơn bên này gần 1m, tình trạng úng ngập lại càng nặng. Để ứng phó với thiên tai bão lụt, vụ hè thu, Hưng Đạo thường xuyên cơ cấu các loại giống ngắn ngày như Hương thơm số 1, nếp, VTNA2, đặc biệt là giống lúa Khang dân chịu được nước, khi bông lúa đã chắc xanh, nếu gặp mưa lụt, vẫn còn nhân để tận dụng chăn nuôi.
Có thể thấy, việc nông dân bỏ ruộng là một hiện tượng dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, nhưng không phải là toàn bộ mà chủ yếu theo thời vụ. Tuy nhiên, cần phải có những cơ chế, chính sách hợp lý để đất ruộng không bị bỏ hoang. Theo ông Nguyễn Thọ Cảnh (nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT), để giải quyết tốt vấn đề này, cần có cơ chế cho thuê đất, tạo điều kiện dịch chuyển đất sản xuất từ những người không có nhu cầu sang những người có nhu cầu và đủ khả năng đầu tư sản xuất. Đi kèm với đó, phải có mức định giá thuê phù hợp cho từng loại đất cụ thể. Bên cạnh đó, có thể dễ dàng nhận thấy, tình trạng bỏ hoang đất hiện đang chủ yếu xảy ra ở những vùng sản xuất gặp nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên như thiên tai, bão lụt, hạn hán. Với những vùng này, Nhà nước cần có chính sách phù hợp và đủ mạnh để nông dân có thể tiếp tục duy trì sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Trường (Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hưng Nguyên) cho biết: Trong hơn 200 ha đất ruộng bị bỏ hoang trong vụ hè thu năm nay ở Hưng Nguyên phần lớn là ở những vùng ngập lụt, sâu trũng hoặc hạn hán, cao cưỡng. Trong khi sản xuất ở những vùng này rất bấp bênh thì Nhà nước chỉ hỗ trợ ở mức 100 nghìn đồng/sào lúa nếu bị mất do thiên tai, tính ra chưa đủ mua 1kg giống lúa lai. Bởi vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cải tạo hệ thống cơ sở vật chất đồng ruộng, phục vụ cho việc tưới tiêu, đặc biệt là chống úng, tiêu úng cho các xã vùng trũng.
Một nguyên nhân được coi là cơ bản dẫn đến tình trạng nông dân bỏ ruộng là bài toán lời, lỗ trong sản xuất nông nghiệp. Bà Phan Thị Việt (xóm 12 Xuân Thành- Yên Thành) cho biết: Gia đình bà có 3,5 sào lúa, vì không có lao động nên đều phải thuê. Trong khi giá lúa không nhích lên, thì giá thuê nhân công ngày càng tăng. Nếu trước đây, một sào lúa gặt chỉ phải thuê hết 100 nghìn đồng, thì ở vụ xuân vừa qua, gia đình bà phải thuê 300 nghìn đồng, nếu lúa bị đổ ngã 500 nghìn đồng, chưa kể các loại công làm đất, cày bừa, gieo cấy, mỗi vụ lúa cũng ít nhất bốn lần phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ…. Tính ra, nếu không bị mất do thiên tai, thì sản xuất nông nghiệp cũng không lãi là bao.
Ở một số xã của Hưng Nguyên, nhất là các xã lân cận địa bàn TP. Vinh như thị trấn, Hưng Tây, Hưng Phúc, Hưng Thịnh, Hưng Lợi, hầu hết người trẻ bỏ đi làm thuê, buôn bán với mức thu nhập cao hơn làm nông nghiệp. Đặc biệt như ở Hưng Châu, ruộng không chỉ bỏ hoang trong vụ hè thu mà cả ở vụ xuân được coi là vụ sản xuất thuận lợi, nguyên nhân được cho là do thiếu lao động. Trước tình trạng đó, Hưng Nguyên chủ trương chỉ đạo các cấp ngành, đoàn thể đứng ra vận động, kêu gọi những hộ không có nhu cầu sản xuất cho mượn, thuê, hoặc trả lại ruộng cho người khác. Tuy nhiên, chủ trương này cũng đang gặp khó khăn, vì tuy bỏ sản xuất nhưng nông dân vẫn muốn giữ ruộng.
Bên cạnh một số địa phương nông dân bỏ ruộng thì tại những vùng trọng điểm lúa, thâm canh tốt, sản xuất hàng hóa như Diễn Châu, Yên Thành, tình trạng này rất ít, có thể nói là không có. Ông Nguyễn Văn Dương (Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành) cho biết: Với địa hình bán sơn địa, ngoài diện tích đất đồng bằng khá thuận lợi trong sản xuất hè thu, thì Yên Thành còn có một diện tích khá lớn đất vùng cao cưỡng, không chủ động nước ở các xã miền núi như Quang Thành, Kim Thành, Tây Thành… và đặc biệt là gần 3.000 ha ở các xã vùng sâu trũng Nhân Thành, Long Thành… thường xuyên gặp lụt.
Để chủ động đối phó với tình trạng này, Yên Thành chủ trương chuyển những diện tích hay bị hạn, không chủ động nước sang trồng các loại cây khác có khả năng chịu hạn. Với những diện tích sâu trũng, huyện chủ trương sử dụng các giống lúa ngắn ngày, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào trong khâu làm đất, gieo cấy sớm. Nhờ vậy, vụ hè thu năm nay, ngay từ 20/8, Yên Thành đã bắt đầu thu hoạch lúa hè thu. Việc nông dân bỏ ruộng sản xuất là điều chưa từng xảy ra ở địa phương này. Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, hè thu là vụ sản xuất mà bản chất được coi là “chạy lụt”, các địa phương không nên lấy năng suất làm mục tiêu chính, mà phải làm thế nào “né” được mưa lụt thường xảy ra vào cuối vụ. Nghệ An có gần 5.000 ha lúa chạy lụt ở các vùng sâu trũng, với những diện tích này, cần cấy mạ già, cấy sớm để có thể thu hoạch trước 30/8.
Hiện tại, toàn tỉnh đang tập trung thu hoạch lúa hè thu và bắt tay vào sản xuất vụ đông. Với xu hướng diện tích gieo trồng vụ đông ngày càng giảm như hiện nay, cần có những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để vụ đông ngày càng trở thành vụ sản xuất chính, hiệu quả cao thứ ba trong năm, khắc phục dần tình trạng bỏ hoang đất suốt vụ. Đã có nhiều mô hình sản xuất vụ đông rất hiệu quả tại nhiều địa phương như trồng bí xanh, khoai tây, đậu tương. Khác với một số địa phương khác, quỹ đất của Yên Thành chủ yếu là đất hai lúa, nên vụ đông năm nay huyện đã chủ động liên kết với Công ty sữa Vinamilk trồng khoảng 200 ha ngô ở các xã Đồng Thành, Lăng Thành để cung cấp thân, lá cho nhà máy làm thức ăn chăn nuôi.
Sau khi chuyển đổi ruộng đất, nhiều vùng sâu trũng ở Hồng Thành, Phúc Thành, Nhân Thành đã nâng cao hệ thống bờ vùng, bờ thửa, tưới tiêu thuận lợi hơn, đưa vào phát triển diện tích nuôi cá vụ đông với quy mô trên 200 ha. Những mô hình như thế này cần được chú ý và nhân rộng, nhất là ở những vùng có điều kiện tương tự, nhằm tăng diện tích và hiệu quả trong sản xuất vụ đông. Trong tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh mỗi năm gần 1,2 triệu tấn hiện nay, riêng ngô đã chiếm đến 200 ngàn tấn, chủ yếu là ngô vụ đông. Với điều kiện quỹ đất còn nhiều, nhu cầu về sản phẩm của các loại cây trồng chính trong vụ đông là rất lớn, thì những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, với sự vào cuộc tích cực của các địa phương là điều cần thiết để đất không bị bỏ hoang, gây lãng phí.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, vụ hè thu năm nay toàn tỉnh có gần 1.000 ha đất ruộng bị bỏ hoang, tập trung ở các huyện Nam Đàn 600 ha, Hưng Nguyên 211 ha…. Đây là vấn đề rất cần được cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, nhất là khi xu hướng này đang ngày càng tăng. |
Phú Hương