Vấn nạn cầm đồ trong học sinh, sinh viên
(Baonghean) - Không cần tài sản có giá trị, chỉ cần thẻ sinh viên, chứng minh nhân dân hoặc bằng đại học là có thể đến bất cứ một tiệm cầm đồ nào để vay tiền. Giao dịch đơn giản này khiến nhiều học sinh, sinh viên bỗng chốc trở thành con nợ...
Cậu con trai của gia đình chị Nguyễn Thị Hà (Đô Lương) đang theo học tại một trường cao đẳng ở Thành phố Vinh. Vì cháu ở với gì ruột nên lâu nay gia đình không lo lắng gì. Bỗng một ngày gia đình nhận được tin nhắn của con với nội dung “Con chết mất”. Hốt hoảng, cả nhà chị xuống Vinh, tìm mọi cách để liên lạc với con. Sau hơn một ngày tìm kiếm, cuối cùng gia đình tìm thấy cháu đang trốn tại nhà bạn ở khu trọ ở phía sau núi Quyết. Hỏi ra mới biết do ham chơi cá độ nên cậu con trai mới đem thẻ sinh viên ra tiệm cầm đồ vay 20 triệu đồng. Nhưng càng đánh càng thua, chẳng những không có tiền để trả lại còn thêm gánh nặng “lãi mẹ đẻ lãi con”, sau hơn 1 năm số nợ đã lên đến 40 triệu đồng. Gần một tuần, H bị những người ở tiệm cầm đồ lùng sục khắp nơi để đòi nợ, chúng còn dọa sẽ hành hung. Cùng cực quá mới phải nhắn tin cầu cứu bố mẹ.
Trung tá Lê Thanh Hải – Phó trưởng Công an phường Bến Thủy (TP. Vinh) cho biết: Tình trạng học sinh, sinh viên cầm đồ rồi bị đòi nợ không phải là hiếm. Trên địa bàn phường, tuy không có trường hợp nào phải tiến hành khởi tố hoặc xử lý theo vụ việc nhưng một năm đơn vị cũng phải giải quyết vài tình huống mâu thuẫn do cho vay nặng lãi…”.
Các tiệm cầm đồ mọc khắp nơi đang là mối đe dọa không nhỏ cho cuộc sống của học sinh, sinh viên. Hiện tại, trên địa bàn TP.Vinh có đến 392 cơ sở dịch vụ cầm đồ có đăng ký. Ngoài ra còn có hàng chục cơ sở khác trá hình dưới các hình thức như dịch vụ Internet, game, giữ xe máy. Nhiều nhất trong số đó tập trung xung quanh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Riêng những địa bàn trọng điểm tập trung nhiều sinh viên, học sinh sinh sống như phường Bến Thủy, Trung Đô, Hà Huy Tập, Hưng Lộc… mỗi nơi có chừng 20 – 30 cơ sở dịch vụ cầm đồ.
Công an TP. Vinh kiểm tra cơ sở cho thuê xe máy tại đường Phạm Kinh Vĩ, khối 6, phường Bến Thủy. |
Về hình thức, mặc dù Thông tư số 33/2010/TT- BCA ngày 5/10/2010 của Bộ Công an là “chủ sở hữu kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Còn người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở. Không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Đối với những hàng hóa, tài sản cầm đồ thuộc sở hữu của người thứ ba phải có giấy ủy quyền hợp lệ của chủ sở hữu”.
Tuy nhiên trên thực tế, giao dịch ở các tiệm cầm đồ hiện nay diễn ra khá đơn giản. Chỉ cần chứng minh nhân dân, thẻ sinh viên, bằng lái xe… là có thể vay được tiền. Riêng đối tượng học sinh, sinh viên lại càng dễ vì chủ cầm đồ chỉ cần giấy tờ tùy thân để biết các thông tin về khoa, lớp, quê quán. Đối tượng cũng rất ít khi bỏ trốn bởi rất sợ bị báo lên nhà trường hoặc báo về gia đình. Đợt thanh kiểm tra vào tháng 9/2013 mới đây của Đội Quản lý hành chính, công an thành phố cũng cho thấy, trong số 9 vụ việc bị xử lý về vi phạm kinh doanh cầm đồ thì tài sản cầm cố bị phát hiện nhiều nhất vẫn là các loại giấy tờ liên quan đến cá nhân, trong đó có 358 thẻ sinh viên, 411 giấy chứng minh nhân dân, 48 bằng lái xe, 23 giấy đăng ký lái xe, 23 sổ vay tiền. Đối tượng học sinh, sinh viên đến giao dịch ở tiệm cầm đồ chiếm một số lượng lớn.
Ngoài ra, hiện cũng phổ biến việc vay tín dụng đen thông qua tiệm cầm đồ. Với lãi suất trung bình 10 – 15%/tháng, nếu quen biết chỉ cần một giấy vay tiền là đã có thể vay được dễ dàng. Các tiệm cầm đồ cũng thường thực hiện cho vay theo hình thức trả lãi trước. Ví như nếu vay 10 triệu đồng, tiền lãi suất trong 1 tháng sẽ là 1 triệu đồng. Nhưng người vay không phải trả lãi mà các tiệm cầm đồ cộng dồn trực tiếp vào số tiền vừa cho vay. Ở các quán cầm đồ trá hình dưới dạng quán game, internet nhiều chủ quán cho khách chơi thoải mái.
Nếu không có tiền trả sẽ được ký vào sổ nợ rồi tính lãi suất như cho vay thông thường. Nhiều học sinh thành con nợ cũng bởi cơ chế “thoáng” như thế này. Tình trạng các tiệm cầm đồ mọc quá dày ở quanh các trường đại học cũng gây nhiều áp lực trong quản lý học sinh, sinh viên ở các nhà trường. Điều này, ông Phạm Công Lý, Trưởng phòng công tác chính trị - học sinh sinh viên, Trường Đại học Vinh cũng thừa nhận: “Mặc dù nhà trường thường xuyên nhắc nhở, lên án những học sinh cầm đồ và có quy chế kỷ luật rõ ràng nhưng việc sinh viên cầm đồ vẫn diễn ra khá phổ biến và nhà trường không thể kiểm soát hết được…”.
Theo quy định của Nhà nước, cầm đồ là một loại hình kinh doanh có điều kiện. Trong đó ngoài có giấy phép về đăng ký kinh doanh thì cần phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự do đơn vị công an có thẩm quyền cấp. Tuy nhiên hiện nay, chúng ta đang làm theo quy trình ngược, nghĩa là có giấy phép rồi mới xin giấy chứng nhận đủ điều kiện – ông Nguyễn Văn Kha, Phó đội trưởng Đội Quản lý hành chính, Công an Thành phố Vinh cho biết. Điều đó gây khó cho các cơ quan công an hoặc đặt cơ quan công an vào sự “đã rồi”.
Ông Nguyễn Hữu Khánh - Phó trưởng Công an phường Bến Thủy cho hay: Trong quy định, nếu muốn kinh doanh tiệm cầm đồ phải có đầy đủ các điều kiện về kho bãi. Nhưng qua kiểm tra, thường thì tiệm một nơi, kho một nơi. Do đó, chúng tôi rất khó kiểm tra, đối chứng hàng cầm cố ở các tiệm, cũng như khó kiểm tra nguồn gốc hàng hóa. Khó hơn cả là các tiệm cầm đồ lấy bình phong từ các ngành nghề khác như sửa chữa điện thoại di động, cho thuê xe máy, kinh doanh tạp hóa, kinh doanh internet, trò chơi điện tử… Để xử lý và phát hiện sai phạm ở các cơ sở này không dễ dàng khi mà các chủ tiệm có rất nhiều mánh khóe để che mắt các cơ quan chức năng. Đối tượng cầm đồ là học sinh, sinh viên, dù qua các đợt kiểm tra phát hiện hàng trăm trường hợp sử dụng thẻ sinh viên, thẻ học sinh nhưng nhiều trường chưa có một hình thức nào để xử lý, nhắc nhở.
Từ thực tế này, cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền quản lý học sinh, sinh viên để các em biết được những mặt trái của việc cầm đồ, những em vay nợ nhiều cần phải có mức xử lý thích hợp; đẩy mạnh công tác kiểm tra, theo dõi, những trường hợp vi phạm nhiều lần phải xử phạt thích đáng, thậm chí là rút giấy phép nếu có dấu hiệu cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, gây mất trật tự xã hội.
Bài, ảnh:Mỹ Hà