Đưa chương trình công nghệ quốc gia vào cuộc sống
Tích cực đổi mới công nghệ quốc gia là một trong những yêu cầu được đặc biệt quan tâm của Chính phủ trong việc thực hiện 3 chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ. Trong đó, tập trung đầu tư chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, sản phẩm công nghệ cao.
Các chương trình đào tạo ngành công nghệ cao cần phù hợp với nhu cầu của kinh tế thị trường
Theo các chuyên gia, điều quan trọng là làm sao phát triển công nghệ cao đúng hướng và có tác dụng tích cực để các chương trình này thật sự đi vào cuộc sống. Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 12/2013/TT-BKHCN hướng dẫn việc xét duyệt, thẩm định và phê duyệt dự án khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm quốc gia. Đồng thời, thống nhất với các bộ liên quan xác định cơ quan chủ quản sản phẩm quốc gia trong danh mục sản phẩm quốc gia thực hiện từ năm 2012. Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành thời gian tới tập trung cụ thể hóa các chính sách vay vốn ưu đãi, đẩy mạnh xúc tiến thị trường với các chính sách ưu đãi xúc tiến đầu tư, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm đã được đầu tư.
Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện quy hoạch, xây dựng, làm rõ địa chỉ đặt hàng của các sản phẩm quốc gia theo định hướng khoa học mà Thủ tướng đã phê duyệt. Bộ Công Thương là cơ quan chủ quản sản phẩm quốc gia giàn khoan dầu khí; Bộ Y tế là cơ quan chủ quản sản phẩm quốc gia về vắc-xin cho người; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản 3 sản phẩm quốc gia về: Lúa gạo Việt Nam chất lượng cao, năng suất cao; nấm ăn và nấm dược liệu; cá tra và các loại cá da trơn. Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ đã tập trung tổ chức xác định và thẩm định 8 nhiệm vụ liên quan đến đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu đổi mới công nghệ, xây dựng bản đồ và lộ trình đổi mới công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng; nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm và các nhiệm vụ đào tạo về quản lý, quản trị công nghệ.
Mục tiêu của Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020: Số DN thực hiện đổi mới công nghệ tăng 15%/năm, trong đó 5% DN ứng dụng công nghệ cao. 100% DN sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia làm chủ và tạo ra được công nghệ tiên tiến để sản xuất sản phẩm. 80.000 kỹ sư, kỹ thuật viên và cán bộ quản lý DN nhỏ và vừa được đào tạo về quản lý công nghệ, quản trị công nghệ và cập nhật công nghệ mới. |
Tuy nhiên, thời gian qua, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia chưa triển khai được những nội dung quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nghiên cứu đổi mới công nghệ. Bên cạnh khó khăn về vốn và mặt bằng, nhân lực cho các ngành công nghệ cao vẫn còn rất thiếu và rất yếu. Thêm nữa cơ sở hạ tầng của các trường đại học tại Việt Nam hiện nay không theo kịp với các công nghệ tiên tiến hiện đại trên thế giới. Số lượng sách báo, tài liệu, giáo trình phục vụ cho việc nghiên cứu còn rất nghèo nàn. Các doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghệ cao cũng gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng nhân sự, mặc dù hàng năm có khá nhiều kỹ sư ra trường nhưng chỉ khoảng 10% đáp ứng yêu cầu công việc. Vì vậy, cần đổi mới liên kết giữa các trường đại học, doanh nghiệp và viện nghiên cứu đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, cải cách cơ chế, đưa ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực. Các chương trình đào tạo ngành công nghệ cao cũng cần được xác định rõ ràng và phù hợp với nhu cầu kinh tế thị trường.
Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính đã thống nhất áp dụng quy định quản lý tài chính hiện hành để thực hiện nhóm nhiệm vụ nghiên cứu làm chủ công nghệ; nghiên cứu sản xuất thử nghiệm, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ đổi mới công nghệ cho DN từ năm 2013. Hy vọng đây sẽ là cơ hội cho các DN tham gia hiệu quả Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.
Theo.baocongthuong-P.H