Lùi thời hạn thông xe toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2020
Đường Hồ Chí Minh là một trong những dự án trọng điểm quốc gia nhằm giải quyết tốt tình hình giao thông vận tải (GTVT) trên cả nước. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc trong triển khai, sáng 30/10, Chính phủ đã chính thức có Tờ trình đề nghị Quốc hội cho lùi thời hạn thông xe toàn tuyến đường Hồ Chí Minh vào năm 2020.
Giai đoạn 2 còn nhiều khó khăn trong thi công
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh (Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 15 tháng 2 năm 2012). Cụ thể, đường Hồ Chí Minh với điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau) đi qua 28 tỉnh, thành phố với chiều dài 3.183km, (tuyến chính dài 2.499km; nhánh Tây dài 684km), được chia làm 3 giai đoạn đầu tư.
Trong đó, giai đoạn 1 (2000 - 2007), đầu tư hoàn chỉnh với quy mô 2 làn xe bao gồm cả kiên cố hoá và chống sạt lở đoạn từ Hoà Lạc (Hà Nội) - Tân Cảnh (Kon Tum). Giai đoạn 2 (2007 - 2015) đầu tư để nối thông toàn tuyến từ Pác Bó đến Đất Mũi với quy mô hai làn xe, trong đó cơ bản hoàn thành vào năm 2015, một số cầu lớn hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020. Giai đoạn 3 (từ 2012 đến 2020 và sau 2020) tập trung đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến và từng bước xây dựng các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch được duyệt và khả năng nguồn vốn, trong đó lưu ý kết nối với quy hoạch hệ thống đường sắt, đường ngang và các quy hoạch khác có liên quan.
Dự án đường Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn trong quá trình thi công với nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. (Nguồn:www.giaothongvantai.com.vn). |
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có giai đoạn 1 của Dự án đã cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng với tổng chiều dài khoảng 1.350 km, quy mô 2 làn xe. Trong khi đó, các hạng mục công việc của giai đoạn 2 do nguồn vốn khó khăn, đến quý IV năm 2008 các dự án mới cơ bản được triển khai thi công, nhiều dự án thành phần thiếu vốn phải tạm dừng, giãn tiến độ nên giai đoạn 2 của dự án không thể hoàn thành theo tiến độ Quốc hội đề ra. Theo Tờ trình của chính phủ, việc chậm triển khai thực hiện đầu tư và chậm tiến độ hoàn thành giai đoạn 2 do các nguyên nhân chính.
Thứ nhất, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, tiến độ quá chậm so với yêu cầu. Điều này xuất phát từ việc quản lý đất đai còn nhiều bất cập; các cơ chế, chính sách đền bù chưa được thoả đáng; năng lực một số cán bộ địa phương còn hạn chế, chủ yếu là kiêm nhiệm... Hầu hết các dự án thành phần tiến độ bàn giao mặt bằng bị chậm ít nhất là 6 tháng, cá biệt một số dự án thành phần đã phải gia hạn hoàn thành nhiều lần nhưng vẫn không giải phóng được mặt bằng.
Thứ hai, là khó khăn về vốn đầu tư. Do nguồn vốn bố trí cho dự án hạn hẹp nên một số dự án thành phần (DATP) đến cuối năm 2008, đầu năm 2009 mới có chủ trương đầu tư như: đoạn Tân Cảnh - Kon Tum, đoạn Cầu 110 - Buôn Ma Thuột, đoạn Buôn Ma Thuột - Km817, cầu Năm Căn…, một số DATP đã có chủ trương đầu tư, đã hoàn thành dự án đầu tư nhưng chưa phê duyệt do chưa bố trí được nguồn vốn; số khác đã phê duyệt dự án đầu tư nhưng do chưa bố trí được vốn nên chưa triển khai thi công ...
Bên cạnh đó, đối với các dự án giãn tiến độ đã làm kéo dài thời gian hoàn thành dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 và làm tăng chi phí đầu tư xây dựng khi triển khai trở lại, kéo theo phát sinh vốn do trượt giá, chi phí đảm bảo ATGT, giải thể vật tư, máy móc, nhân lực và huy động lại khi dự án được bố trí vốn thi công tiếp, những khối lượng hư hỏng bị hao tổn do ảnh hưởng của thời tiết, phương tiện lưu thông gây ra trong thời gian đình hoãn... Nhiều dự án thi công dở dang đang xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng của dự án cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân vùng dự án.
Đối với các dự án thành phần sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi đòi hỏi tuân thủ các quy định của Nhà tài trợ nên thời gian chuẩn bị đầu tư kéo dài (4 dự án). Đối với các dự án đầu tư theo hình thức BOT (chủ yếu ở khu vực Tây Nguyên) đều chậm tiến độ là do: Nhà đầu tư khó khăn trong việc huy động vốn do lãi suất vay của Ngân hàng tăng cao so với thời điểm ký kết hợp đồng; năng lực nhà đầu tư yếu, tăng trưởng lưu lượng xe không như dự báo, thời gian hoàn vốn dài nên khó huy động nguồn vốn vay.
Ngoài ra, tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua các vùng miền có địa chất, thuỷ văn phức tạp, vì vậy công tác khảo sát thiết kế công trình cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và xử lý triệt để nhằm bảo vệ công trình trong quá trình khai thác sử dụng. Trong quá trình lập dự án đầu tư, do phải chỉnh sửa, cập nhật cho phù hợp với quy hoạch của địa phương có tuyến đường đi qua dẫn đến thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư bị kéo dài.
Do vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho lùi thời hạn thông xe toàn tuyến với quy mô 2 làn xe từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với tổng chiều dài 3183 km (tuyến chính dài 2499 km và nhánh Tây là 684 km) vào năm 2020. Mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn với quy mô từ 2 đến 6 làn xe.
Lùi tiến độ phải đi đôi với chất lượng Dự án
Trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội cho rằng, Chính phủ đã nỗ lực triển khai dự án và đạt được một số kết quả như tờ trình đã thông báo. Trong đó Dự án được triển khai đã cơ bản bám sát yêu cầu của Nghị quyết 38 về việc lựa chọn hướng tuyến, đảm bảo tương đối thẳng theo hướng Bắc - Nam, tránh độ dốc lớn, gấp khúc nhiều; giảm thiểu việc đi qua làng mạc và khu vực có đông dân cư; hạn chế tác động xấu đến môi trường, cảnh quan, các di tích lịch sử, văn hóa, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các công trình năng lượng, thủy lợi và các công trình, dự án quan trọng khác; đã góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở những vùng có tuyến đường đi qua; đồng thời tạo được khả năng liên kết giữa các khu đô thị, vùng dân cư, các khu công nghiệp.
Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng đường Hồ Chí Minh đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) khoảng 1.350 km đã mang lại hiệu quả nhiều mặt, hiệu quả tổng hợp đối với các địa phương nơi Dự án đi qua. Dự án đã góp phần phát triển hạ tầng giao thông tạo điều kiện cho các địa phương phía Tây đất nước phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, rút ngắn khoảng cách miền ngược với miền xuôi, miền núi với đồng bằng, góp phần tích cực vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo...
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế của Dự án. Trong đó, tiến độ thực hiện Dự án ở một số đoạn, tuyến còn chậm ở những mức độ khác nhau so với yêu cầu của Nghị quyết 38 như công tác quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), cắm mốc chỉ giới để giữ đất cho việc xây dựng theo quy hoạch, thiết kế chi tiết xây dựng tổng mức đầu tư và xác định nguồn vốn cho Dự án.Chưa có kế hoạch cụ thể, thích hợp cũng như điều chỉnh kịp thời kế hoạch huy động vốn, giải ngân để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của Dự án; việc dự toán tổng mức đầu tư và sử dụng vốn trong thực hiện Dự án còn nhiều bất cập làm tăng tổng mức đầu tư và suất đầu tư cho 1 km đường.
Chất lượng một số đoạn, tuyến của Dự án chưa đảm bảo theo yêu cầu tiêu chuẩn nên dễ bị xuống cấp, sạt lở; một số đoạn, tuyến chưa bảo đảm yêu cầu thoát lũ ..., việc quy hoạch và thực hiện Dự án mới chủ yếu tập trung vào việc xây dựng đường, chưa chú trọng đúng mức đến phát huy hiệu quả tổng hợp của Dự án.
Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với các nguyên nhân của những hạn chế trong việc thực hiện Dự án như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, để có thể xác định rõ trách nhiệm trong việc thực hiện và đưa ra các giải pháp khắc phục, báo cáo đã nêu rõ nguyên nhân của việc chậm trễ tiến độ thi công Dự án.
Mặc dù chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh do Quốc hội quyết định là đúng đắn, song một số mục tiêu nêu trong Nghị quyết 38 chưa thực sự khả thi: Mục tiêu thông tuyến hai làn xe vào năm 2010 với chiều dài toàn tuyến là 3.167 km đi qua 30 tỉnh, thành phố suốt chiều dài đất nước với các địa hình phức tạp, chưa có điều tra khảo sát đầy đủ và chưa xác định rõ nguồn vốn là không thể thực hiện được.
Năng lực của các nhà thầu không đồng đều, việc lập hồ sơ dự thầu chưa thực sự chu đáo, không tính đến các yếu tố có khả năng phát sinh, bỏ giá thầu thấp, dẫn đến gặp khó khăn về vốn khi thi công. Sự phối hợp giữa tư vấn thiết kế, chủ đầu tư, tư vấn giám sát, Ban Quản lý dự án trong việc thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình còn hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ chất lượng và làm tăng chi phí đầu tư.
Ủy ban KH,CN&MT cũng đã đồng tình với các đề xuất điều chỉnh một số nội dung Dự án như trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Chính phủ bổ sung một số giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện Dự án, thực hiện có hiệu quả các yêu cầu nêu trong Nghị quyết 38 và những nội dung đã được điều chỉnh. Đối với các Dự án thành phần được đầu tư bằng nguồn vốn TPCP, đề nghị thực hiện nghiêm các yêu cầu về đầu tư công bảo đảm không vượt mức vốn được phân bổ.
Đối với các cơ chế, chính sách đặc thù cần đảm bảo cơ sở pháp lý và mục tiêu cụ thể trong việc thực hiện hình thức đầu tư PPP đang được khuyến khích nhưng chưa có cơ chế cụ thể để áp dụng; giải quyết vấn đề GPMB nhằm giữ quỹ đất theo quy hoạch; xây dựng mô hình tổ chức quản lý phù hợp với quy mô và tính chất của Dự án.
Ngoài ra, để hoàn thành Dự án với chất lượng cao nhất, xứng đáng với con đường mang tên Bác, đề nghị Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng ngành giao thông vận tải hoặc Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Đường Hồ Chí Minh để tập trung chỉ đạo thường xuyên và thống nhất các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nội dung của Dự án theo Nghị quyết 38/2004/QH11./.
Theo ĐCSVN