Mở rộng “cửa” xuất khẩu

24/09/2013 22:32

Một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như: Mỹ, EU, Nhật Bản… đều sụt giảm kim ngạch do khó khăn của nền kinh tế thế giới, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm sút nhưng điều đó không có nghĩa, cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam đang dần khép lại.




-
Tiềm năng xuất sang ASEAN


Ngay trong khu vực ASEAN, Myanmar và Indonesia là hai thị trường hứa hẹn tiềm năng xuất khẩu với doanh nghiệp Việt Nam. Myanmar được đánh giá là thị trường lớn trong khu vực với 60 triệu dân. Ông Lê Đức Duy- Giám đốc Marketing Công ty cổ phần Vinamit sau chuyến khảo sát thị trường mới đây tại Myanmar cho biết, sản xuất nội địa của đất nước này hiện chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. “Cơ hội và sự cạnh tranh ở Myanmar rất tốt cho doanh nghiệp Việt Nam, không đến nỗi quá khốc liệt như những thị trường khác. Người Myanmar rất thiện cảm với người Việt, do đó doanh nghiệp Việt có rất nhiều cơ hội”- ông Lê Đức Duy chia sẻ.


Trong khi đó, với thị trường Indonesia, nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh do sự chuyển dịch dân số về thành thị. Nhiều mặt hàng Việt Nam phù hợp với yêu cầu của người dân nơi đây. Ông Robert Chua- chuyên gia tư vấn thị trường bày tỏ: “Tôi rất ngạc nhiên vì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN thấp, trong khi vị trí địa lý gần như vậy. Một số doanh nghiệp Việt Nam nghĩ thị trường này còn nhỏ nên tiềm năng xuất khẩu chưa được khai phá hết”.


Đón cơ hội từ thị trường mới


Cơ hội xuất khẩu sang các thị trường mới đang mở ra với doanh nghiệp Việt Nam, nhưng để đón được cơ hội này, doanh nghiệp vẫn cần lưu ý đến các vấn đề về văn hoá, phương thức kinh doanh hay cách thức tiếp cận để có hệ thống phân phối tại mỗi thị trường. Mỗi quốc gia lại có nhu cầu riêng với sản phẩm và muốn thành công, doanh nghiệp Việt Nam phải tìm hiểu để nắm bắt cơ hội. Ví dụ, với thị trường Indonesia, theo ông Trương Cung Nghĩa - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Trương Đoàn thì sản phẩm có tính độc đáo, có bản sắc riêng sẽ dễ vào thị trường này và không nên mang các sản phẩm cùng loại để cạnh tranh về giá.


Ông Robert Chua tư vấn, để đưa sản phẩm vào Australia, các doanh nghiệp Việt Nam nên lập hệ thống phân phối riêng rẽ ở khu vực phía Đông và phía Tây của đất nước. Với các sản phẩm xuất khẩu có yêu cầu cao về marketing nên có hệ thống phân phối chuyên biệt, độc quyền. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm nên đi theo hệ thống phân phối rau- củ- quả bởi thị trường này đang có 2 hệ thống thống lĩnh thị trường về thực phẩm, nếu vào trực tiếp, doanh nghiệp phải trả phí rất cao.


Bên cạnh đó, một yêu cầu bắt buộc đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là đảm bảo chất lượng công bố, hạn sử dụng rõ ràng. Ngoài ra, mỗi thị trường có những đòi hỏi riêng về chất lượng sản phẩm thì doanh nghiệp phải tuân theo.


Theo ông Đỗ Thắng Hải- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm tại các thị trường mới thì doanh nghiệp phải vượt qua được các thách thức như: nhu cầu sản phẩm sản xuất theo quy trình bền vững, những yêu cầu về thâm nhập thị trường…


Theo.anninhthudo-P.H