Không thiết kế nổi lễ phục vì không hiểu biết lịch sử?

01/11/2013 21:31

Câu chuyện lễ phục, quốc hoa… từ lâu đã làm đau đầu các nhà văn hóa. Chuyện tưởng rất to nhưng khi được truyền tới người dân lại thường gặp những cái phẩy tay, lắc đầu, cười nửa miệng, bởi mọi người đã quá ngao ngán với ngành văn hóa, sự sáng tạo của “giới tinh hoa” nước nhà.

Phát động cuộc thi rầm rộ và nhận được 254 mẫu thiết kế của 47 tác giả trong phòng chung khảo. Nhưng những gì thể hiện qua các phác thảo đều hiện rõ trên nét mặt ngao ngán của hội đồng chấm sơ khảo. Theo ông Lê Anh Vân, Phó chủ tịch HĐNT cuộc thi, cho biết đa phần các mẫu thiết kế không đáp ứng được tiêu chí của cuộc thi bởi các thí sinh chỉ thể hiện trang phục nặng tính trình diễn hoặc vay mượn rất rõ yếu tố văn hóa khác. Trong khi cái cần là thể hiện chiều sâu văn hóa lịch sử đúc kết trong những đường nét trang phục nhằm đúng với câu “y phục xứng kỳ đức” khiến bộ mặt Việt Nam có dấu ấn riêng trên trường quốc tế thì không có một phác thảo nào đáp ứng được.

Tuy nhiên, ông Vân cũng cho rằng hầu hết các gương mặt dự thi đều là tác giả không chuyên hoặc sinh viên đại học, nên Cục nghệ thuật sẽ chọn các nhà thiết kế có tên tuổi để đặt hàng vào tháng 11 này.

Sự việc trên cho thấy, chuyện thiết kế, sáng tạo ở Việt Nam hiện nay chỉ mang tính phong trào. Rất hiếm trường dạy thiết kế hướng sinh viên nghiên cứu và tìm hiểu sâu về lịch sử, cũng như phân tích được vẻ đẹp trong những trang phục xưa, bởi khi ấy, mặc thế nào cũng là thể hiện thứ bậc trong xã hội lẫn thái độ bề ngoài của người mặc, đều có lý sự và nguyên nhân của nó.

Còn thời nay, các nhà thiết kế chỉ dựa vào đường nét, chứ không có tính triết lý trong trang phục. Bởi đỉnh cao của làng thời trang Việt Nam cũng chỉ tìm về các chất liệu truyền thống như thổ cẩm, lụa thêu tay, lãnh Mỹ A… rồi cắt ngắn, nối dài vạt áo tạo nên “kỷ lục áo dài” tốn vải… nhưng lại rất khó tạo dấu ấn khác biệt về truyền thống và sự đặc biệt với chính người dân trong nước.

“Kỷ lục áo dài” tốn vải.
“Kỷ lục áo dài” tốn vải.

Việc thiếu kiến thức lịch sử thiết nghĩ cũng không chỉ thể hiện trong việc thiết kế lễ phục mà còn thấy rõ sự lúng túng trong quá trình làm phim lịch sử. Ba bộ phim lịch sử chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long là Huyền sử Thiên đô, Lý Công Uẩn và Thái sư Trần Thủ Độ được làm tốn tiền chục tỷ thì hai bộ phim bị Tầu hóa từ trang phục cho đến cách làm. Nói vậy để thấy, chính các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, những người tư vấn góp ý cho khâu phục trang cũng chẳng rõ “các cụ tổ tiên” trước kia phục sức thế nào thì nói gì đến lũ trẻ thời nay, khi trong đầu chúng in đậm váy áo giáp trụ qua các bộ phim sử Tầu chiếu nhan nhản trên TV và internet.

Vì thế, các dự án văn hóa, phục dựng trang phục thì nhiều, tiền đổ vào cũng không ít nhưng cho đến giờ, sau ngần ấy năm mở cửa, đổi mới, thời trang Việt Nam vẫn chỉ quanh quẩn với tà áo dài “rồng thêu phượng múa” là đỉnh cao “muôn trượng”. Ngành dệt may vẫn chủ yếu gia công, còn ngành thiết kế vẫn chẳng thăng hoa là mấy, các buổi trình diễn mang dấu ấn Việt Nam một cách chính thống trên trường quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Người Việt đang kêu gào vì con cháu ngày càng chán Sử, dễ mất gốc, điều này không chỉ là mối nguy trong giáo dục mà qua cuộc thi thiết kế lễ phục lần này cũng đã thể hiện rõ. Sự trông đợi đang đổ dồn vào các nhà thiết kế tên tuổi khiến ai lãnh trách nhiệm này cũng sẽ rất áp lực. Nhưng trang phục luôn là sự thể hiện bộ mặt xã hội rõ ràng nhất, khi mà cuộc sống đang luẩn quẩn chạy quanh, mỗi cá nhân cũng đang đi tìm bản ngã của mình để chạy theo xu hướng Tầu một tý, Hàn một tẹo và đam mê hàng hiệu nơi trời Tây tột cùng thì chuyện đúc kết ra những bộ lễ phục vừa mắt, có tính triết lý đại diện cho bộ mặt của cả đất nước vẫn còn khó lắm thay.

Theo SMOnline