Chủ động phòng trừ bệnh khô vằn trên lúa

12/08/2013 17:50

(Baonghean) - Được xếp vào bệnh nghiêm trọng thứ 2 sau bệnh đạo ôn trong các bệnh nấm hại lúa hiện nay, bệnh khô vằn có thể làm lúa bị héo khô, giảm mạnh năng suất. Bệnh còn làm hạt lúa bị lép lửng, gạo xay bị nát, chất lượng gạo thấp. Toàn tỉnh hiện đã có gần 9.000 ha lúa nhiễm bệnh khô vằn, trong đó 7.913,3 ha lúa hè thu và 899,6 ha lúa mùa.

Ngay từ giai đoạn lúa bắt đầu làm đòng, bệnh khô vằn đã rải rác xuất hiện trên diện tích lúa hè thu của huyện Yên Thành. Bà Đỗ Thị Hoa (xóm 8, xã Tăng Thành) cho biết: “Hiện tại, 3 sào lúa của gia đình tôi đang tập trung trổ, thấy ở bẹ lá lúa xuất hiện các vết đốm tối hình bầu dục, tui đã biết ruộng nhà mình bị bệnh khô vằn. Tuy nhiên, do được khuyến cáo bệnh nhẹ chưa cần phải phun nên tui chưa phun thuốc mà chỉ mới tăng cường bón thêm kali cho lúa”.

Vụ hè thu - mùa này huyện Yên Thành gieo cấy gần 13 nghìn ha lúa. Lúa hè thu đã trổ tập trung từ 26/7- 4/8, lúa mùa đang giai đoạn kết thúc đẻ nhánh. Bệnh khô vằn xuất hiện từ khi lúa hè thu bắt đầu làm đòng, từ khoảng một tuần nay bệnh phát triển mạnh hơn. Toàn huyện hiện đã có trên một nghìn ha lúa nhiễm bệnh, tập trung nhiều ở các xã Tăng Thành, Hồng Thành, Hoa Thành..., đặc biệt trên những chân ruộng cấy dày, bón nhiều đạm. Hiện tại, huyện đang chỉ đạo Trạm BVTV và các xã tập trung theo dõi, điều tra, khoanh vùng cụ thể từng đợt phát sinh, từng trà lúa để có biện pháp xử lý phù hợp. Khuyến cáo người dân chỉ phun thuốc phòng trừ ở những diện tích đã nhiễm sâu đến ngưỡng phải phun, không phun sớm, tràn lan, vừa gây lãng phí, vừa ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái. Đặc biệt, Yên Thành tập trung vào công tác quản lý thuốc BVTV, chỉ đưa vào địa bàn những loại thuốc đặc hiệu cho từng loại bệnh để tăng hiệu quả phòng trừ.



Nông dân Nghi Lộc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh lúa hè thu. Ảnh: P.V

Tại Diễn Châu, bệnh khô vằn đã xuất hiện trên đồng ruộng từ khi lúa mới bắt đầu đẻ nhánh, làm đòng, tuy nhiên theo ông Lê Thế Hiếu (Trưởng Trạm BVTV huyện), từ 2 tuần nay tỷ lệ bệnh mới tăng lên khá nhiều. Vụ hè thu năm nay, Diễn Châu gieo cấy hơn 9.000 ha lúa, trong đó khoảng 1/3 diện tích trồng các giống Khang dân 18, VT-NA2 đang làm đòng, 1.000 ha BC15 hiện đang trổ, còn các giống GS9, nhị ưu 838, 986 bắt đầu trổ đại trà, đều đang ở thời kỳ dễ nhiễm khô vằn. Diện tích nhiễm bệnh khô vằn hiện đã tăng lên trên 835 ha, trong đó có 50 ha nhiễm nặng tập trung ở các xã Diễn Cát, Diễn Nguyên, Diễn Thái, Diễn Đồng... Qua kiểm tra, Trạm BVTV đã khuyến cáo người dân phun trừ trên 75 ha đã đến ngưỡng phải phun. Hiện tại, diện tích nhiễm bệnh đang tiếp tục tăng lên nhưng không nhiều.

Theo tổng hợp của Chi cục BVTV tỉnh, đến đầu tháng 8/2013, diện tích nhiễm bệnh toàn tỉnh đã tăng lên đến gần 9.000 ha. Bệnh phát sinh gây hại ở tất cả các địa phương trong tỉnh nhưng tập trung nhiều ở các huyện Yên Thành, Thanh Chương, Diễn Châu, Nam Đàn... Đến nay, toàn tỉnh đã tiến hành phòng trừ được gần 6.000 ha nhưng hiện tại bệnh vẫn đang tiếp tục gia tăng. Tỷ lệ bệnh phổ biến là 3 - 5 %, nơi cao 30 - 40% và đặc biệt là diện tích bị bệnh cũng như mức độ bệnh gia tăng khá nhanh chóng.

Bệnh khô vằn phát triển mạnh, tốc độ lây lan nhanh trong điều kiện nhiệt độ khoảng 24 -320C, độ ẩm bão hoà hoặc lượng mưa cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu có các cơn mưa rào, lượng nước trên đồng ruộng không thiếu là điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển, đặc biệt ở các ruộng nhiều nước, cấy quá dày. Trong khi đó, hiện lúa hè thu đang ở giai đoạn lúa làm đòng trổ đến chín sáp là thời kỳ nhiễm bệnh nặng. Bởi vậy, các địa phương và người dân cần tập trung theo dõi để thực hiện các biện pháp phòng trừ một cách hiệu quả.

Theo ông Trịnh Thạch Lam (Trưởng phòng BVTV - Chi cục BVTV tỉnh), thì sự phát sinh, phát triển của bệnh khô vằn có liên quan nhiều tới chế độ nước trên đồng ruộng và chế độ phân bón. Nếu bà con bón phân đạm nhiều, bón nhiều lần hoặc bón đạm muộn để thúc đòng, bệnh sẽ phát sinh, phát triển mạnh hơn do việc thừa phân đạm làm cho lúa phát triển rậm rạp, ẩm độ, không khí bên trong tán lúa tăng cao, thích hợp cho nấm bệnh phát sinh và lây lan.

Do đó, đặc biệt trên những chân ruộng đã bón nhiều đạm, cần bón thêm kali vừa cân đối được lượng phân bón, vừa giúp lúa cứng cây, giảm mức độ nhiễm bệnh của cây lúa. Cũng không nên để mức nước quá cao trong trường hợp bệnh đang lây lan mạnh. Bên cạnh đó, những ruộng lúa có nhiều các loại cỏ dại như lục bình, rau mác, lồng vực, mần trầu.. cũng có nguy cơ nhiễm bệnh nặng vì ngoài là ký chủ phụ của bệnh đốm vằn, cỏ dại nhiều còn góp phần làm tăng ẩm độ không khí trong ruộng lúa, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh gây hại nặng hơn.

Hiện nay, thời tiết thường xuất hiện mưa rào, không khí ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho bệnh tiếp tục sinh sôi và bùng phát gây hại. Cần kịp thời thực hiện các biện pháp phòng trừ trở nên cấp bách vì nếu để bệnh phát triển mạnh, gây hại trên lá, đòng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.

Theo dự báo của ngành BVTV, trong thời gian tới, bệnh sẽ tiếp tục gia tăng cả về mức độ và phạm vi gây hại, đặc biệt gây hại nặng hơn trên những chân ruộng cấy dày, bón nhiều đạm. Các địa phương cần chú ý, trên những diện tích lúa nhiễm bệnh với tỷ lệ từ 10% trở lên, cần hướng dẫn nông dân phòng trừ bằng một trong các loại thuốc như: Valydacin 3-5L, Cavil 50SC, Vida 5WP, Jinggangmeisu 5-10 WP,... Những ruộng bị bệnh nặng phun tiếp lần hai cách lần một 5 - 7 ngày.


Phú Hương