Cẩn trọng với hàng giá rẻ

08/09/2013 15:45

(Baonghean) - Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sau gần 4 năm triển khai thực hiện đã trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhìn từ thị trường nông thôn, khu vực chiếm đến hơn 70% dân số lại đang đối mặt với sự tràn lan của hàng giả, hàng nhái kém chất lượng; lượng hàng hóa do Việt Nam sản xuất còn ít, đặc biệt là những mặt hàng chất lượng cao...

Chợ nông thôn ngày nay đã dần thay đổi theo cơ chế thị trường, ngoài những sản phẩm từ đồng ruộng, hàng hóa trở nên phong phú hơn trước. Các mặt hàng được sản xuất bằng máy móc, công nghệ đáp ứng đầy đủ nhu cầu người tiêu dùng. Dạo một vòng quanh chợ Đò (xã Nam Cường - Nam Đàn) chúng tôi nhận thấy hàng hóa được bày bán rất phong phú, đa dạng; từ giày dép, quần áo, gia vị thực phẩm, đến những vật dụng thiết yếu trong gia đình... 2 ngày chợ họp 1 phiên, vào những ngày chẵn (ÂL). Hàng hóa đa phần được thương lái từ các xã, vùng lân cận mang tới chợ. Điều đáng nói là mặc dù phải chở hàng một chặng đường dài từ Thành phố Vinh lên nhưng giá những mặt hàng này vẫn "mềm" hơn nhiều so với các sản phẩm cùng chủng loại được bán các cửa hàng, siêu thị ở thành phố.

Tuy nhiên, đến khi trực tiếp đi mua hàng cùng người dân mới thấy việc chọn được các sản phẩm chính hãng có đầy đủ nhãn mác, đảm bảo chất lượng, không phải chuyện dễ dàng, vì phần lớn số hàng hoá đó không có nguồn gốc xuất xứ, hoặc nếu có chỉ là tên nhái của nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước; như dầu gội Sunsilk bị nhái thành Sunsilek, nước rửa chén Sunlight thành Sunlighter, bột giặt Tide thành Tise... Chị Nguyễn Thị Lan (ở xóm Kiều Thượng- xã Nam Cường) - một tiểu thương buôn bán hàng quần áo, mỹ phẩm tại chợ Đò cho biết: "Tôi luôn nhập hàng cả 2 loại, thứ là hàng "xịn" giá đắt, và hàng giả, hàng nhái giá rẻ. Nhưng hàng chính hãng bán chậm hơn vì khách đến mua hàng thường chỉ quan tâm đến giá, thấy vừa túi tiền thì mua. Ví như hàng quần áo trẻ em hiệu Hanosimex, Halotex, rất ít người hỏi vì họ chê đắt quá. Thậm chí nhiều người chẳng tin tưởng vì họ sợ mất nhiều tiền mà mua phải hàng nhái.

Rời chợ Đò, chúng tôi ngược lên chợ Rồng (xã Nam Trung, Nam Đàn). Ngay phía ngoài cổng chợ là một xe ô tô hàng di động bán áo phông nam đủ màu sắc. Âm thanh phát ra từ chiếc loa của người bán hàng vang lên nội dung "Hàng cao cấp Sài Gòn giá rẻ bất ngờ 25.000 đồng một áo, mời bà con nhanh tay chọn lựa". Chúng tôi thắc mắc, hàng cao cấp sao giá thấp như vậy, anh thanh niên chủ hàng giải thích: “Vì là tồn đọng, các công ty phải giải phóng hàng hè nên mới có giá đó (!?)”. Khi cố gắng tìm nhãn mác trên sản phẩm để biết đó là hàng Việt, nhưng chúng tôi chỉ thấy miếng vải nhỏ may chằn vào vùng vai ghi kích cỡ S, L, M, XL...

Cũng trên một chiếc xe tải loại nhỏ, các mặt hàng chăn, ga gối có dán mác "na ná" Hàn Quốc được bày bán đổ đống, với đủ chủng loại, kích cỡ. Một bộ chăn, ga hiệu Eveton (nhái thương hiệu Everon) có giá từ 300.000 - 500.000 đồng; bộ chăn ga nhãn hiệu Hacovic giá 400.000 đồng... Khi được hỏi về nguồn gốc của sản phẩm, anh chủ xe hàng không giấu giếm: "Hàng về quê chỉ giá này mới bán được, hàng xịn mà giá cao thì cũng ế, vì người dân không mấy quan tâm đến nhãn mác hàng hoá. Hàng này có xuất xứ từ một làng nghề ở Hà Nội. Thật ra không cần nói thì ai cũng biết "tiền nào của nấy"; ruột của những sản phẩm này không phải bằng bông mà được làm từ chất liệu vải vụn, xốp dẻo nên mới có giá thấp như vậy".



"Hàng cao cấp Sài Gòn" giá rẻ bán ở chợ Rồng- xã Nam Trung (Nam Đàn).

Trong một chuyến công tác tại xã Diễn Tân (Diễn Châu), chúng tôi có ghé vào một đại lý kinh doanh tổng hợp ở trung tâm xã, tại đây, những lon nước ngọt với tên gọi na ná Pepsi, CocaCola không ghi địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng, được bán với giá 2.000 - 2.500 đồng/lon... Biết chúng tôi là khách vãng lai, bà chủ cửa hàng cởi mở cho biết: "Chúng tôi bán hàng ở thôn quê thế này lãi lời chẳng là bao nên thường phải nhập những mặt hàng người tiêu dùng ưa chuộng và bán chạy thôi. Còn chuyện hàng thật - giả, nhiều khi không phải là điều quan trọng. Vì mức thu nhập thấp nên người dân cũng chỉ chọn mua những thứ hàng hợp với túi tiền của mình chứ ít có điều kiện quan tâm đến chất lượng".

Vừa nói, bà chủ cửa hàng vừa lấy cho chúng tôi xem 2 hộp bánh bông lan cuốn, thoạt nhìn bao bì khá giống nhau, 1 hộp có tên Solite của hãng Kinh Đô, còn hộp kia có tên Silate không thành phần nguyên liệu, không ngày sản xuất, hạn sử dụng. Hộp Solite được bán với giá 38.000 đồng, còn hộp Silate có giá chỉ 20.000 đồng. Vẫn biết bánh Silate ăn vào khô khốc và chẳng có mùi vị gì, nhưng được cái mẫu mã cũng bắt mắt, không khác hàng "xịn", giá lại rẻ phân nửa nên nhiều người chọn mua. Và nếu có hỏi thì cũng chẳng mấy khách hàng biết mà phân biệt được hàng nào giả, hàng nào thật.

Mặc dù thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có khuyến cáo quần áo, đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc, hoặc hàng giả, hàng nhái có thể gây hại cho sức khoẻ, nhưng vẫn chưa thực sự gây được sự chú ý với người dân nông thôn. Hơn thế, công tác bảo vệ người tiêu dùng ở nông thôn dường như buông lỏng, những mặt hàng nhập lậu không nhãn mác, hàng nhái được bán chạy hơn hàng thật, vẫn đang là một thực trạng. Và với người dân nông thôn, mua gì, dùng gì, phần lớn phụ thuộc vào sự gợi ý của người bán hàng. Họ chỉ quan tâm đến sản phẩm đó có phù hợp với túi tiền của mình hay không. Bởi vậy, rẻ là tiêu chí hàng đầu, sau mới quan tâm tới chất lượng.

Chính điều này đã dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái mặc sức tung hoành ở thị trường nông thôn. Mặt khác, do quy mô kinh doanh ở đây nhỏ lẻ, trong khi lực lượng chức năng lại thiếu nhân lực. Điều này dẫn đến việc thanh, kiểm tra của các ngành chức năng mới chỉ tập trung ở các cửa hàng, đại lý lớn, còn ở các chợ quê, việc này gần như bỏ trống. Mặt khác, việc áp dụng các chế tài xử phạt còn nhẹ, mới dừng ở mức độ tiêu hủy hàng, xử phạt hành chính mang tính răn đe nên chưa có tác dụng thiết thực trong việc hạn chế tình trạng vận chuyển tiêu thụ hàng lậu, hàng giả...



Sản phẩm bỉm không có nhãn mác, bán tại chợ Vực xã Hưng Xá
(Hưng Nguyên).

Thực hiện Đề án "Phiên chợ hàng Việt tại vùng nông thôn, miền núi, biên giới Nghệ An năm 2013" thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của Bộ Công thương, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nghệ An đã tổ chức được 6 phiên hàng Việt tham gia phiên chợ về các huyện Tương Dương, Quế Phong, Diễn Châu, Thanh Chương..., với 12 doanh nghiệp tham gia, đạt doanh số bán hàng gần 12 tỷ đồng. Tại các huyện, Công ty Thủy sản Vạn Phần ký thỏa thuận được với 7 cửa hàng làm đại lý chính thức để phân phối tất cả các sản phẩm của Công ty, như nước mắm nguyên chất, nước mắm hạ thổ, cá khô các loại tại địa phương; Công ty CP Thanh Hà cũng ký thỏa thuận được với 6 HTX, 4 cửa hàng làm đại lý, và trực tiếp gặp gỡ người dân để tư vấn về kỹ thuật, cách thức sử dụng sản phẩm...

Ngoài ra, về phía tỉnh và Sở Công thương, từ đầu năm 2013 đến nay cũng đã tổ chức được 8 chương trình hàng Việt về nông thôn tại các huyện Quế Phong, Quỳ Hợp, Con Cuông, Anh Sơn... Hàng hóa tham gia phục vụ chương trình chủ yếu là các nhóm hàng gia dụng, điện gia dụng; bánh kẹo, sữa, bia, rượu, nước giải khát; mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm, quần áo; thực phẩm công nghệ… do các doanh nghiệp trong nước sản xuất với mẫu mã đa dạng, chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp. Doanh thu đạt 7,6 tỷ đồng. Hầu hết các chuyến hàng Việt về nông thôn đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của chính quyền địa phương và thu hút đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm; tạo được sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức của người dân về hàng Việt Nam.

Điều đáng nói là thông qua các phiên chợ hàng Việt, người dân có cơ hội đối chứng giữa hàng thật - giả, hiểu hơn về chất lượng hàng hoá sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp cũng có điều kiện nghiên cứu nhu cầu, tập quán, khả năng tiêu dùng của người dân, từ đó có phương án điều chỉnh sản xuất những mặt hàng và tổ chức kênh phân phối phù hợp với thị trường nông thôn. Và từ nhu cầu của thị trường, nhiều doanh nghiệp thương mại cũng đã nhận thấy cơ hội kinh doanh rất triển vọng tại thị trường này. Tuy nhiên, có doanh nghiệp triển khai tiếp cận thị trường nông thôn còn mang tính đơn lẻ, tự phát, có tính chất thăm dò là chính, được ví như "buôn chuyến" theo từng đợt, mà chưa có kế hoạch bán hàng, liên kết và xây dựng mạng lưới phân phối bán hàng cố định và dài hạn...

Để đẩy mạnh cuộc vận động đến với người dân thì công tác tuyên truyền, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Cùng với đó, các doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm của mình đối với sản phẩm cung cấp cho thị trường bằng cách sản xuất đa dạng, phong phú các sản phẩm, cải tiến mẫu mã, chất lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân với giá cả hợp lý; cung cấp thông tin để khách hàng phân biệt được hàng chính hãng với hàng nhái, hàng giả; chú trọng đến các dịch vụ như chăm sóc khách hàng, bảo hành, xây dựng chính sách bán hàng linh hoạt…

Để nỗ lực của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao, cần những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của các địa phương về địa điểm, mặt bằng để phát triển hệ thống phân phối, và phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái; hỗ trợ doanh nghiệp "nội" tiếp cận thị trường nông thôn một cách bền vững. Để hạn chế nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan ở chợ nông thôn như hiện nay cần tiến hành các biện pháp như: tăng cường hoạt động của Quản lý thị trường, xử phạt nghiêm minh hoạt động kinh doanh hàng nhái, hàng giả trên địa bàn. Đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”, cần có cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp vào cuộc một cách mạnh mẽ, xây dựng chiến lược đưa hàng Việt về nông thôn, tránh cách làm “thăm dò buôn chuyến” như hiện nay.


Ngọc Anh