Thợ mộc làng Thượng

08/09/2013 15:41

(Baonghean) - Làng Thượng ở vùng bãi Ngang, huyện Quỳnh Lưu. Làng nằm kẹp giữa con sông Mai Giang với biển Đông ngày đêm ầm ì sóng vỗ. Làng Thượng đất chật người đông, nên cha ông đã làm rất nhiều nghề để sinh sống: Cày ruộng, phơi muối, nuôi tằm, kén tơ, dệt vải, thợ xây, thợ mộc, thợ cưa, đẩy ruốc, đánh cá…

Hàng năm, sau hai vụ gieo trồng chiêm mùa, người đàn ông tay bai, tay đục, tay cưa, đi các làng làm mướn, làm thuê xây lại đoạn bờ tường, sửa lại cánh cửa, cái bàn, cái ghế… Có gia đình làm nghề mộc từ đời này đến đời khác cha truyền con nối. Và có những ngôi đình, ngôi đền, ngôi chùa, nhà thờ, được người thợ làng Thượng xây dựng hàng trăm năm nay, đến bây giờ được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.

Đền Thượng ở làng Phú Nghĩa được xây dựng trên đất Eo Nẫy, rừng Chân Giá vào năm 1113, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40, kiến trúc theo kiểu tam tòa, nhà hậu cung, nhà chính tâm và nhà ca vũ. Đền Thượng có nhiều câu đối, đại tự nhưng qua hai cuộc chiến tranh bị thất lạc và mất mát.

Đền Thượng do cụ Phó Tu sửa chữa đã gần 100 năm nay. Người làng Thượng ca ngợi tay nghề của ông Phó Tu trước đây đã trùng tu được Đền Thượng, đình làng Thọ Vực và nhà thờ họ Hồ ở làng Quỳnh đã được Nhà nước công nhận Bằng di tích lịch sử văn hóa. Con ông Phó Tu là ông Bích Khuê, rể ông là ông Đức Tuân, các cháu ông: anh Hà, anh Quảng, anh Cảnh… sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về nối nghiệp cha ông mua máy móc… lập xưởng mộc.

Thực hiện nghị quyết của Đảng bộ xã “làm giàu từ một làng nghề”, Đoàn Thanh niên mở lớp học nghề mộc cho lớp trẻ. Sau hai năm đã đào tạo được hàng chục thợ, hình thành một làng nghề với trên 300 cơ sở cưa, xẻ gỗ, đóng hàng mộc dân dụng, đóng và sửa chữa tàu thuyền đánh cá… Mỗi cơ sở sử dụng 5 đến 10 thợ. Có nhà hai, ba anh em góp vốn lập xưởng mộc như anh em ông Hồ Hữu, ông Hồ Chung. Có người đi bộ đội phục viên về vay vốn xây dựng xưởng như anh Sơn, anh Quảng, anh Dung… để nâng cao chất lượng sản phẩm, mặt hàng. Anh Sơn là người có tay nghề mộc khá của làng đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trương Đình Tuyển cùng các đồng chí trong Huyện ủy Quỳnh Lưu trong lần về dự Đại hội Đảng bộ xã Quỳnh Nghĩa đã đến thăm và động viên anh Sơn làm hàng mộc mỹ nghệ xuất khẩu. Người đến học nghề được anh nuôi cơm, người làm nghề thành thạo được anh trả công theo bậc thợ, nếu muốn ra lập nghề lập xưởng anh giúp vốn mua sắm đồ nghề. Xưởng mộc Chính Mai, đất quá chật hẹp đã thuê đất của làng Thượng ở Eo Nẫy gần 5.000 m2. Ông đã dựng 2 nhà xưởng lắp đặt máy cưa vòng, cưa đĩa, máy bào, máy phay, máy tiện… với năm, sáu người thợ đang làm việc.

Các cơ sở Sươn Bắc, Nghĩa Nhờ, Minh Lâm, Ngô Thủy, Khương Lơ,… vẫn đóng tàu to, thuyền lớn đánh bắt hải sản, hay sản xuất hàng mộc dân dụng mỹ nghệ như sa lông, các loại tủ, giường… được khách hàng ưa thích.

Nghề mộc làng Thượng có tiếng lâu đời. Thợ mộc không chỉ làm được nhà tứ trụ, nhà oai bẩy, nhà tam oai cổ nhuế mà còn dựng được đình, đền, chùa, miếu mạo và đóng được những con thuyền vượt biển Đông. Thợ mộc làng Thượng còn chạm trổ được cửa vọng, hoành phi, làm các đồ tế khí như hương án, khán thờ, đẽo gọt các tượng thần, bụt… Nghề mộc làng Thượng đã được UBND tỉnh Nghệ An công nhận “Làng nghề mộc dân dụng mỹ nghệ Phú Nghĩa” (QĐsố 1956/UBND, ngày 20/3/2005).

Thợ mộc làng Thượng cũng tổ chức thành phường, thành hội như các địa phương khác. Mỗi phường, mỗi hội có từ 5 người đến 10 thợ. Người thợ giỏi trong phường, trong hội đi nhận công trình về gọi thợ đi làm được gọi là thợ cả hay phó mộc. Đến nay, chưa biết ai đem nghề mộc về làng Thượng, truyền nghề cho người dân từ năm nào. Nhưng thợ mộc làng Thượng đầu năm thường tổ chức cúng vị Thánh nghề mộc Lỗ Ban, còn gọi là Lỗ Công Du.

Chuyển đổi ruộng đất, chuyển đổi cây trồng, phân công lại lao động, làng Thượng đã hình thành làng nghề dân dụng phủ khắp 11 xóm, thôn, sử dụng gần ngàn lao động và vào tháng nông nhàn, tháng giáp Tết thì đông hơn. Nghề này hàng năm thu về cho địa phương từ 22 đến 25 tỷ đồng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2013 doanh thu lên đến trên 27 tỷ đồng… Đời sống bà con ngày càng được cải thiện, các gia đình đều mua sắm đầy đủ tiện nghi phục vụ cuộc sống; đầu tư mua hàng chục chiếc ô tô tải, ô tô chở khách, ô tô 4 chỗ ngồi… 11 xóm thôn đều có nhà văn hóa, sân vận động. Các trường học mầm non, tiểu học, trường trung học cơ sở, trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia. Đến làng Thượng, tiếng máy cưa, máy bào, máy xoi, máy doa trơn… hòa vào nhau như một bản nhạc ấm no, yên vui của một làng nghề.


Tú An