Nợ xấu đắt hàng, có nên bán hết?

23/10/2013 17:51

Có những quỹ đầu tư sẵn sàng ném vào thị trường Việt Nam khoảng 20 tỷ USD để mua nợ xấu. Nợ xấu vốn là nỗi ám ảnh đối với nền kinh tế Việt Nam khi được ví là “cục máu đông”, nhưng lại đang là món hàng hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Có những quỹ đầu tư sẵn sàng ném vào thị trường Việt Nam khoảng 20 tỷ USD để mua nợ xấu.

Xếp hàng mua nợ xấu

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Ban cố vấn của Chính phủ cho biết việc mua nợ xấu đang rất thuận. Hiện nay, các ngân hàng tranh nhau bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Dự báo, trong năm nay VAMC sẽ mua khoảng 45.000 tỷ đồng nợ xấu. Nhưng quan trọng nhất, 45.000 tỷ này sẽ được bán cho ai sau khi mua của các ngân hàng?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tín hiệu rất đáng mừng, hàng chục tập đoàn nước ngoài liên tục vào Việt Nam đề nghị được mua nợ xấu. Riêng ông Nghĩa đã tiếp đến 50 - 60 tập đoàn vào Việt Nam để tìm hiểu mua bán nợ. Có những quỹ đầu tư sẵn sàng ném vào thị trường Việt Nam khoảng 20 tỷ USD để mua nợ xấu. Ngay cả tài sản của Vinashin - 5 con tàu, họ đề xuất bỏ cơ chế đấu thầu và đề nghị được mua tất, chúng ta thích đưa giá nào họ mua giá đó. “Tàu của Vinashin bán đắt như tôm tươi, chứ không rẻ và khó bán đâu. Vì người ta kỳ vọng là kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh vào năm 2014 - 2015. Khi đó, thương mại quốc tế phục hồi thì vận tải đường biển là vấn đề lớn nhất, cước phí lại tăng lên vù vù” - ông Nghĩa lý giải.

Rõ ràng, việc xuất hiện những tổ chức tài chính chuyên nghiệp muốn mua lại nợ xấu của Việt Nam mang lại hy vọng "cục máu đông" sẽ được xử lý nhanh. Tuy vậy, phần lớn các tập đoàn này đều mới vào Việt Nam. Họ quan tâm thị trường nợ xấu Việt Nam, nhưng không phải tính toán đầu tư dài hạn. Dù các hạn chế về thủ tục mua bán của ta được ông Nghĩa đưa ra, thế nhưng họ không quan tâm mà chỉ đề nghị làm thế nào để mua được nợ và bán được nợ cho người khác. Tuy nhiên, ông Nghĩa nói: “Làm thế nào để bán nợ nhưng không được bán tống bán tháo, vì đó là chỉ đạo của Thủ tướng”.

Nên chọn hàng tốt để bán

Từ những phân tích trên cho thấy, cơ hội của năm 2014 là rất lớn cho bất cứ ai tham gia mua bán nợ. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, việc bán nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài là một trong những cơ hội tốt nhất để tái cấu trúc. Chắc chắn để mua nợ, ngoài chuyện bỏ vốn vào, họ còn tham gia quản trị điều hành doanh nghiệp nữa. Như trường hợp của Hàn Quốc, trước đây, các quỹ đầu tư đã nhảy vào xâu xé mua bán 19 tập đoàn của nước này trong vòng 3 năm liền. “Họ mua hết, tái cấu trúc rất nhanh và 3 năm sau bán hết luôn” - ông Nghĩa nói.

Với các doanh nghiệp của Việt Nam, ông Nghĩa khuyên nên chọn những nhà máy tốt để bán và giữ tiền đó chờ đến năm 2014 sẽ hữu dụng. Nó có thể cứu nguy cho các nhà máy khác, thậm chí có thể xây dựng được nhiều nhà máy khác hiện đại hơn. Còn nếu doanh nghiệp chỉ bán những cái èo uột, giữ lại cái tốt thì chẳng được mấy xu, không đủ tiền để khôi phục lại các nhà máy khác và tiếp tục kéo dài chuỗi ngày quằn quại.

“Một chủ tập đoàn Hàn Quốc chia sẻ, ông làm chủ tịch tập đoàn khi tập đoàn này bên bờ vực phá sản. Trong tay ông có 11 nhà máy, ông chọn mãi mới được nhà máy tốt nhất và bán được 110 triệu đô. May nhờ bán được nhà máy tốt nhất này mà ông phục hồi được các nhà máy khác và phát triển thêm nhiều nhà máy như bây giờ” - TS. Nghĩa nêu ví dụ.

Một trong những cái khó của doanh nghiệp cũng như Chính phủ Việt Nam là khi nợ xấu đắt hàng như thế, chúng ta có nên bán tất cả hay không? Lấy ví dụ về 5 con tàu của Vinashin, ông Nghĩa cho rằng: “Chúng ta không thể nào bán hết được. Bởi vì Chiến lược biển do chúng ta đặt ra, Vinashin cũng là một khâu trong chiến lược biển. Nếu chúng ta bán hết thì cái gì sẽ là trụ cột của chiến lược ấy. Cho nên, chúng ta vừa bán để xử lý nợ, vừa điều chỉnh chiến lược, phục hồi trở lại Vinashin. Đó là chính sách cực kỳ khó khăn”.

QĐND - ĐP