Đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

25/09/2013 19:17

(Baonghean) - Trong cách mạng dân chủ, chính sách "tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết" do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đoàn kết toàn dân kháng chiến thắng lợi, giành độc lập, thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp cả nước đi lên xây dựng CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng nhất quán quan điểm: "Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đoàn kết toàn dân tộc”.

Nghề đan lát ở xóm giáo toàn tòng Đà Lam (Đà Sơn - Đô Lương). Ảnh: Thanh Lê
Nghề đan lát ở xóm giáo toàn tòng Đà Lam (Đà Sơn - Đô Lương). Ảnh: Thanh Lê

Mỗi giai đoạn lịch sử, Đảng ta lại có Nghị quyết mới nhằm phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân thi đua đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để làm rõ một số nội dung trong bài viết, xin trích một số điều quy định trong Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 18/6/2004. Điều 1. "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Công dân có tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không có tín ngưỡng, tôn giáo cũng như công dân có tín ngưỡng tôn giáo khác đều phải tôn trọng lẫn nhau".

Điều 2. "Chức sắc, nhà tu hành có trách nhiệm thường xuyên giáo dục cho tín đồ lòng yêu nước, thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân và ý thức chấp hành pháp luật". Điều 5. "Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật; tôn trọng giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo". Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp văn hóa dân tộc và trong phạm vi pháp luật là nhằm bảo đảm cho quyền tự do của người khác và cho chính nhu cầu của đồng bào có tín ngưỡng tôn giáo.

Điều 8: "Không được phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân", đồng thời quy định phạm vi giới hạn của quyền ấy: "Không được lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập thống nhất đất nước, kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước; chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác, cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; hoạt động mê tín dị đoan và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác”.

Điều 9: "Trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, người có tín ngưỡng, tín đồ có trách nhiệm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người khác; thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định pháp luật".

Tôn giáo là một thực thể xã hội vừa có nguồn gốc tự nhiên, nguồn gốc xã hội, nguồn gốc nhận thức, nguồn gốc tâm lý, tình cảm... Chính quyền các cấp, một mặt bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, mặt khác có nhiệm vụ quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật hiện hành. Bởi mỗi giáo dân, mỗi nhà tu hành vừa là người công dân vừa là người tín hữu có tín ngưỡng, tôn giáo.

Trong các điểm chung đó có 2 vấn đề cần được phân biệt rõ: Là công dân nhất thiết phải tuân thủ pháp luật, tuân thủ đường lối, chính sách của Đảng, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật quy định của Nhà nước. Là chức sắc, tín đồ có nhiệm vụ làm tròn bổn phận của người có tín ngưỡng, tôn giáo, và cần tham gia các hoạt động xã hội. Đối với các tổ chức giáo hội cũng bình đẳng như các tổ chức xã hội khác, mọi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo và các lĩnh vực khác phải tuân thủ pháp luật và các quy định của địa phương. Tất cả đều phải bình đẳng, tôn trọng và tuân thủ pháp luật đó là nếp sống văn minh, là ứng xử có văn hóa.

Những hoạt động tôn giáo ích nước, lợi dân phù hợp nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tín đồ được đảm bảo. Quản lý Nhà nước về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo của nước ta là sự kết hợp bằng pháp luật, do các cơ quan, các cấp chính quyền thực hiện kết hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tuyên truyền, vận động, thuyết phục, hòa giải để mọi người, mọi tổ chức nhận thức đúng. Nói cách khác, sự quản lý đó là kết hợp chặt chẽ gữa pháp lý và đạo lý mà cá nhân hoặc tổ chức liên quan tự nhận thức được để hành động đúng, hoặc thông qua cán bộ tuyên truyền vận động, đối thoại để nhận thức đúng, làm đúng, nhận ra việc sai cần sửa chữa. Vì vậy, chỉ khi nào, ở đâu mà sự vận động, thuyết phục, cảm hóa không mang lại kết quả thì lúc đó chính quyền mới sử dụng các biện pháp hành chính, luật pháp.

Trong thực tế, cũng phải thẳng thắn rằng: có nơi, có lúc khi thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước, một số cán bộ do hiểu biết các vấn đề liên quan chưa sâu sát, giao tiếp thiếu nhuần nhị, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chưa đầy đủ trong một số công tác, trong đó có vấn đề liên quan về tín ngưỡng, tôn giáo, tạo nên sự bất cập trong nhận thức và việc làm. Mặt khác, các bên liên quan thiếu bình tĩnh, chưa kiên trì để xem xét một cách khách quan, toàn diện, chưa vì lợi ích chung để đối thoại, giải quyết vấn đề; thỉnh thị ý kiến lên các cấp có thẩm quyền; sự nóng vội dẫn đến những mâu thuẫn không đáng, tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng chia rẽ, dẫn đến lệch hướng. Đó cũng là cơ hội để các phần tử cực đoan, phản động lợi dụng tuyên truyền đả kích nói xấu Đảng, Nhà nước, kích động quần chúng còn thiếu hiểu biết, hồ đồ trong xử sự, dẫn đến hành vi chống phá Đảng, chính quyền, gây rối an ninh - trật tự. Kẻ xấu lợi dụng những việc đó để quay phim, chụp ảnh, viết bài xuyên tạc sự thật, áp đặt, chụp mũ cho chính quyền, Nhà nước vi phạm nhân quyền, vi phạm tự do tôn giáo.

Trong khi đó, một số chức sắc, chức việc và giáo dân mặc dù có những hành vi, việc làm sai trái bị chính quyền xử lý theo quy định pháp luật nhưng không tự nhận thấy trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của người công dân trước pháp luật. Mà sai lầm, cho rằng chính quyền, Nhà nước kỳ thị với người có đạo, thậm chí còn quy kết rằng chính quyền thiếu tôn trọng sự tự do tôn giáo, nhân quyền. Còn ảo tưởng, hoặc cố tình “gieo” hy vọng cho một số giáo dân rằng, sẽ có quốc gia, tổ chức nào đó trên thế giới bênh vực. Họ không tự thấy, lẽ thường việc nước cũng gần như việc nhà, mọi vấn đề đều phải có tôn tri, trật tự, có trên, có dưới, phải đảm bảo nề nếp, kỷ cương; vượt ra ngoài quy chuẩn là vi phạm cả về mặt đạo đức và pháp lý. Truyền thống dân tộc ta chỉ rõ: Nhận ra lẽ phải, thấy rõ trách nhiệm là người có đạo lý và thông minh.

Cần phải thấy và nhận thức đúng đắn rằng, muốn có tự do trước hết phải tôn trọng và tuân thủ pháp luật và tuân theo những đạo lý, đã thành lối quen có yếu tố văn hóa và nề nếp của thôn, xóm, địa phương... Tất cả quốc gia trên thế giới, tự do tôn giáo đều phải gắn liền với tuân thủ nghiêm minh pháp luật. Không thể cho rằng, người có tín ngưỡng, tôn giáo, tổ chức tôn giáo thì muốn làm gì liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo là làm. Mọi việc đều gắn với lợi ích chung của cộng đồng, quốc gia, dân tộc; cần phải được quản lý bằng pháp luật đó là thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân trong quá trình tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Nhân dân ủy quyền cho Nhà nước phải thực hiện việc quản lý xã hội một cách nghiêm minh.

Tự do tôn giáo không có nghĩa là tự do truyền đạo trái pháp luật; không có nghĩa là tự do hiến nhượng đất đai, lấn chiếm xây cất, cơi nới nhà thờ, chùa chiền; không có nghĩa là tự do lập lực lượng tự vệ, tự do quan hệ móc nối, tiếp tay cho kẻ xấu, lực lượng thù địch gây rối an ninh trật tự... chống phá Đảng, chính quyền, phá hoại tình làng, nghĩa xóm, chia rẽ đoàn kết trong cộng đồng dân cư, ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên và sản xuất kinh doanh của nhân dân.

Xét về tổng quát trong quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ là 2 vấn đề có liên hệ chặt chẽ, không thể xem nhẹ lĩnh vực nào, để công dân có tín ngưỡng, tôn giáo, hành đạo theo đúng chính pháp; đối với tăng ni, phật tử thực hiện tốt tinh thần tứ chúng đồng tu của người con Phật trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Là người tín đồ công giáo vừa làm tròn "việc đạo, vừa làm đẹp việc đời", "kính chúa yêu nước". Tất cả nhằm góp phần hướng tới: "đạo, đời đẹp cả đôi đường" trong cuộc sống của mỗi tăng ni, tín đồ, chức sắc. Có như vậy mới thực sự là người công dân chân chính gắn bó với quê hương, đất nước, cùng toàn dân đoàn kết một lòng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh

Để kết thúc bài viết này xin được trích dẫn phần cuối bài giảng của Đức Giám mục Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm- Giám mục Giáo phận Thanh Hóa tại lễ đồng tế trọng thể diễn ra tại Nhà thờ Chính Tòa xứ Tam Tổng, Thanh Hóa nhân ngày giỗ 3 năm của Cố Linh mục Phao- Lô Nguyễn Thái Bá ngày 17-11-1997: "Cha già Phao lô Nguyễn Thái Bá đã thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Đức Kitô về sự sống và đã thể hiện ra sinh động bằng chính cuộc đời mình. Tinh thần cha già Phao Lô là tinh thần xả thân để xây dựng giáo hội và xã hội tốt hơn. Nhờ sinh hoạt trong dân tộc và trong Giáo hội một cách hài hòa, cha già Phao lô giúp chúng ta có thêm tinh thần đoàn kết hăng say hơn nữa trong đời sống xã hội để xây dựng đất nước ta ngày một tốt đẹp, vinh quang hơn.

Đất nước ta đã đổi mới rất nhiều và đang đổi mới từng ngày. Hàng Linh mục chúng ta cần suy nghĩ học tập tinh thần đổi mới của cha già Phao lô để góp phần đem lại hạnh phúc cho dân tộc. Chúng ta phải thay đổi não trạng, từ bỏ những gì cũ nát, trì trệ. Chúng ta phải đổi mới tư tưởng, đổi mới nhận thức, đổi mới cách sinh hoạt, việc làm... và phải truyền dạy để giáo dân cùng chúng ta đổi mới. Có như vậy, chúng ta mới có chỗ đứng trong dân tộc, trong xã hội... Ban hành giáo các xứ, họ đạo đổi mới trong đời sống bản thân, gia đình để xây dựng cuộc sống mới ở quê hương". Thiết nghĩ khi nhà chức sắc là người có vị trí trong cộng đồng giáo dân, làm tròn bổn phận công dân và người “chủ chăn” tâm đức sẽ được xã hội tôn vinh, được cộng đồng quý trọng, đức tin mãi sống trong lòng dân.

Hà Minh Đức