Hạ tầng kỹ thuật KKT và KCN chưa đồng bộ-Rào cản thu hút đầu tư

26/09/2013 16:04

(Baonghean) - Nghệ An đầu tư phát triển khu công nghiệp (KCN) khá sớm (năm 1998 đầu tư KCN Bắc Vinh), nhưng đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có một KCN nào được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Chính vì vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác xúc tiến đầu tư cũng như triển khai các dự án được cấp phép...

Hiện nay, ngoài Khu kinh tế Đông Nam (có diện tích tự nhiên 18.826 ha nằm trên địa phận các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu và Thị xã Cửa Lò), thì Nghệ An được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 8 KCN nằm trong danh mục các KCN của cả nước ưu tiên phát triển đến năm 2015 có tính đến năm 2020, gồm KCN Bắc Vinh, Hoàng Mai, Đông Hồi, Sông Dinh, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Phủ Quỳ, Tri Lễ.

Mặc dù có những thuận lợi nhất định, nhưng việc đầu tư phát triển các KCN vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Điều này thấy rõ tại KCN Bắc Vinh, sau hơn 15 năm đầu tư xây dựng (từ năm 1998) đến nay tại KCN đầu tiên này rộng chỉ hơn 60 ha, nhưng mới hoàn thành được các hạng mục đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, chiếu sáng và hệ thống cây xanh với tổng vốn đầu tư đã thực hiện 56,176 tỷ đồng, trong khi đó khu điều hành, hệ thống trạm bơm, bể chứa và khu xử lý nước thải vẫn chưa được đầu tư. Chính vì thiếu đồng bộ về hạ tầng, một số doanh nghiệp trong KCN Bắc Vinh sau khi đi vào hoạt động bị người dân khiếu nại do ô nhiễm môi trường...

Ông Đặng Ngọc Long – Giám đốc dự án Nhà máy kết cấu bê tông – Vật liệu xây dựng không nung tại KCN Đông Hồi (Hoàng Mai) cho hay: “Đây là một trong những dự án quan trọng của Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, dự án triển khai đã lâu và doanh nghiệp đầu tư 33 tỷ đồng phục vụ công tác đền bù giải phóng mặt bằng, cùng với đó hoàn thành công tác san nền, xây dựng hàng rào, mương thoát nước giai đoạn 1 với giá trị hơn 11 tỷ đồng... Đến nay dự án vẫn vướng mắc về GPMB của 17 hộ dân, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Do hạ tầng kỹ thuật của KCN chưa có và để dự án này đi vào sản xuất kinh doanh vào cuối năm 2015, thì tại KCN cần đẩy nhanh việc xây dựng công trình điện, nước, hoàn thành khu tái định cư... Có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho dự án mới thực hiện đúng tiến độ và phát huy được hiệu quả”. Tìm hiểu được biết, tại KCN Đông Hồi (Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN là Công ty CP xây dựng dầu khí Nghệ An, sau đó tỉnh quyết định thay chủ đầu tư hạ tầng là Công ty TNHH Vietnam investment partners –VIP).

Tại KCN này, đã có 3 dự án đăng ký đầu tư là dự án sản xuất sắt xốp Kobe (Nhật Bản) vốn đầu tư 1 tỷ USD; Dự án sản xuất vật liệu không nung của Tổng Công ty xi măng Việt Nam (819 tỷ đồng) và Dự án sản xuất phân supe phốt phát Borha Ấn Độ (30 triệu USD). Ngoài ra còn có Trung tâm nhiệt điện Quỳnh Lập với công suất 2.400 MW cũng đã được xác định địa điểm xây dựng tại KCN Đông Hồi, chủ đầu tư VINACOMIN đang lập dự án đầu tư.

Hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ tại khu công nghiệp Đông Hồi (Hoàng Mai).
Hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ tại khu công nghiệp Đông Hồi (Hoàng Mai).

Mặc dù việc thu hút các dự án đầu tư vào KCN Đông Hồi rất khả quan, nhưng đến nay chủ đầu tư KCN chưa triển khai xây dựng các hạng mục hạ tầng. Do vậy để phục vụ kịp thời cho các dự án đã đăng ký đầu tư vào KCN Đông Hồi, UBND tỉnh đã giao cho Ban quản lý KKT Đông Nam lập các dự án và triển khai xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn và khu tái định cư các hộ dân ven biển Đông Hồi, đường vào Nhà máy sắt xốp Kobeko... Tại KCN Hoàng Mai, có tổng diện tích thuê đất 289,67 ha (vốn đăng ký đầu tư 812 tỷ đồng, do Công ty VIP làm chủ đầu tư), hiện đã giải phóng được hơn 200/289 ha và chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 215,7 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục san nền, xây hàng rào, đường giao thông, mương thoát nước, nhà điều hành... Tuy nhiên, vẫn chưa hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, nên chưa thu hút được các nhà đầu tư.

Đầu tư không đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cũng đang là vấn đề nan giải tại KKT Đông Nam. Mặc dù Ban quản lý KKT đã lập 14 dự án đầu tư hạ tầng, gồm 10 đường giao thông là N1, N2, N3, N4, N5, D1, D2, D3, D4 và D5; Dự án Nhà máy nước phía Bắc công suất 17.000 m3/ngày; Nhà máy nước phía Nam, công suất 45.000 m3/ngày; Hệ thống xử lý nước thải Khu B - KCN Nam Cấm; Dự án Nhà ở công nhân tại KCN Nam Cấm, nhưng đến nay phần lớn các dự án vẫn đang trong quá trình thi công, tiến độ thực hiện rất chậm.

Ông Vĩnh Đức – Phó trưởng phòng KH – ĐT Ban quản lý KKT Đông Nam cho biết: “Hiện nay, các nhà thầu đang thi công xây dựng 3 tuyến đường trục chính và khu xử lý nước thải tập trung tại Khu B KCN Nam Cấm. Cụ thể, tại dự án đường N2 thuộc địa bàn huyện Diễn Châu, có chiều dài 7,77km, nối Khu A, KCN Thọ Lộc với Quốc lộ 1A và đường phòng thủ ven biển, đến nay khối lượng xây lắp thực hiện ước đạt 167,583 tỷ đồng/tổng vốn đầu tư là 559,218 triệu đồng và dự kiến hoàn thành trong năm 2014.

Dự án đường N5 thuộc địa bàn huyện Nghi Lộc có chiều dài 12,458km, nối KCN Nam Cấm mở rộng với cảng Cửa Lò, hiện khối lượng xây lắp đoạn 1 trên 203,4 tỷ đồng và đoạn 2 hơn 152,4 tỷ đồng. Tại đường dọc D4 có chiều dài 7,066 km, nối Quốc lộ 1 A với Cảng nước sâu Cửa Lò tại xã Nghi Thiết, khối lượng xây lắp thực hiện ước đạt 322,4 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2015. Dự án khu xử lý nước thải tập trung KCN Nam Cấm, đơn vị thi công đang thực hiện khối lượng xây lắp trên 8,2 tỷ đồng. Theo thống kê, tổng giá trị thực hiện cả 4 dự án tính đến nay đạt trên 854,071 tỷ đồng”.

Thực tế cho thấy nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật KKT còn hạn chế, cùng với đó, một số nhà thầu chưa quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, thi công gián đoạn, cầm chừng, như Công ty Xuân Trường đảm nhận thi công đường N2 và N5 đoạn 1, nhưng trong suốt 10 tháng nay tạm dừng thi công, dù các ngành chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, đề nghị, nhà thầu vẫn chưa tiếp tục triển khai dự án. Sự việc này không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện hạ tầng kỹ thuật của KKT Đông Nam, mà còn làm giảm khả năng thu hút đầu tư của tỉnh.

Để tạo “động lực” phát triển KKT và KCN, thời gian qua, tỉnh ta đã phê duyệt kế hoạch phát triển KKT Đông Nam, các KCN giai đoạn 2012 - 2015. Theo đó, kế hoạch huy động vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng hạ tầng KKT, KCN giai đoạn 2012 – 2015 là 3.124,158 tỷ đồng (trong đó: Vốn ngân sách Trung ương: 2.238,984 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương: 885,574 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong gần 2 năm thực hiện, tổng vốn ngân sách Nhà nước cấp cho KKT, KCN chỉ đạt 14% KH (là 451,86 tỷ đồng), trong đó: Vốn ngân sách Trung ương 327,2 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương 124,66 tỷ đồng. Qua đó, có thể thấy nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng KKT và KCN giai đoạn 2012 – 2015 sẽ khó đạt được kế hoạch đề ra.

Theo lãnh đạo BQL KKT Đông Nam cho biết: “Lũy kế của tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng KKT Đông Nam và các KCN từ năm 2007 đến nay đạt 2.047, 21 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn NSNN 1.050,41 tỷ đồng, nhưng 1/3 nguồn vốn đó chi cho bồi thường giải phóng mặt bằng, còn lại đầu tư cho xây lắp và các doanh nghiệp đầu tư 996.8 tỷ đồng chủ yếu để san nền). Với những con số đó có thể thấy rằng, công tác đầu tư hạ tầng gặp rất nhiều khó khăn và đã ảnh hưởng đến công tác xúc tiến đầu tư cũng như triển khai các dự án được cấp phép...”. Được biết, sau 5 năm đi vào hoạt động, hạ tầng thiết yếu trong KKT Đông Nam vẫn chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Quỹ đất sạch ngoài 327 ha của KCN Nam Cấm đã cơ bản bố trí hết, trong KKT không có quỹ đất sạch để bố trí cho các dự án đầu tư. Một vấn đề mà BQL KKT Đông Nam rất lo lắng, là tại những công trình đầu tư hạ tầng thiết yếu trong KKT hiện vẫn thiếu cả nghìn tỷ đồng để triển khai, do thiếu vốn trầm trọng, không những tiến độ thực hiện chậm, mà một số hạng mục phải xin gia hạn...

Trong thời gian tới, việc huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước sẽ gặp khó khăn, vì vậy để “khai thông” được nguồn vốn đầu tư hạ tầng kỹ thuật KKT Đông Nam và các KCN, tỉnh ta cần tăng cường vận động nguồn vốn ODA và nghiên cứu đề xuất đầu tư xây dựng một số dự án theo hình thức đầu tư công - tư (PPP) theo Quyết định số 71/2010/QĐ -TTg, ngày 09/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ đối với một số công trình hạ tầng thiết yếu trong KKT Đông Nam và các KCN. Cùng với đó, cần huy động hiệu quả nguồn vốn từ doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước.

Hoàng Vĩnh