Cửa Lò - mùa biển vắng

06/10/2013 18:05

(Baonghean) - Khác với không khí náo nhiệt của những ngày hè, Cửa Lò cuối tháng 9 yên bình với những con phố nối dài trầm lặng, những hàng quán thưa thớt bóng người… thị xã biển du lịch đang bước vào giai đoạn cuối mùa...

Lòng vòng hết mấy chục phút trên bãi biển, chúng tôi mới gặp vài ba vị khách lững thững dạo bộ. Hỏi ra mới biết họ đến từ các huyện miền núi hôm nay tranh thủ ra biển để hưởng không khí trong lành vì ngày mai đã chia tay thị xã. Chị Nguyễn Thị Thúy - ở Thị trấn Quỳ Hợp cho biết: “Mọi người ai cũng thích đi biển vào mùa hè để được tắm, được thưởng thức hải sản tươi ngon… nhưng chị lại có sở thích lạ, đó là đi biển vào mùa Đông.

Với chị, biển mùa này nước không trong xanh, bầu trời có thể xám xịt nhưng biển lại có vẻ đẹp riêng… Du khách có thể thoải mái đi lại, ngắm nghía chỗ này, chỗ kia mà không phiền đến ai. Đặc biệt, trong không khí lành lạnh, ngồi thưởng thức món mực nướng chấm nước mắm Cửa Hội, thêm vài lát ớt cay xè mới cảm nhận được vị ngọt ngon của mực thấm đẫm trong từng giác quan… Nếu Cửa Lò có thêm những điểm vui chơi, có thêm nhiều dịch vụ giải trí, thư giãn phù hợp chắc chắn khách du lịch cũng sẽ tìm đến không chỉ vào mùa hè”.

Ý nghĩ của chị Thúy cũng đang là trăn trở của rất nhiều hộ dân kinh doanh du lịch trên địa bàn thị xã. Nằm trên tuyến đường Bình Minh - con đường chính vào trung tâm, khách sạn Xuân Lan hiện là một trong những khách sạn tư nhân lớn nhất, nhì trên địa bàn phường Thu Thủy. Khi chúng tôi đến, khách sạn vắng hoe chỉ có ông chủ Phan Thanh Xuân đang ngồi tư lự ở bàn uống trà. Chưa kịp hỏi, bác Xuân đã bộc bạch: “Buồn quá, chẳng có vị khách nào. Chẳng bù cho dịp tháng 5, tháng 6, có thời điểm cháy phòng, khách muốn có phòng đẹp phải đặt trước mấy ngày, nhất là dịp cuối tuần, lúc nào cũng nhộn nhịp. Thế nhưng sau 2/9, Cửa Lò vắng hẳn, thương nhất là mấy ông xe điện, đại mùa toàn thị xã có hơn 500 xe mà phục vụ không kịp, giờ chỉ còn vài chục xe, suốt ngày nằm dài, có ngày không kiếm nổi 1 khách”.

Những nhà hàng bên bãi biển vắng khách.
Những nhà hàng bên bãi biển vắng khách.

Khách sạn Xuân Lan của ông Xuân có tất cả 34 phòng, vào mùa du lịch, mỗi ngày phục vụ hàng trăm lượt khách. Để đáp ứng nhu cầu khách du lịch, ngoài phục vụ nghỉ, bác Xuân còn kiêm luôn dịch vụ ăn uống, “có như thế thì các chủ khách sạn mới sống nổi, mới đủ kinh phí để bù đắp cho những tháng ngồi chơi như hôm nay” - ông Xuân cho biết. Sinh ra và lớn lên ở Cửa Lò và nay cả gia đình ông cũng lập nghiệp trên mảnh đất này, đến anh con trai tốt nghiệp Đại học kinh tế, ông cũng gọi về để phụ giúp gia đình.

Năm ngoái, ông đã bỏ ra hơn tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp lại khách sạn cho sạch, đẹp hơn. Làm nghề này đã hơn chục năm, ông trăn trở lắm: ‘Mong muốn thị xã làm sao thu hút đầu tư vào các loại hình dịch vụ, ai đời cả thị xã du lịch biển mà chỉ có một khu vui chơi dành cho trẻ em nhưng cũng không lấy gì làm hấp dẫn. Còn người lớn, đến Cửa Lò ngoài tắm biến, ăn uống, tham gia vài trận bóng đá ngoài bãi biển, tối về dạo một vòng quanh thị xã là hết, nhiều khách du lịch ở xa đến họ nói rằng: Đưa tiền đi chơi mà không có gì để tiêu, nghe mà buồn lạ”.

Chia tay ông Xuân, chúng tôi tìm về làng chài Nghi Thủy – đây cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch đến tham quan, mua sắm đồ hải sản từ mực khô, cá khô, ruốc hôi, đến nước mắm… Để đáp ứng nhu cầu du khách, vài năm trở lại đây, các ốt quán của làng chài đã được quy hoạch lại sạch đẹp hơn. Ghé vào một cửa hàng có tên là Phú Nga – cửa hàng duy nhất mở cửa trong gần 10 cửa hàng nằm ngay ngắn cạnh con đường lớn vào UBND phường, chị Bùi Thị Nga cùng mẹ và một người làm đang thoăn thoắt lựa cá mờm khô – một loại đặc sản của biển Cửa Lò vào hai túi ni lông để đóng cho khách hàng tận Kỳ Sơn.

Thấy chúng tôi vào, chị Nga nhanh tay rót nước mời khách rồi nói luôn: “Từ tháng 9 trở đi đúng là tháng ăn chơi, vào mùa du lịch làm chi có thời gian mà tiếp khách ra ri. Từ 3 – 4 giờ sáng đã trở dậy nướng cá, đóng gói các loại sản phẩm vừa bán cho khách du lịch, vừa nhập hàng cho các đại lý gần xa. Riêng gia đình chị Nga đã phải thuê đến 10 công nhân thời vụ (lương tháng 3 triệu đồng/người), doanh thu mỗi tháng xấp xỉ tỷ bạc. Còn nay mỗi tháng chỉ đạt 30 – 50 triệu đồng, chủ yếu phải chở đi nhập ở các chợ xa.

Sau mùa du lịch, đa số người dân Cửa Lò quay về duy trì nghề làm nước mắm, ruốc.
Sau mùa du lịch, đa số người dân Cửa Lò quay về duy trì nghề làm nước mắm, ruốc.

Sang tháng 9 cho đến 30/4 năm sau, hầu như những người tham gia dịch vụ du lịch lại trở về với công việc trước đây, người tìm đến với nghề đánh bắt hải sản, người tiếp tục ra chợ bán hàng, bỏ mối… để rồi mỗi dịp 30/4, 1/5 hàng năm họ lại sửa soạn: chỉnh trang quét dọn lại nhà hàng nếu như kinh doanh dọc bãi biển, kiểm tra lại xe cộ nếu như kinh doanh nghề xe điện, nâng cấp thêm một số hạng mục nếu như kinh doanh nghề khách sạn, và bắt đầu gọi điện xâu nối với các chủ tàu lớn để đặt mua đồ hải sản nếu như kinh doanh nghề chế biến … tất cả như một vòng tròn, như một nét riêng đã trở thành nếp trong cách làm du lịch của người dân Cửa Lò.

Trong những câu chuyện, trong những suy nghĩ của người dân làm du lịch nơi đây vần còn nhiều mong ngóng: mong làm sao Cửa Lò lúc nào cũng đông khách, mong làm sao đảo Lan Châu sớm đầu tư trở thành điểm du lịch, mong sao phía gần bãi tắm Nghi Thủy có một khu vui chơi dành cho trẻ em, mong ánh đèn đường lung linh mỗi tối không chỉ tập trung ở khu vực xung quanh Quảng trường Bình Minh mà phải lan rộng xuống tận cầu cảng Lan Châu để khách du lịch đi dạo mát và mở rộng các dịch vụ phục vụ khách.

Trong định hướng phát triển dài hơi, Cửa Lò cũng đang hướng tới du lịch 4 mùa: Đó là mùa Hè sẽ tập trung chủ yếu vào tắm biển, nghỉ dưỡng. Mùa Xuân đầu tư vào khai thác du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn như: Lễ hội đền Vạn Lộc, di tích đền Mai Bảng, đền Thu Lũng, bãi chùa Đảo Ngư… (một thế mạnh đang bị bỏ ngỏ); mùa Thu và mùa Đông có thể đầu tư vào văn hóa ẩm thực – thế mạnh của biển Cửa Lò. Đặc biệt, cơ sở vật chất của Cửa Lò là địa điểm hợp lý thu hút các hội nghị, hội thảo vào dịp cuối năm, đầu năm… Để “du lịch 4 mùa” thành hiện thực, Cửa Lò cần đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các điểm nhấn du lịch, tăng cường mở rộng liên kết trong vùng, trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Thanh Thủy