Giúp trẻ Ơđu "vui đến trường"
(Baonghean) - Ngày 21/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2123/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015". Ở tỉnh ta, dân tộc Ơ đu là 1 trong 9 dân tộc rất ít người thuộc đối tượng thực hiện của quyết định này. Theo số liệu điều tra dân số, toàn tỉnh hiện nay có khoảng 360 người Ơ đu sinh sống ở xã Nga My, huyện Tương Dương.
Để thực hiện Quyết định 2123/QĐ-TTg, ngày 13/9/2011, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3705/QĐ-UBND.VX phê duyệt Kế hoạch phát triển giáo dục vùng dân tộc rất ít người giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Phùng Đạt - Phó trưởng Ban Giáo dục miền núi và dân tộc, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: Trong hơn 2 năm qua, với Kế hoạch phát triển giáo dục vùng dân tộc rất ít người, Sở GD&ĐT Nghệ An đã tập trung triển khai thực hiện 4 nội dung cơ bản. Thứ nhất là tổ chức tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền và cộng đồng nhận thức rõ việc phát triển giáo dục đối với đồng bào Ơđu chính là để bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc này, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh người Ơđu học tập, vươn lên. Cùng với đó là dành kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các điểm trường tiểu học có học sinh Ơđu.
Bước vào năm học 2013-2014, 3 phòng học và 6 phòng công vụ cho giáo viên ở điểm trường tiểu học tại bản Văng Môn, xã Nga My được đưa vào sử dụng với kinh phí gần 2 tỷ đồng. Thứ ba là bố trí cho giáo viên, cán bộ quản lý các trường học có học sinh người Ơđu tham gia các cuộc tập huấn do Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tổ chức để nâng cao năng lực cho đội ngũ này. Thứ tư, thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách hỗ trợ học sinh người Ơđu thuộc hộ nghèo. Chỉ tính trong 2 năm (2011, 2012), UBND tỉnh đã dành 602,919 triệu đồng để chi trả theo chế độ ưu đãi mà Thủ tướng Chính phủ đã quy định cho học sinh, sinh viên dân tộc Ơđu.
Tính tại thời điểm kết thúc năm học 2012-3013, ở tỉnh ta, dân tộc Ơđu có 24/24 (100%) cháu ở độ tuổi học mẫu giáo, 43/43 (100%) em ở độ tuổi học tiểu học, 30/30 (100%) em ở độ tuổi học THCS và 24/29 (82,76%) em ở độ tuổi học THPT đã được đến trường; 4 em đang học trung cấp, 2 em học đại học hệ cử tuyển, 2 em học dự bị đại học và 1 em thi đậu đại học. Về chất lượng: ở tiểu học có 3/43 (6,98%) em đạt loại giỏi, 13/43 (30,23%) em đạt loại khá, 27/43 (62,79) em đạt loại trung bình; ở THCS, 3/30 (10,0%) em đạt loại khá, 25/30 (83,33%) em đạt loại trung bình, 2/30 (6,67%) em còn yếu; ở THPT 21/24 (87,50%) em đạt loại trung bình, 3/24 (12,5%) em còn yếu.
Học sinh dân tộc Ơđu học tại Trường PTDTNT tỉnh. |
Theo ông Nguyễn Văn Trung - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh: Trong công tác tuyển sinh, được sự đồng ý của Sở GD&ĐT Nghệ An, nhà trường đã có chế độ tuyển thẳng đối với học sinh người Ơđu. Hiện tại có 12 em là người Ơđu đang học tại trường. Vì tuyển thẳng nên chất lượng học tập của một số em không đảm bảo. Đối với những em này, nhà trường đã phân công giáo viên có kinh nghiệm giúp đỡ thêm để các em nhanh chóng hòa nhập chung với trình độ của lớp!.
Vài năm trở lại nay, nhờ có chính sách ưu đãi của Nhà nước, ở Nghệ An, các em người Ơđu trong độ tuổi học mẫu giáo và phổ thông (100% số trẻ em trong độ tuổi học mẫu giáo, tiểu học, THCS và 82,76% số em ở độ tuổi học THPT) được đến trường; số học sinh tiếp tục học lên trung cấp, cao đẳng, đại học cũng tăng đáng kể (hiện có 9 em). Nhưng nhìn chung, chất lượng học tập của học sinh người Ơđu vẫn còn thấp. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp ưu tiên đã thực hiện, các cấp quản lý giáo dục cần chỉ đạo để các trường có học sinh người Ơđu tập trung giúp đỡ các em trong học tập. Nếu không, việc ưu tiên về cơ sở vật chất và hỗ trợ kinh phí như hiện nay sẽ không phát huy được tác dụng.
Minh Đức