Làm giàu từ đồng đất quê hương
(Baonghean) - Bám đồng ruộng, mạnh dạn đưa các giống mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cùng với ý chí vươn lên thoát nghèo, những người nông dân ở nhiều vùng quê khác nhau đã gặt hái được nhiều thành công, làm giàu trên chính đồng đất quê hương, tạo việc làm cho người dân địa phương…
Ở xóm Kim Liên – Thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc) ai cũng biết đến ông Đặng Quang Hòa – chủ trang trại tổng hợp chăn nuôi lợn, gia cầm, thả cá. Cách đây năm 5, kinh tế gia đình ông chỉ biết trông vào 8 sào lúa, mà phải nuôi 5 người con ăn học. Để có thêm thu nhập, ông đã mạnh dạn đấu thầu mảnh đất 3,5 ha của thị trấn, vay ngân hàng 300 triệu đồng để làm trang trại. Năm đầu mới bắt tay vào sản xuất, chăn nuôi ông gặp không ít khó khăn. Phần vì thiên tai lũ lụt, ngập bờ làm hao hụt cá, dịch cúm gia cầm… phần vì thiếu kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi đã khiến ông một phen lao đao. “Năm đó mất mùa, thiệt hại gia đình phải gánh chịu ước chừng xấp xỉ vốn đầu tư ban đầu, thế nhưng tôi luôn động viên bản thân “thua keo này ta bày keo khác” – ông Hòa chia sẻ.
Ông Hòa tích cực tham gia các lớp tập huấn sản xuất, chăn nuôi của địa phương, lặn lội đến các huyện Nam Đàn, Diễn Châu tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình. 3 năm trở lại đây, gia đình ông còn mở xưởng sản xuất gạch táp lô, mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng, đem lại nguồn thu hàng năm trên 300 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động (với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/ tháng) và việc làm thời vụ cho 15 lao động trong xã. Là một giáo dân và là xóm phó xóm Kim Liên, ông luôn thực hiện phương châm “sống tốt đời đẹp đạo”. Ông nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ vốn cho một số hộ trong xóm, giúp họ thoát nghèo.
Người dân xã Nghĩa Hiếu thu hoạch cam. |
Không dựa vào sản xuất nông nghiệp, anh Cao Đức Dũng (xã Xuân Thành – Yên Thành) lại chọn nghề truyền thống để phát triển kinh tế. Với “vốn dắt lưng” là nghề làm hương gia truyền của gia đình, anh Dũng đã đầu tư mở rộng sản xuất với mong muốn thoát nghèo. Học xong lớp 12, anh bắt đầu tự đi nhập nguyên liệu ở các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu… Từ những chuyến đi đó, anh cũng đã học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm làm nghề từ các bạn hàng, từ các làng nghề và tìm kiếm thị trường. “Khó khăn nhất là đầu ra của sản phẩm. Thời gian đầu tôi tự đi bỏ mối khắp nơi trong huyện (những địa chỉ nhờ bạn bè, người quen giới thiệu). Sau một thời gian, khi chất lượng hương của gia đình được biết đến, các nơi mới tìm về đặt hàng” – anh Dũng cho biết.
Đến nay, mỗi năm thu nhập của gia đình anh đạt khoảng 200 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động trong xã. Là một trong những nhân công chính trong xưởng sản xuất của gia đình anh Dũng gần 2 năm nay, chị Nguyễn Thị Hương (Xuân Thành – Yên Thành) phấn khởi cho biết: “Công việc làm hương này vừa không quá vất vả mà chị em chúng tôi có thêm thu nhập (với mức thu nhập 2,4 triệu đồng/người/ tháng)”. Từ chỗ chỉ làm một loại hương cuốn để bán trong dịp Tết, giờ đây gia đình anh đã làm hương các loại. Sản phẩm của gia đình anh được bán ở nhiều xã trên toàn huyện, và xuất sang các huyện lân cận. Mới ngoài 30 tuổi, anh Dũng đã có được cơ ngơi khang trang nhờ nghề làm hương. Trao đổi về chính sách hỗ trợ của địa phương với những hộ nông dân làm kinh tế giỏi, ông Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thành cho biết: “Xã luôn khuyến khích các hộ nông dân phát triển kinh tế gia đình, bằng cách mở các lớp tập huấn và làm cầu nối giúp các gia đình vay vốn để phát triển kinh tế”.
Còn ở xã Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn), rất nhiều hộ nông dân giàu lên nhờ trồng cam. Cách đây gần 10 năm, mặc dù khó khăn nhưng anh Nguyễn Xuân Hiến vẫn cố gắng vay mượn mua được gần 1ha đất để sản xuất. Cây cam cần vốn đầu tư lớn, mà từ năm thứ 3 mới cho thu hoạch nên anh đã trồng xen các loại cây màu như lạc, rau màu để “lấy ngắn nuôi dài”. “Qua mỗi vụ cam, tôi lại tự đúc rút dần những kinh nghiệm như: bón phân phù hợp theo chu kỳ sinh trưởng của cây, phòng bệnh cho cây đúng thời điểm… Bởi thế, vườn cam của gia đình, mùa sau cho thu hoạch nhiều hơn mùa trước, trung bình khoảng 40 tấn/ năm, thu nhập của gia đình tôi cũng ổn định ở mức 500 – 600 triệu đồng/năm từ cây cam” – anh Hiển cho biết.
Gia đình anh Cáp Xuân Hợi (xã Nghĩa Hiếu), cũng đầu tư trồng 5 sào cam với số vốn ban đầu (bao gồm mua đất, cây giống, phân bón) khoảng 60 triệu đồng. Năm nay là năm đầu tiên thu hoạch nhưng theo ước tính của anh Hợi, vườn cam gia đình anh sẽ có khoảng 7-8 tấn quả (tương đương với mức thu nhập khoảng 200 triệu đồng). “So với trước đây khi chưa đầu tư trồng cam, thu nhập của gia đình tôi giờ đây đã tăng lên khoảng 10 lần” – anh Hợi chia sẻ.
Cả xã Nghĩa Hiếu có 50 hộ trong tổng số 780 hộ triển khai mô hình trồng cam và đều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo ông Ngô Sỹ Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiếu thì từ năm 2005 đến nay, cam được giá nên những hộ nông dân trồng cam trong xã đời sống kinh tế ngày càng khấm khá (bình quân thu nhập 200 triệu đồng/hộ/ năm). Để góp phần hỗ trợ nông dân trong phát triển kinh tế, đặc biệt là những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như ở xã Nghĩa Hiếu, Hội Nông dân huyện đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón trả chậm, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất. “Hai năm trở lại đây Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn trích hơn 1 tỷ đồng, trong đó phân đều cho các hộ chăn nuôi, trồng trọt… Riêng đối với mô hình trồng cam ở Nghĩa Hiếu, quỹ cho các hộ nông dân vay 300 triệu đồng với chính sách vay ưu đãi” – ông Võ Quang Hòa – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Đàn cho biết.
Những gương nông dân làm kinh tế giỏi trên đây đã minh chứng một điều rằng, không phải đi đâu xa mà trên chính mảnh đất quê hương, họ vẫn có thể thay đổi cuộc sống bằng ý chí, óc sáng tạo và sự cần cù vốn có. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà những người nông dân đang tích cực góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương mình.
Bài, ảnh: Minh Nguyệt