Tín dụng “đen” và vai trò của Quỹ tín dụng nhân dân?

03/10/2013 22:57

(Baonghean) - Cách đây ít ngày, Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với bà Trương Thị Hải Yến (Chủ tịch HĐQT - Phó Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Phương Nam (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng bị bắt với bà Yến còn có cả con trai và em gái bà này cũng về hành vi lừa đảo để vay và trốn tránh khoản nợ mà theo nhiều người dân tố cáo lên đến 228 tỷ đồng cùng 16 cuốn sổ đỏ khác.

Trong khi bà hiệu phó ở Hà Nội bị công an bắt vì quỵt nợ thì ở TP. Vinh, cựu đại úy công an Trần Thị Ngọc Hà phải lĩnh mức án chung thân cũng với hành vi phạm tội tương tự. Trong thời gian đang công tác tại Công an tỉnh Nghệ An, lợi dụng lòng tin và với thủ đoạn trả lãi suất cao, nữ đại úy này đã vay nợ của nhiều người quen biết ở TP. Vinh với số tiền trên 22 tỷ đồng và không có khả năng thanh toán.

Mấy tháng gần đây, hàng loạt đường dây phường (hụi, họ) ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như Bình Dương, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc, Hà Nội bị vỡ, khiến bao nhiêu gia đình khuynh gia bại sản; có người phải tìm đến cái chết, hoặc đột quỵ do nợ nần; nhiều “chủ nợ” đồng thời là con nợ lâm vào vòng lao lý. Còn ở Nghệ An, cứ tưởng sau những đận vỡ nợ do đề đóm, hụi, họ giai đoạn giữa những năm 90 của thế kỷ trước, và “trận bão” vỡ nợ năm 2011 mới rồi khiến dân Nghệ khiếp đảm; ai dè gần đây nạn này lại tái diễn ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trong khi một số gia đình ở Diễn Châu, ở Nam Đàn đang điêu đứng vì mấy ông (bà) chủ phường (hụi, họ) lặn đâu mất thì nhiều bà con ở Thanh Chương, TP. Vinh gửi đơn đến cơ quan công an “tố” cặp vợ chồng Đặng Thành Vinh và Nguyễn Thị Kiều Linh trú ở khối 14 phường Trung Đô (TP. Vinh) “ôm” hàng chục tỷ đồng tiền nợ rồi bỏ trốn.

Thực tế qua các vụ vỡ phường (hụi, họ) cho thấy, đó là kiểu hoạt động “tín dụng đen” núp bóng phường (hụi, họ) nhằm đáp ứng nhu cầu “kinh doanh tiền tệ” của một bộ phận người dân. Nếu nói rằng do ham lãi suất cao mà nhiều người, đủ mọi thành phần xã hội (kể cả một số dân khá lọc lõi trên thương trường) trở thành nạn nhân của “tín dụng đen” là hoàn toàn đúng thì, vì sao “tín dụng đen” với lãi suất cao ngất ngưỡng một cách vô lý mà các nạn nhân cứ mù quáng móc hầu bao gửi hoặc gán cả tài sản để vay, là điều khiến những ai quan tâm phải suy nghĩ?

Trước hết, phải thẳng thắn nhận xét rằng các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở và các đoàn thể quần chúng ở những nơi để xảy ra “tín dụng đen” còn có nhiều thiếu sót trong công tác quản lý các kiểu tín dụng mang tính tự phát trên địa bàn. Tiếp theo, lâu nay ở một số nơi, Quỹ tín dụng nhân dân xem ra chưa lấn át được “tín dụng đen” như kỳ vọng của những người quan tâm. Như ta biết rằng, Quỹ này là một kiểu tín dụng hợp tác xã được lập ra và hoạt động vừa tròn 20 năm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ này có nhiệm vụ hỗ trợ sự vận hành lành mạnh, an toàn của đơn vị thành viên và cả hệ thống, tạo sự gắn kết bền vững nhằm đẩy lùi nạn “tín dụng đen” ở nông thôn. Hiểu nôm na, đây là một kiểu ngân hàng nằm trong khu dân cư có điều kiện hoạt động một cách linh động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cả người vay và người gửi với lãi suất cho phép.

Không thể phủ nhận hiệu quả to lớn của Quỹ tín dụng nhân dân ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, thực tế hàng loạt vụ vỡ nợ vừa qua cho thấy, Quỹ tín dụng nhân dân ở những nơi có “tín dụng đen” hoạt động cứng nhắc, cùng với công tác truyền truyền chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Và, theo quy luật cung cầu, nơi nào Quỹ tín dụng hoạt động kém hiệu quả thì nơi đó “tín dụng đen” nổi lên là điều khó tránh.

Xem ra, ở một số nơi, Quỹ tín dụng nhân dân cần phải công tâm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận vốn, thực sự phát huy vai trò là “bà đỡ” cho người dân trên địa bàn. Để đồng hành cùng nhân dân thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, góp phần hạn chế cho vay nặng lãi ở địa bàn nông thôn. Như vậy mới đáp ứng được kỳ vọng của Nhà nước và nhân dân về mô hình tín dụng này.

Việt Long