Cần khuyến khích phát triển sản phẩm lưu niệm

09/10/2013 16:15

(Baonghean) - Sản phẩm lưu niệm là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm du lịch, khuyến khích chi tiêu và quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả. Song, tại Nghệ An, thị trường quà tặng du lịch đang thiếu vắng sản phẩm lưu niệm hấp dẫn; các doanh nghiệp chưa khai thác hiệu quả, gây lãng phí một nguồn thu không nhỏ của ngành du lịch...

Nghệ An đã và đang được khách du lịch trong và ngoài nước biết đến với những thắng cảnh đẹp, du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, với nhiều bãi tắm đẹp hấp dẫn khách du lịch như bãi biển Cửa Lò, Cửa Hội; Nghi Thiết, Bãi Lữ (Nghi Lộc), Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu), Quỳnh Phương (TX.Hoàng Mai), Diễn Thành (Diễn Châu). Cách Thành phố Vinh 120 km về phía Tây Nam là Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn rừng nguyên sinh Pù Hoạt nằm trên sườn Đông của dải Trường Sơn, dọc theo biên giới Việt - Lào. Hay Hang Bua nằm trong dãy núi đá vôi thuộc địa phận huyện Quỳ Châu... Ngoài ra, Nghệ An còn có trên 1.000 di tích lịch sử văn hoá, trong đó gần 200 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng. Đặc biệt là Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sản phẩm lưu niệm được bày bán tại Khu di tích Kim Liên.
Sản phẩm lưu niệm được bày bán tại Khu di tích Kim Liên.

Nghệ An không chỉ giàu sản phẩm văn hoá vật thể mà còn rất phong phú văn hoá phi vật thể, có sức cuốn hút khách du lịch - đó là những nét văn hoá dân gian phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc như: Các lễ hội văn hoá truyền thống, các điệu hát dân ca, ví dặm, hát phường vải, hò, vè... Tuy nhiên, khi đến thăm các khu du lịch, ngoài tham quan, nghỉ dưỡng, du khách muốn tìm mua một món quà lưu niệm thực sự có ý nghĩa không phải là điều dễ dàng.

Dạo qua một loạt các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, có thể dễ dàng nhận thấy sự đơn điệu, thiếu vắng các sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn văn hóa đặc trưng tại các vùng miền nói riêng và xứ Nghệ nói chung. Đến thăm Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn, ngoài bánh cu đơ, trên kệ các gian hàng lưu niệm chủ yếu là tranh, tượng Bác Hồ. Ở khu du lịch biển Cửa Lò, năm này qua năm khác vẫn là những mặt hàng đơn điệu làm từ vỏ ốc, các sản phẩm lưu niệm Trung Quốc có mặt hầu hết ở các cửa hàng. Nếu như trước đây, hàng Trung Quốc chỉ đơn giản là những móc khóa, tượng trưng bày bằng gỗ, sứ... hiện nay, Trung Quốc sản xuất cả các mặt hàng sơn mài, thủ công mỹ nghệ nhái theo sản phẩm Việt.

Ở Thị xã Cửa Lò, hàng lưu niệm chưa thu hút được khách du lịch.
Ở Thị xã Cửa Lò, hàng lưu niệm chưa thu hút được khách du lịch.

Tại các đền, chùa dịp lễ hội, các gian hàng lưu niệm thi nhau bày bán đủ loại từ trang sức, quần áo, khăn lụa… nhưng chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc. Nhìn ra một số tỉnh bạn có thị trường quà lưu niệm hấp dẫn, du khách bị thu hút bởi các gian hàng lưu niệm với nhiều sản phẩm độc đáo, như tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), đá non nước, tranh cát (Đà Nẵng), đến với Lễ hội Bà Chúa Kho, du khách ấn tượng với gian hàng lưu niệm bày bán đủ loại từ trang sức, quần áo, khăn lụa đến đồ gốm sứ, tranh sơn mài… Thực tế, sức hút từ các sản phẩm lưu niệm với du khách rất lớn. Nhưng thị trường sản phẩm lưu niệm của Nghệ An chưa phát triển tương xứng với tiềm năng du lịch vốn có. Và để tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn đặc trưng, có thương hiệu riêng không chỉ kích thích tiêu dùng, tăng trưởng thương mại, mà còn quảng bá và khắc sâu hình ảnh du lịch Nghệ An trong lòng du khách, đang là bài toán khó.

Theo ông Lê Quang Hưng - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Tầm nhìn Việt (Viet Vision Travel): Hiện Nghệ An chưa có địa phương nào xây dựng được sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng. Một số sản phẩm quà tặng như mặt hàng hải sản, nông sản, du khách có thể tìm mua tại các chợ hoặc đặt trước ở các đại lý. Những sản phẩm lưu niệm thiếu vắng một phần do các nghệ nhân làng nghề, chủ các cơ sở sản xuất chưa nghiên cứu, đầu tư chuyển đổi sản xuất kinh doanh, phát triển các sản phẩm của nghề truyền thống với những sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch, nhằm thu hút du khách khi đến với Nghệ An. Một phần tại chính các điểm du lịch chưa chú trọng xây dựng các quầy bán đồ lưu niệm. Khi món quà lưu niệm ai đó trao tặng đến tay bạn bè, người thân là hình thức gián tiếp giới thiệu về hình ảnh và văn hóa của con người, vùng đất mà họ đã đến.

Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về di tích, danh thắng và văn hóa con người xứ Nghệ thông qua các sản phẩm quà tặng, lưu niệm được làm từ các làng nghề truyền thống tới du khách khi đến Nghệ An. Sở VH - TT&DL phối hợp với Sở Công thương, Liên minh HTX tỉnh, Sở TT&TT, Hội VHNT tỉnh đã tổ chức cuộc thi "Sáng tạo sản phẩm lưu niệm đặc trưng nghệ An". Cuộc thi được phát động từ tháng 12/2012 đến hết tháng 9/2013. Tuy nhiên, đến thời điểm hết hạn nhận sản phẩm, Ban tổ chức mới chỉ nhận được sản phẩm dự thi của 1 doanh nghiệp và 1 cá nhân. Đó là Công ty TNHH Đức Phong (với 24 sản phẩm mây tre đan) và ông Phạm Công Lý, trú tại Thị trấn Hưng Nguyên gửi 6 sản phẩm gồm tranh ảnh, điêu khắc.

Vấn đề đặt ra đối với ngành Du lịch hiện nay là làm sao để tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn đặc trưng, có thương hiệu riêng để không chỉ kích thích tiêu dùng, tăng trưởng thương mại mà còn quảng bá và khắc sâu hình ảnh du lịch địa phương trong lòng du khách.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, tính đến nay toàn tỉnh đã công nhận 277 làng có nghề cấp huyện, 119 làng nghề cấp tỉnh. Có thể kể đến rất nhiều làng nghề truyền thống như làng nghề mây tre đan (Nghi Thái), làng nghề giấy dó ở Nghi Phong (Nghi Lộc), làng mộc mỹ nghệ Quỳnh Hưng, Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu), làng rèn Ba Ba (Thanh Lương-Thanh Chương), nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc… Các làng nghề truyền thống đã tạo ra nhiều loại sản phẩm thủ công độc đáo nhưng vẫn không có chỗ đứng tại các điểm du lịch. Mặt khác, các nghệ nhân làng nghề chưa nghiên cứu, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh những sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch... Để những sản phẩm này trở thành sản phẩm lưu niệm cần có sự nghiên cứu, đầu tư hợp lý, trước hết, cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức trong bảo tồn, phát huy giá trị của nghề, duy trì và truyền dạy nghề.

Bên cạnh đó, cần quy hoạch, hỗ trợ về vốn, mặt bằng sản xuất và có sự hướng dẫn, tư vấn về mẫu mã, kiểu dáng, thương hiệu sản phẩm để phù hợp với thị hiếu khách du lịch; khuyến khích sản xuất các sản phẩm sử dụng nguyên liệu thiên nhiên thân thiện với môi trường, hoặc sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Giữa các cơ sở sản xuất và đơn vị lữ hành du lịch cần tăng cường liên kết trong khâu giới thiệu và bán sản phẩm lưu niệm. Để đảm bảo đầu ra lâu dài cho sản phẩm cũng cần chiến lược quảng bá rộng rãi đến tận khách du lịch, xây dựng các cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ đăng ký sở hữu nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp đối với các sản phẩm đặc trưng có thương hiệu…

Một sản phẩm quà tặng lưu niệm tuy nhỏ nhưng có giá trị quảng bá du lịch rất lớn. Phát triển sản phẩm quà lưu niệm là góp phần quảng bá văn hóa, giải quyết việc làm tại các làng nghề, bảo tồn nghề thủ công truyền thống và nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Như vậy, cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch đặc trưng của xứ Nghệ.

Ngọc Anh