Nỗ lực của doanh nghiệp

18/11/2013 18:14

(Baonghean) -Mặc dù một số khu công nghiệp ở Nghi Lộc chưa được đầu tư hạ tầng, hoặc có đầu tư chưa hoàn chỉnh nhưng vẫn có khá nhiều doanh nghiệp vào cùng tháo gỡ khó khăn, tự bỏ vốn để xây dựng hạ tầng “khỏa lấp” các khu công nghiệp nhỏ trên địa bàn.

Khu Công nghiệp Đô Lăng xã Nghi Lâm là khu công nghiệp nhỏ chỉ mới được UBND huyện Nghi Lộc quy hoạch (chưa có quy hoạch chi tiết và đầu tư về cơ sở hạ tầng) nhưng đã có 3 doanh nghiệp tự bỏ vốn vào để san lấp mặt bằng, xây dựng nhà máy. Nhà máy gạch Tuynel Hoàng Nguyên là một điển hình. Tại đây, các dây chuyền đang hoạt động với nhiều thiết bị như bốc xếp gạch bằng xe nâng, gạch ra lò được đẩy ra bằng đường goòng… Công nhân Nguyễn Thị Thái quê ở Nghi Lâm, tâm sự: Trước đây ở nhà làm 3 sào ruộng nhưng không đủ ăn do đất cằn cỗi, thiếu nước nên thường mất mùa. Vào nhà máy làm ngày 8 tiếng, được trả 3,5 triệu đồng/tháng, mức lương như vậy đối với nông dân là khá tốt.

Ông Nguyễn Văn Liên - Giám đốc điều hành nhà máy cho biết: Nhà máy gạch được xây dựng năm 2010 với tổng mức đầu tư trên 25 tỷ đồng, công suất hoạt động trên 40 triệu viên/năm. Hiện nay công suất đã đạt trên 30 triệu viên/năm, nhà máy đã xây dựng được hệ thống dây chuyền trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, với các thiết bị như máy tạo hình, máy sấy… tạo việc làm cho trên 150 lao động với mức lương trên 3 triệu đồng/người/tháng. Thị trường tiêu thụ rộng khắp từ Nghi Lộc, TP Vinh, Yên Thành đến Diễn Châu… Ông Liên cho biết thêm, doanh nghiệp sản xuất gạch ngói cần quy hoạch xa khu dân cư, có vùng nguyên liệu để khai thác, cách xa các nhà máy gạch khác để dễ tiêu thụ và cần nguồn lao động nông thôn, thuận lợi về giao thông… Tất cả các tiêu chí trên Khu CN Đô Lăng đã đáp ứng được. Đó cũng chính là lý do doanh nghiệp mạnh dạn bỏ kinh phí để san lấp mặt bằng, đầu tư đường điện, nước sinh hoạt xây dựng nhà máy.

Sản xuất gạch ngói tại Nhà máy gạch Hoàng Nguyên - Nghi Lâm
Sản xuất gạch ngói tại Nhà máy gạch Hoàng Nguyên - Nghi Lâm

TIN LIÊN QUAN

Bên cạnh Nhà máy Tuynel Hoàng Nguyên là Cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ Hồng Sơn, hoạt động khá hiệu quả. Từ năm 2011, cơ sở này đã tự bỏ vốn để san lấp mặt bằng với diện tích khuôn viên 6.000m2 cùng với hệ thống nhà xưởng rộng 1.000m2, kho nguyên liệu rộng 1.000m2, tổng đầu tư trên 10 tỷ đồng. Anh Nguyễn Hồng Sơn - chủ cơ sở này chia sẻ: “Mặc dù chưa được Nhà nước đầu tư hạ tầng nhưng thấy được một số thuận lợi về giao thông, nguồn lao động địa phương …nên chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư. Hiện cơ sở có trên 50 lao động, chủ yếu người địa phương với mức lương ổn định trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Cơ sở chủ yếu sản xuất môi, muỗng bằng gỗ để xuất đi thị trường Hàn Quốc. Công ty tuyển dụng lao động địa phương và bỏ kinh phí đào tạo nghề, cơ bản lao động khá lành nghề, các lô hàng xuất đi đều được đánh giá cao”. Tại Khu Công nghiệp Đô Lăng, chúng tôi còn thấy một số doanh nghiệp đang an ủi để tiếp tục đầu tư, biến vùng đất nghèo trở nên sôi động. Ông Nguyễn Xuân Tí - Chủ tịch UBND xã Nghi Lâm cho hay: Nghi Lâm là xã bán sơn địa nghèo của Nghi Lộc, bà con chủ yếu dựa vào nông nghiệp, toàn xã có trên 600 ha lúa nhưng đất bạc màu, khó khăn về thủy lợi. Sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn nên khi huyện quy hoạch Khu CN Đô Lăng trên địa bàn, chúng tôi xem đây là cơ hội của địa phương. Khu CN Đô Lăng thu hút được các doanh nghiệp vào sản xuất sẽ tạo việc làm cho nhiều lao động nông nghiệp dôi dư, theo phương châm “ly nông chứ không ly hương” góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn.

Tại Khu Công nghiệp Trường - Thạch (thuộc xã Nghi Trường - Nghi Thạch) mới chỉ được huyện hỗ trợ phần san lấp mặt bằng, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, nhưng có 6 doanh nghiệp đã vào hoạt động. Như Công ty CP Cơ khí xây dựng miền Trung từ đầu năm 2009 đã đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng trị giá trên 20 tỷ đồng. Trong khuôn viên rộng trên 10.000 m2, công ty xây dựng trên 7000m2 nhà xưởng cùng với các dây chuyền trang thiết bị hiện đại, máy cán tôn, hàn nắn sắt thép tự động… Công ty chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng về cơ khí thi công các công trình nhà xưởng khu công nghiệp trong nước và mở rộng thị trường Lào. Tại Khu Công nghiệp Trường - Thạch, các doanh nghiệp như Công ty CP đá ốp lát Thành Công, Công ty Khí ga hóa lỏng Thăng Long cũng đã khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất tốt…

Lê Anh Xuân - Phó phòng Công thương huyện Nghi Lộc trao đổi: Huyện Nghi Lộc hiện có 3 khu công nghiệp nhỏ là Đô Lăng, Trường - Thạch, và Đồng Trổ. Hiện tại cả 3 khu CN đã có 9 doanh nghiệp vào đầu tư. Về cơ chế chính sách, huyện chủ yếu tập trung quy hoạch, xây dựng hạ tầng và giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn, tại 2 khu công nghiệp Đô Lăng và Đồng Trổ huyện vẫn chưa đầu tư xây dựng hạ tầng.

Tại Khu Công nghiệp Trường - Thạch, theo dự án đầu tư xây dựng hạ tầng ước tính trên 50 tỷ đồng nhưng chỉ mới đầu tư hơn 10 tỷ đồng hoàn thành phần xây dựng mương thoát nước, đường gom cụm công nghiệp, trong đó phần điện trung áp đã hoàn thành nhưng vốn do các doanh nghiệp tự đóng góp trên 1 tỷ đồng. Trong năm 2013, UBND huyện Nghi Lộc đã trích ngân sách 140 triệu đồng hỗ trợ công tác đào tạo nghề cho trên 100 lao động tại khu công nghiệp. Thời gian tới, UBND huyện Nghi Lộc sẽ thực hiện quy hoạch chi tiết cho Khu Công nghiệp Đô Lăng và xây dựng một số hạng mục công trình giao thông, đường điện, hệ thống cấp thoát nước, tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng...

Đến thời điểm này, 9 dự án ở 3 khu công nghiệp trên đã thu hút được khoảng gần 1000 lao động tham gia, chủ yếu là lao động nông thôn. Nếu “lấp đầy” được 3 khu công nghiệp sẽ tạo việc làm cho khoảng trên 4000 lao động, đây sẽ là bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, từ sản xuất nông nghiệp gắn với ngành nghề có thu nhập ổn định. Nghi Lộc cần tiếp tục có giải pháp về cơ chế, chính sách để đầu tư hạ tầng, khuyến khích, kêu gọi đầu tư các dự án phát triển công nghiệp nhỏ với nhiều ngành nghề để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Bài, ảnh: Văn Trường