“Việc tâm linh, tín ngưỡng giáo cũng như lương”

22/09/2013 17:39

>> "Chủ chăn" hay "chủ mưu" ?

(Baonghean) - Năm 1992, nhà thờ họ giáo Kim Sơn xã Trung Thành, huyện Yên Thành chuẩn bị xây dựng lại.

Một buổi chiều tháng 6, khoảng 1 giờ 30 phút, đồng chí Phan Thực - Chánh Văn phòng UBND huyện nói với tôi: "Báo cáo anh, cụ Nguyễn Văn Khôi, linh mục đăng ký làm việc với anh".

Tôi nói: "Mời cụ vào".

Ngay sau đó, cụ Nguyễn Văn Khôi bước vào, mặt đỏ bừng, mồ hôi lấm tấm, tôi mở to số quạt, xích gần cụ để giảm bớt nóng và mang ly trà đá mời cụ. "Thưa cụ, có việc chi mà cụ phải đi cả nắng, cả nôi như vậy cho vất vả" - Tôi hỏi.

Cụ nhỏ nhẹ: "Không có việc chi lớn cả, tôi được cụ Sáng đặt vấn đề đôn đốc, giám sát việc xây dựng lại nhà thờ Kim Sơn. Sáng nay tôi đến đó bà con đề xuất là, Cha nên gặp huyện xin quay hướng nhà thờ ra trục đường 538, vừa đủ chiều dài nhà thờ, vừa thuận lợi, vừa đẹp. Nhưng vướng một điều là trụ sở HTX mua bán lại nằm phía trước đó, vì thế tôi lên gặp ông, để ông cho ý kiến".

Nói rồi, cụ lấy trong túi xách ra bản vẽ sơ đồ mặt bằng và chỉ cho tôi xem. Xem xong, tôi nói: "Ý kiến của cụ tôi thấy đúng, nếu cửa nhà thờ quay ra đường 538 mỗi khi tan lễ, nam thanh, nữ tú, các cụ, các cháu đi từ nhà thờ ra trong những bộ áo dài rực rỡ, không những đẹp cho họ đạo mà còn đẹp cho xã hội. Nhà thờ lương cũng như giáo, đạo Phật cũng như Thiên Chúa, đều là công trình văn hóa tâm linh, xây dựng càng đẹp càng tốt. Nhưng thú thật với cụ đây là trên bản vẽ, sơ đồ, còn thực thế ra sao thì tôi chưa được “mục thị”. Bây giờ thế này, tôi sẽ cùng cụ xuống đó, nếu hợp lý là quyết luôn".

Cụ Khôi cười rất phấn khởi: “Thế thì tốt quá, nói chi nữa”.

Đến nơi, thấy cửa hàng mua bán xã Trung Thành mở cửa, tôi và cụ Khôi đi thẳng vào. Lãnh đạo cửa hàng vui vẻ đón chúng tôi, tôi nêu ý kiến của cụ Khôi và đề nghị lãnh đạo cửa hàng có ý kiến, sau đó sẽ lên UBND xã.

5 đồng chí cán bộ, nhân viên cửa hàng có mặt hôm đó đều chung một ý kiến: "Nhà thờ làm lại là đúng, vì lâu ngày bị hư hỏng, vả lại chật chội, việc hành lễ cho bà con rất khó khăn. Còn hướng ra đường 538 là đẹp, chỉ có điều, nếu đây là ngôi nhà bình thường, nhưng đằng này nó là ngôi đình Chợ Rộc có từ xa xưa và "thiêng lắm". Mặc dầu xã đã dùng làm trụ sở để sinh hoạt, nhưng ngày lễ, sóc, vọng vẫn nhiều người đến thắp hương, e rằng bà con không đồng tình".

Nghe xong, tôi quay sang: "xin ý kiến của cụ". Cụ Khôi nói ngay "Biết mần răng được, việc tâm linh, tự do tín ngưỡng thì giáo cùng như lương, đều như nhau thôi. Tôi có ý kiến thế này, nếu không mở được hướng đó, đề nghị ông cho nới rộng ra 1,5 mét chiều rộng để đủ diện tích cho việc phục vụ bà con trong những ngày lễ".

Tôi đồng ý ngay và giao cho anh em chuyên môn tính toán cụ thể, xác định kích thước để bảo đảm chất lượng công trình, bảo đảm tính khoa học, hài hòa trước khi xây dựng.

Cụ Khôi vui vẻ đồng ý, sau đó công việc xây dựng nhà thờ Kim Sơn được thực hiện thuận lợi, tốt đẹp. Nhà thờ khang trang, bề thế, hướng ra trục đường chính của xã Trung Thành, Yên Thành.

Dẫu cụ Nguyễn Văn Khôi đã đi xa, ung dung thư thái ngắm cảnh vườn cây của Chúa trong sự bằng an. Nhưng buổi làm việc ngắn ngủi hôm đó đối với tôi là một kỷ niệm đẹp, không bao giờ quên.


Nguyễn Trọng Hà (Xã Nam Thành, Yên Thành)