Mang "ánh sáng văn hóa" đến với bản làng
(Baonghean) - Vượt lên tất cả khó khăn, vất vả, thiếu thốn về vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công việc, các đội văn nghệ thông tin lưu động (VNTTLĐ) đã thực sự mang lại niềm vui, “món ăn” tinh thần hấp dẫn đối với bà con nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Với anh Trần Hưng Minh - Đội trưởng Đội văn nghệ thông tin lưu động Trung tâm Văn hóa huyện Nam Đàn cho biết: "Thời gian qua, đội đã trực tiếp phục vụ nhân dân trong địa bàn toàn huyện gần 40 buổi với nhiều loại hình khác nhau: ca múa nhạc, cải biên những làn điệu dân ca, hát ví phường vải, qua các tiểu phẩm để tuyên truyền chính sách, chủ trương của Đảng, của Nhà nước tới nhân dân bằng hình thức sân khấu hoá. Mặc dù đội chỉ có 6 người nhưng anh em vẫn đảm bảo từ nội dung kịch bản tới nhạc cụ, đạo diễn. Đã hoạt động trong nghề hơn chục năm nhưng mỗi lần đi biểu diễn phục vụ bà con các xã, tất cả các thành viên trong đội đều có cảm giác hồi hộp, xúc động, cứ như lần đầu đứng trên sân khấu”. Ngoài đội VNTTLĐ của huyện thì đến thời điểm này ở 24 xã, thị trấn của Nam Đàn đều có các đội văn nghệ quần chúng cấp xã (hoạt động theo thời vụ). Đây chính là lực lượng nòng cốt tham gia tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Cảnh trong vở “Phương thuốc kỳ diệu” của huyện Đô Lương tham dự liên hoan kịch ngắn, kịch vui toàn tỉnh lần thứ 5. |
Bác Trần Xuân Đỉnh – người dân làng Đông Châu, Nam Trung phấn khởi: “Là người dân vùng 9 nam, xa trung tâm thị trấn, trong nhà cũng đã có ti vi nhưng vẫn rất thích xem các chương trình biểu diễn của Đội văn nghệ thông tin lưu động. Những tiểu phẩm vừa hài hước, vừa có ý nghĩa giáo dục trong cuộc sống, ví như chuyện tình làng nghĩa xóm, chuyện sinh đẻ có kế hoạch, chuyện hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới… rất gần gũi với bà con, lại được truyền tải qua các làn điệu dân ca nên rất dễ đi vào lòng người”.
Còn anh Nguyễn Thành Ngân - Đội trưởng Đội VNTTLĐ huyện Hưng Nguyên thì kỷ niệm đáng nhớ nhất là trong đợt đi phục vụ nhân dân xã Hưng Yên (một xã xa nhất của huyện Hưng Nguyên). Nghe tin tối nay sẽ được xem đội VNTTLĐ huyện biểu diễn, mới 18h người dân đã tập trung đông đủ ở sân vận động xã chờ xem. Cảm động trước sự nồng nhiệt của nhân dân, tối đó, anh chị em trong đội đã biểu diễn hết mình, và khán giả thì không ngớt động viên bằng những tràng pháo tay giòn giã.
Để đời sống văn hóa cơ sở miền núi dần tiến kịp miền xuôi, thời gian qua, nhiều địa phương miền núi đã rất chú trọng đưa văn hóa thông tin về cơ sở nhằm xây dựng nếp sống văn hóa mới, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương. Ví như huyện Quỳ Hợp, mỗi dịp mừng Đảng, mừng xuân, lễ hội, các thành viên đội văn nghệ của Trung tâm Văn hóa huyện Quỳ Hợp lại tất tả tập luyện, chuẩn bị các chương trình biểu diễn. Không có đội văn nghệ chuyên nghiệp, nên các hạt nhân chủ yếu lấy từ cán bộ của trung tâm hay cơ sở khối, bản. Chị Vi Thị Hương ở xóm Đồng Chạo, xã Tam Hợp vui vẻ cho hay: “Bà con vùng sâu, vùng xa thiếu thốn văn hóa tinh thần nhiều lắm. Mỗi lần đi biểu diễn, ngoài xây dựng những nội dung cần tuyên truyền như phòng chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, buôn bán phụ nữ… Đội còn đan xen các tiết mục nhảy sạp, hát dân ca Thái… để phục vụ cho bà con. Thế nên mỗi đợt tuyên truyền như thế ít nhất cũng kéo dài 4 – 5 ngày, nếu đi vùng sâu vùng xa có khi cả tuần. Mặc dù thù lao cho 1 buổi biểu diễn rất thấp, chỉ có mấy chục nghìn nhưng các thành viên trong đội đều rất nhiệt tình, vì nghĩ rằng mình đang góp phần nhỏ bé đưa đời sống văn hóa tinh thần tới phục vụ đồng bào”.
Điều đáng ghi nhận là với tinh thần tự nguyện đóng góp công sức mình cho phong trào văn hóa - văn nghệ tại địa phương, các thành viên đã luôn vượt qua khó khăn, thể hiện nhiệt huyết với phong trào, góp phần mang những việc làm ý nghĩa của mình đến với nhân dân. Bà Trương Thị Phiên – người dân tộc Thổ, đảng viên lâu năm ở xóm Đồng Chạo, xã Tam Hợp, Quỳ Hợp tâm sự: “Lâu lâu bà con trong thôn bản chúng tôi lại được thưởng thức những tiết mục văn nghệ, hài kịch rất ấn tượng, thú vị. Có những vở kịch diễn viên diễn chưa chuyên nghiệp, đạo cụ, sân khấu chưa đầy đủ, hoành tráng nhưng vở diễn đã để lại những thông điệp bổ ích, quý báu cho người dân, góp phần làm đời sống tinh thần người dân vui vẻ, phong phú hơn”.
Để duy trì hoạt động và có nhiều tiết mục đặc sắc nhằm thu hút khán giả, mỗi thành viên trong đội dành rất nhiều thời gian và công sức luyện tập. Ông Trần Việt Đức - trưởng phòng văn hóa huyện Quỳ Châu cho biết: thời gian qua phòng đã tham gia phối hợp với một số đơn vị Đoàn tại các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ quan hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân, Đoàn Khối Doanh nghiệp chung tay tham gia xây dựng và duy trì các đội văn nghệ tại từng cơ sở. Đồng thời đưa nhiều loại hình nghệ thuật khác vào biểu diễn, như: hài, kịch, nhảy hiện đại, các ca khúc đang được giới trẻ yêu thích… nhằm làm phong phú thêm các tiết mục trong chương trình, qua đó góp phần thu hút đông đảo khán giả là học sinh tại các trường học, cán bộ, công nhân viên làm việc tại các cơ quan, xí nghiệp và người dân địa phương.
Kế thừa và phát huy hiệu quả của các đội văn nghệ thông tin lưu động thời chiến, hiện nay 20 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh ta đều có đội văn nghệ thông tin lưu động trực thuộc Trung tâm VHTT các huyện, thành, thị. Và hầu như 100% các xã, phường, thị trấn cũng đã hình thành các đội văn nghệ quần chúng và hoạt động khá rầm rộ. Các đội văn nghệ thông tin đã góp một phần quan trọng vào công tác phục vụ tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào các huyện miền núi vùng sâu, vùng xa. Thành viên được chọn vào đội văn nghệ thông tin lưu động phải đảm bảo các yếu tố: nhiệt tình, sức khoẻ và đa năng các thể loại. Có nghĩa là vừa làm diễn viên, vừa kiêm luôn loa đài, kẻ vẽ băng rôn, khẩu hiệu… Qua các vở diễn tự biên, các đội văn nghệ thông tin lưu động đã tuyên truyền đến người dân mối nguy hại của ma tuý, của HIV/AIDS, hiểu biết về KHHGĐ/CSSKSS… Và cũng qua đó bà con hiểu được sự quan tâm của các cấp, ngành đối với đồng bào vùng cao, đồng bào nghèo, khó khăn.
Hiệu quả thì đã rõ, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều. Đặc biệt là vấn đề kinh phí cho khâu tập luyện, trang phục và trợ cấp cho mỗi thành viên sau khi tham gia biểu diễn. Ngoài khó khăn chung về kinh phí, đội văn nghệ cũng đang gặp phải những trở ngại riêng trong hoạt động của mình. Chị Vi Thị Hoa - cán bộ chuyên viên phòng Văn hóa huyện Quỳ Hợp chia sẻ: “Với đặc thù là một huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nên việc lựa chọn tiết mục biểu diễn sao cho phù hợp với đặc trưng của người dân địa phương cũng là một thử thách lớn. Một khó khăn nữa là số lượng thành viên tham gia trong đội không có sự ổn định mà thường xuyên thay đổi vì những lý do riêng, điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoạt động của đội”.
Hiện nay, Đảng, Nhà nước chưa có một chính sách cụ thể nào cho các đội văn nghệ thông tin mà tự các trung tâm văn hoá huyện "tự sinh, tự dưỡng", thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động như ánh sáng, loa đài, xe phục vụ, trang phục và nhất là kinh phí để xây dựng những kịch bản có chất lượng, mức bồi dưỡng quá thấp… Hạt nhân văn nghệ ở các huyện, xã rất dồi dào, phong phú, nhưng đáng buồn là chúng ta chưa có chính sách để động viên họ kịp thời.
T. Thủy – T. Dương