Đền thờ Đoàn Nhữ Hài - địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh

06/10/2013 18:07

(Baonghean) - Ở xã Diễn An, huyện Diễn Châu, có ngôi đền thờ vị danh tướng có công lớn trong quá trình đấu tranh và bảo vệ bờ cõi nước nhà ở thế kỉ XIV, một tấm gương sáng về lòng trung quân ái quốc. Đó chính là đền thờ Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của lịch sử dân tộc, dòng họ Đoàn có nhiều danh nhân nổi tiếng, được sử sách lưu danh. Một trong những người tiêu biểu của họ Đoàn chính là Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài ở thời nhà Trần.

Đền thờ Đoàn Nhữ Hài.
Đền thờ Đoàn Nhữ Hài.

Đoàn Nhữ Hài sinh năm Canh Thìn (1280) ở làng Hội Xuyên, huyện Trường Tân (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) trong một gia đình có truyền thống văn võ. Ông là con trai của Tướng Đoàn Phúc Trung, người từng làm tướng dưới quyền chỉ huy của Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đã trực tiếp tham gia trận đánh quyết chiến như: Vân Đồn 1281, Bạch Đằng 1288... Tương truyền, từ nhỏ Đoàn Nhữ Hài là một người rất hiếu học, tay không lúc nào rời khỏi sách. Đến tuổi thiếu niên, lên kinh đô, ông càng miệt mài kinh sử. Năm Kỷ Hợi (1299) Đoàn Nhữ Hài được vua phong chức Ngự sử Trung tán (chức quan đứng hàng thứ hai ở Đài Ngự sử, có nhiệm vụ can gián, đàn hặc nhà vua) lúc ông vừa tròn 20 tuổi.

Năm 1303, Vua Trần Anh Tông cử ông đi sứ Chiêm Thành. Nhờ thông minh, tận tình và có phương pháp, kế sách hay nên Đoàn Nhữ Hài không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của triều đình giao cho mà còn phá hủy được tục lệ cũ – đó là các sứ thần Việt Nam sang sứ Chiêm Thành không phải lạy tạ Vua Chiêm. Sau khi đi sứ trở về, ghi nhận công trạng của Đoàn Nhữ Hài, vua Trần Anh Tông đã thăng chức cho ông làm quan Tham tri chính sự.

Quý trọng tài năng của Đoàn Nhữ Hài, tháng 12 năm Giáp Thìn (1304) vua Trần Anh Tông tiếp tục phong cho Đoàn Nhữ Hài giữ chức Tri khu mật viện sự. Năm Ất Hợi 1335, quân Ai Lao vào xâm lược đất Nam Nhung (nay là xã Bồng Khê, huyện Con Cuông). Bấy giờ Đoàn Nhữ Hài đang quản quân Thần Sách, Thần Vũ kiêm Kinh lược sứ Nghệ An nên vua tấn phong ông làm Đốc tướng thống lĩnh đại quân. Các quân thứ đều phải chịu mệnh lệnh của Đoàn Nhữ Hài.

Vùng đất Nam Nhung rất hiểm trở, sông ngòi nhiều. Đoàn Nhữ Hài do chủ quan về số lượng của quân Ai Lao đóng giữ ở ấp Nam Nhung ít và yếu, nên ông chỉ sử dụng quân Thần Vũ và quân Nghệ An ra trận. Trận đánh rất quyết liệt, mây mù che tối, quân giặc bố trí quân lính đã phục sẵn hai bên bờ sông. Lực lượng lớn, bất ngờ đánh úp từ các hướng, sau trận giao tranh quyết liệt, quân của Đoàn Nhữ Hài thua trận, rơi xuống nước quá nửa. Đoàn Nhữ Hài tử trận ở tuổi 55.

Nghe tin Đoàn Nhữ Hài mất, tiếc thương vị anh hùng trung nghĩa, tài ba đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự trùng hưng đất nước, nhà Trần tiếp tục củng cố lại lực lượng để tiến công, đánh bại quận giặc, thu phục đất đai, chiêu dụ được nhân dân Làng Củng - huyện Tương Dương (xã Bồng Khê - huyện con Cuông ngày nay) làm lễ tế linh hồn Đoàn Nhữ Hài và lập đền thờ ông tại làng ven sông để quanh năm hương khói.

Đến thời Hậu Lê (năm Cảnh Hưng thứ 2 - 1739) hậu duệ của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài là Đoàn Viết Yến, lúc này làm Tri huyện Quỳnh Lưu thấy đền thờ của ngài nằm ở vùng đất xa xôi, khó khăn cho việc hương khói và thăm viếng của con cháu nên đã xin phép nhà vua cho chuyển đền thờ của Đoàn Nhữ Hài và lập mộ chiêu hồn Ngài trong khuôn viên đền thờ tại làng Nguyệt Tiên - xã Diễn An - huyện Diễn Châu.

Đền thờ Đoàn Nhữ Hài được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng 2300m2, ngoảnh mặt về phía chính Tây. Xung quanh đền là vườn phi lao quanh năm xanh tốt, tạo bóng mát cho di tích. Cách 200m về phía đông là Quốc lộ 1A, ngày đêm nhộn nhịp người và xe cộ qua lại. Cách đền khoảng 3 km về phía Nam là đền Cuông, nơi thờ Thục An Dương Vương - vị anh hùng dân tộc đã có công lập nên nước Âu Lạc, được xây dựng dưới chân núi Mộ Dạ. Phía trước đền là những cánh đồng màu mỡ, xóm làng trù phú, xa hơn là dãy núi Mụa Chân Tiên trải dài nhấp nhô và làng mạc yên vui của làng Nguyệt Tiên như một bức bình phong chắn gió, bảo vệ sự bình yên cho ngôi đền.

Lúc đầu quy mô đền thờ còn đơn sơ. Đến thời nhà Nguyễn, đặc biệt là đời Tự Đức Nguyên niên, đền thờ Đoàn Nhữ Hài được nhân dân và dòng họ trùng tu, xây dựng với quy mô lớn gồm các công trình: Cổng tam quan, sân vườn, hạ điện, trung điện, thượng điện, hữu - tả vu và 1 nhà soạn lễ... Đền thờ Đoàn Nhữ Hài là nơi nổi tiếng linh thiêng, góp phần làm nên vùng đất Diễn Châu trở thành nơi địa linh nhân kiệt.

Hàng năm, cứ đến ngày 12/3 âm lịch, nhân dân và con cháu dòng họ Đoàn quây quần về đền thờ tế lễ, tưởng niệm vị danh tướng Đoàn Nhữ Hài. Ngày nay con cháu đã di dời các ngôi mộ của các cụ Tổ đưa về đây, vì thế nơi đây cũng là Nhà thờ họ Đoàn khu vực Bắc miền Trung. Đền thờ Đoàn Nhữ Hài đã và đang thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương đến tham quan tưởng niệm, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Vân Đình (Trường THCS Hồ Xuân Hương)