Khoa Sử - ĐH Vinh: Giảng dạy, học tập, nghiên cứu gắn với thực tiễn

26/10/2013 18:18

(Baonghean) - Mùa Thu năm 1968, Khoa Lịch sử - Trường ĐHSP Vinh (nay là ĐH Vinh) được thành lập bên tả ngạn dòng sông Bưởi, xã Thạch Định (Thạch Thành - Thanh Hóa). Từ đó đến nay, trải qua quá trình 45 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ thầy và trò Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh đã khẳng định được vị thế của mình và đạt được những thành tựu đáng kể trên mọi mặt công tác...

Ra đời trong khói lửa của bom đạn chiến tranh, ngay từ ngày mới thành lập, các thế hệ thầy và trò đầu tiên của Khoa Lịch sử đã phải cùng nhau vượt qua mưa bom, bão đạn đến các vùng sơ tán. Vừa thành lập được 1 năm, đến cuối năm 1969, thầy và trò của khoa đã cùng nhau xuôi dòng sông Bưởi, vượt sông Mã, theo Kênh nhà Lê cập bến trở về Quỳnh Hoa, Quỳnh Lưu (Nghệ An). Năm 1972, khi đế quốc Mỹ ném bom miền Bắc lần thứ hai, thầy và trò lại cùng nhau lên vùng núi Lăng Thành (huyện Yên Thành) sơ tán.

Chưa kịp ổn định nơi ăn chốn ở, tất cả sinh viên của khoa lại phải băng qua Truông Hến, xuống xã Hưng Xá (Hưng Nguyên) để tham gia đắp Đê 42 phòng lụt… Trong những năm chiến tranh ác liệt ấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, các thế hệ thầy, cô giáo và sinh viên của Khoa Lịch sử đã nỗ lực vươn lên, vượt qua mọi thử thách để bám trường, bám lớp cùng với nhân dân địa phương vừa tham gia chiến đấu, vừa thi đua dạy tốt, học tốt. Cũng từ đây "Giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tế trên các hiện trường lịch sử" của Khoa Lịch sử bắt đầu thực hiện có hiệu quả và truyền thống ấy được tiếp nối cho đến nay.

Hoà bình trở lại, thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng bộ Trường ĐHSP Vinh lần thứ XII, cuối năm 1973, Khoa Lịch sử cùng với toàn trường trở lại Thành phố Vinh để tiếp tục giảng dạy học tập, nghiên cứu khoa học và phát huy bản sắc riêng của mình trong điều kiện mới.

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, miền Nam được giải phóng, Khoa Lịch sử dang rộng đôi tay đón chào những người con của khoa rời bút nghiên hát khúc quân hành xung trận, trở về. Nhưng có những sinh viên mãi mãi không về. Đó là 3 liệt sĩ Hà Ngọc Chuyển, Lê Văn Sĩ, Trần Văn Minh.

Trong hoàn cảnh mới thuận lợi, nguồn nhân lực được đào tạo một cách có bài bản được bổ sung. Bắt đầu từ đây, Khoa Lịch sử có nhiều biến chuyển vượt bậc. Đến nay, đội ngũ cán bộ của khoa có 43 người, trong đó có 7 PGS, 17 tiến sĩ, hàng chục cán bộ đang được khoa cử đi đào tạo nghiên cứu sinh (NCS) ở trong và ngoài nước. Bên cạnh hệ đào tạo cử nhân sư phạm chính quy, khoa có thêm các mã ngành khác như Cử nhân khoa học lịch sử, Công tác xã hội, Việt Nam học, Quản lý văn hóa. Việc đào tạo sau đại học cũng được khoa chú trọng đầu tư và mang lại kết quả cao. Từ năm 1993 đến nay, đã có 21 khóa đào tạo sau đại học được thực hiện, cung cấp cho xã hội hơn 800 thạc sĩ có trình độ cao. Nhiều NCS cũng đang theo học hai mã ngành đào tạo tiến sĩ Lịch sử Việt Nam và Lịch sử thế giới.

Lãnh đạo tỉnh chúc mùng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh trong lễ ra mắt công trình Lịch sử Nghệ An
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh trong lễ ra mắt công trình Lịch sử Nghệ An

Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT, tỉnh Nghệ An và Trường Đại học Vinh đã giao cho khoa tổ chức và chủ trì thành công các hội thảo khoa học gây được uy tín rộng rãi trong dư luận như: Hội thảo khoa học toàn quốc “50 năm Bác Hồ về thăm quê hương Nghệ An” (2007); “Mai Thúc Loan với Khởi nghĩa Hoan Châu” (2008) “Đào tạo nguồn nhân lực CTXH và Du lịch đáp ứng nhu cầu xã hội” (2009); “Thanh - Nghệ - Tĩnh với 1000 năm Thăng Long- Hà Nội” (2010), “Bối cảnh lịch sử Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước” (2011); “Nghiên cứu, giảng dạy về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh” (2012),…

Bên cạnh đó, hàng năm các giảng viên của khoa còn triển khai và nghiệm thu hàng loạt đề tài NCKH cấp trường, cấp tỉnh, cấp bộ. Tổ chức biên soạn, nghiệm thu và xuất bản nhiều công trình lịch sử - văn hoá địa phương có giá trị như: Lịch sử Thành phố Vinh, Điạ danh lịch sử - văn hoá Nghệ An, Cách mạng tháng Tám ở Nghệ An, Lịch sử ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, Khởi nghĩa Mai Thúc Loan... Trong đó nổi bật nhất là công trình Lịch sử Nghệ An từ nguyên thủy đến năm 2005, gồm 2 tập đã quy tụ hầu hết nhà Sử học của Trung ương và địa phương am hiểu về Lịch sử Nghệ An vào việc nghiên cứu, hội thảo, biên soạn, nghiệm thu. Đây là công trình khoa học và công nghệ tiêu biểu của tỉnh Nghệ An trong 2 năm (2012- 2013).

Mỗi năm, đội ngũ cán bộ của khoa đã công bố hàng chục bài báo khoa học trên các tạp chí của Trung ương và địa phương, tích cực tham gia các cuộc hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia và địa phương...

Năm học 2013 - 2014 đánh dấu Khoa Lịch sử tròn 45 năm xây dựng và phát triển. Những năm qua, khoa đã đào tạo được hành chục ngàn cán bộ, giáo viên có chất lượng cao, trong đó nhiều cựu SV, CB của khoa đang giữ những trọng trách lớn trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của Nghệ An, khu vực Bắc miền Trung cũng như cả nước.

Hiện nay, có hơn 1.400 sinh viên, hàng trăm học viên cao học và hàng chục nghiên cứu sinh đang học tập và rèn luyện tại khoa. Ghi nhận những đóng góp của khoa cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà, Khoa Lịch sử đã vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý cho tập thể và các cá nhân của khoa như: Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, “Vì sự nghiệp khoa học công nghệ”, Huân chương Lao động các hạng và nhiều phần thưởng khác...

Tự hào đứng chân trên mảnh đất Nghệ An anh hùng, hiếu học, trong thời gian tới, thầy và trò của Khoa Lịch sử đang cùng nhau ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, đạt được nhiều thành tích trong các mặt hoạt động để xứng đáng với truyền thống của mình, xứng đáng với sự tin yêu của các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên, sinh viên, phụ huynh và của nhân dân!

PGS.TS. Trần Văn Thức

(Bí thư Đảng ủy, Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Vinh)