Học sinh "chấm điểm" thầy cô: Đổi mới tư duy giáo dục
Trong bối cảnh hiện nay, có thể coi việc tạo điều kiện để học sinh nhận xét, đánh giá giáo viên là việc làm cần thiết…
Ngày vui của thầy cô |
Lấy ý kiến học sinh để giúp giáo viên nỗ lực thay đổi cả về trình độ chuyên môn lẫn ứng xử làm sao để chạm vào trái tim học trò là mô hình khá mới mẻ của Ban Giám hiệu trường phổ thông Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội thực hiện hơn 10 năm nay.
Năm học vừa qua, cô giáo Ngô Thị Thành được xướng tên trong lễ vinh danh những thầy cô được học sinh tin yêu do trường phổ thông Trung học Phan Huy Chú, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội tổ chức định kỳ hàng năm. Điều này, đã đem lại cho cô giáo Thành nhiều cảm xúc, và niềm vui nhưng đồng thời cũng là một áp lực.
Với cô Thành, vinh dự này là kết quả một quá trình nỗ lực, thay đổi để được học sinh ghi nhận, nhưng cũng được đặt cho cô áp lực là luôn luôn phải làm thế nào để giữ được vinh dự này. “Với tôi, không thể dùng những phương pháp mà năm học trước đã áp dụng vào năm học này, mà luôn phải làm mới mình, mới ở cả bản thân và phương pháp dạy để học sinh tiếp thu hiệu quả hơn”.
Thành công của cô Thành có tác dụng khích lệ và tạo ra sự trăn trở với nghề cho rất nhiều giáo viên trong trường, bởi điều này cũng giúp giáo viên nỗ lực, sự thay đổi cả về trình độ chuyên môn, lẫn thái độ ứng xử để làm sao chạm vào trái tim học trò.
Cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, Đống Đa, Hà Nội cho biết, việc học sinh đánh giá giáo viên đã được nhà trường thực hiện từ nhiều năm qua. Lúc đầu, việc làm này cũng gặp phải những khó khăn nhất định, đó là sự không ủng hộ của một số giáo viên, phụ huynh và học sinh. “Tôi cũng nhận được ít nhất là vài lá đơn của các thầy cô giáo là giáo viên dạy giỏi, tổ trưởng tổ chuyên môn ở các trường khác, đến dạy ở trường Phan Huy Chú, nhưng học sinh lại đánh giá rất bình thường. Thầy cô giáo xin nghỉ việc, lúc đó tôi đã mạnh dạn ký ngay vào những đơn nghỉ việc đó”.
Cô Nhiếp cho biết, từ sự quyết tâm này, nhà trường cũng có những thay đổi nhất định, đặc biệt là về chất lượng đội ngũ giáo viên, ai ai cũng muốn thay đổi, điều chỉnh để đạt được hiệu quả dạy học tốt nhất.
Cô Nhiếp chia sẻ, Ban Giám hiệu trực tiếp làm những phiếu đánh giá và tiêu chí cũng thay đổi hàng năm để phù hợp với tâm lý học sinh và phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Ban Giám hiệu trực tiếp lên lớp, phân tích cho các em hiểu về việc làm của nhà trường, về quyền lợi, trách nhiệm của các em trong việc đánh giá thầy cô. “Chúng tôi hướng dẫn các em cách làm và làm cho các em cảm thấy được tôn trọng. Từ đó các em góp ý cho chúng tôi rất nhiều những thông tin quý báu”.
Học trò “chấm điểm” giúp thầy cô nhìn lại
Trong chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2011 đến năm 2020, vấn đề phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã được xác định là giải pháp then chốt, trong đó có việc thực hiện chuyển hóa trong đào tạo và đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý là những khâu quan trọng. Tuy nhiên, việc được học sinh nhận xét, đánh giá giáo viên thì đang là vấn đề gây tranh cãi. Bên cạnh việc học sinh ủng hộ thì cũng có không ít người phản đối lo ngại là học sinh nhân cơ hội này sẽ có những lời nói, những hành vi mà xúc phạm thầy cô hoặc đi lại truyền thống tôn sư trọng đạo.
Theo Thạc sĩ Đỗ Doãn Hải, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, hoạt động “chấm điểm” thầy cô không phải là mới, mà đã được nhiều nhà trường tiến hành. Tuy vậy, việc làm này chưa được thực hiện rộng rãi và thường xuyên, đặc biệt chưa trở thành nhu cầu bắt buộc đối với các nhà trường. Trong thực tế, thực sự là còn có những e ngại từ giáo viên, kể cả học sinh và phụ huynh cũng chưa cảm thấy thoải mái khi tham gia hoạt động này. Tuy nhiên, trong không khí công khai dân chủ như hiện nay, đặc biệt có những cuộc bỏ phiếu tín nhiệm những chức danh lãnh đạo cao nhất của đất nước, của thành phố, thì việc thu thập ý kiến của học sinh đối với giáo viên cũng nên xem là một việc bình thường.
“Nếu ai đã từng ngồi trên ghế nhà trường, thì thường thấy rằng mọi người học thường có những nhận xét về cô giáo mình. Khác nhau ở chỗ, họ có nói ra những nhận xét đó hay không và nói ra ở đâu?. Những nhận xét đó thường có tính riêng lẻ, mang nặng màu sắc chủ quan. Nhìn chung, các em học sinh phổ thông vẫn chưa có trải nghiệm cuộc sống, nhân cách các em vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt là về những hiểu biết về phương pháp sư phạm, về con người của các em còn hạn chế. Vì vậy, chúng ta có thể thăm dò ý kiến của các em về giảng dạy, về cách ứng xử của thầy giáo, cô giáo, trong khuôn khổ của việc dạy học, ví dụ như nội dung kiến thức cơ bản có vừa không, có cao quá hay có khó không, thầy cô có nêu câu hỏi gợi mở, diễn đạt có dễ hiểu không, cho điểm chính xác không…. Nhưng còn nếu chúng ta đòi hỏi các em đánh giá một nhân cách thì việc đó hơi vượt quá kinh nghiệm và vốn sống của các em”- Thạc sĩ Đỗ Doãn Hải chia sẻ.
Lâu nay, chúng ta quen với cách đánh giá từ trên xuống, nghĩa là chỉ có giáo viên nhận xét, đánh giá học sinh, chứ ít có chiều ngược lại. Nếu ở đâu đó mà có mạnh dạn đánh giá theo chiều ngược lại thì học sinh chưa quen. Vả lại, không ít học sinh có tâm lý ngại giáo viên trù úm nếu có nhận xét không tốt về thầy cô của mình.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp cho rằng, khi giáo viên có hành vi trù úm học sinh, nghĩa là đã là thất bại nhiều phương diện. “Nếu băn khoăn vì điều đó mà không dám làm thì sẽ không bao giờ làm được. Và rất quan trọng là chính Hiệu trưởng phải nói với các em sẽ là người chịu trách nhiệm về sự bí mật của thông tin thì các em mới tin tưởng”.
Thạc sĩ Đỗ Doãn Hải cho rằng, việc lấy ý kiến của học sinh góp ý thầy cô giáo là một trong hoạt động vừa giúp các thầy cô nhìn lại chính mình, vừa phát huy dân chủ trong nhà trường, trong học sinh. Tuy nhiên, việc làm này tế nhị cho nên phải thận trọng, cho thí điểm, có cách xử lý riêng phù hợp.
Với kinh nghiệm của trường hơn 10 năm, cô Nguyễn Thị Nhiếp cũng chia sẻ, để việc đánh thực chất và đạt hiệu quả, cần phải xây dựng phiếu đánh giá một cách khoa học, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh. Cùng với đó, phải xử lý, bảo mật, công khai thông tin như thế nào là điều vô cùng quan trọng.
Trong bối cảnh hiện nay, có thể coi việc tạo điều kiện để học sinh nhận xét, đánh giá giáo viên là việc làm cần thiết trong quá trình đổi mới tư duy và cách làm giáo dục. Học sinh ở bậc học phổ thông đánh giá giáo viên dẫu là việc làm mới mẻ nhưng bước đầu đã thể hiện những tác động tích cực giúp giáo viên nỗ lực thay đổi, rèn luyện cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn thái độ ứng xử nhằm hướng mục tiêu cùng hiểu biết lẫn nhau để nâng cao chất lượng dạy và học./.
Theo (V0V.VN)