Ghi ở những bản văn hóa vùng cao

18/11/2013 21:40

(Baonghean) - Giúp dân cải thiện đời sống, khuyến khích đồng bào sản xuất các sản phẩm thủ công (dệt thổ cẩm, đan lát…), xây dựng hương ước bản, thành lập các đội xung kích phòng, chống ma túy… là những cách làm khéo để giữ bản sắc văn hóa ở các bản làng vùng cao…

Xã nghèo Yên Tĩnh, huyện Tương Dương không hề bình yên như cái tên vốn có. Cuộc sống nơi đây trầm buồn, những năm gần đây lại xác xơ thêm bởi những cơn lũ quét và tệ nạn ma túy. Tính đến cuối năm 2013, toàn xã có tới 84 người nhiễm. Hiện, 3/4 bản văn hóa đã bị tước danh hiệu vì nhiều lý do khác nhau… Gánh nặng tâm sự đeo đẳng này chỉ vơi bớt khi chúng tôi về đến bản văn hóa Pa Tý, được nghe Trưởng bản Vi Văn Dậu nói về việc xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn nét đẹp truyền thống của người dân địa phương.

Pa Tý là một bản cổ, không biết từ bao giờ tổ tiên người Thái đã tìm đến sinh sống, dựng nhà sàn bên dòng sông Chà Hạ này. Ngày nay, Pa Tý là 1 trong 4 bản trung tâm của xã, với trên 70 hộ cùng gần 300 nhân khẩu. Đời sống dân bản rất khó khăn, hàng năm lại thường bị lũ ống, lũ quét đe dọa. Tuy nghèo nhưng bản Pa Tý có niềm tự hào riêng, đó là đời sống văn hóa rất tiến bộ, tình làng nghĩa xóm gắn kết, bản sắc văn hóa được truyền đời. Năm 2006, cùng với 3 bản khác trong xã, Pa Tý bắt đầu xây dựng bản văn hóa và năm 2008 đã được công nhận danh hiệu. Và đến nay, cả xã Yên Tĩnh, chỉ còn bản Pa Tý là giữ vững được danh hiệu này… Những ngày đầu, việc xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư ở Pa Tý khó khăn lắm bởi người dân chưa biết, chưa hiểu về khái niệm và cách làm. Tiếp thu chủ trương của trên, cán sự bản trăn trở lắm. Cấp ủy chi bộ đã triệu tập cuộc họp bao gồm những già làng, người có uy tín để thông suốt tư tưởng và lấy ý kiến thống nhất cách làm.

Ngày hội Đại đoàn kết ở bản Khun, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu.
Ngày hội Đại đoàn kết ở bản Khun, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu.

Đầu tiên là vận động mọi người ăn ở hợp vệ sinh; thứ đến là xây dựng gia đình hòa thuận, chăm lo phát triển kinh tế, chuyện học hành của con cháu; tiếp đó là giữ gìn truyền thống tốt đẹp của người Thái, loại trừ dần các hủ tục lạc hậu, không phù hợp, thực hiện kế hoạch hóa gia đình … Ông Kha Văn Nghệ, Bí thư Chi bộ bản Pa Tý cho biết: “Tư tưởng đả thông, dân bản đồng thuận cao. Bản đã thống nhất xây dựng hương ước gồm 19 điều bao hàm tất cả các nội dung trên để thi đua thực hiện. Nhờ đó, đời sống văn hóa ở bản có sự biến chuyển tích cực: Các hộ đều đào hố làm nhà vệ sinh, chôn rác. Cán bộ huyện, xã đưa các mô hình như nuôi gà, lợn đen, ếch, bò, trồng rừng về cho bà con làm theo; xã, bản đứng ra bảo lãnh để người dân được vay vốn sản xuất, nuôi trồng…

Việc học tập của con cháu được chú trọng, bản đã thành lập ban khuyến học hoạt đồng đều tay, thường xuyên tổ chức đánh giá, khen thưởng, kiểm tra, nhắc nhở các cháu học tập. Các gia đình đều ký cam kết không để con cháu bỏ học, gia đình nào quá khó khăn thì dân bản chung tay góp gạo để trẻ đến trường. Từ chỗ nhiều trẻ thất học, sau 2 năm, các cháu ở bản Pa Tý đều quay lại trường lớp, năm 2008 đã có 3 cháu đậu vào các trường đại học, cao đẳng… Xây dựng đời sống văn hóa mới đã xây đắp nên tình làng nghĩa xóm, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu. Trong việc tang, việc cưới, dựng nhà mới, bản có quy định mỗi hộ đều phải góp gạo, tiền để chung vui, chia sẻ khó khăn.

Trưởng bản Pa Tý Vi Văn Dậu đánh trống họp dân bản.
Trưởng bản Pa Tý Vi Văn Dậu đánh trống họp dân bản.

Được công nhận danh hiệu Bản Văn hóa đã khó, giữ danh hiệu lại càng khó hơn. Trưởng bản Vi Văn Dậu chia sẻ: Đời sống kinh tế của người dân chuyển biến chậm, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 50%. Nhưng lo nhất vẫn là tệ nạn ma túy… Năm 2008 có 1 thanh niên tiêm chích ma túy. Bản đã phối hợp với gia đình thường xuyên động viên, thực hiện cai tại gia và đến năm 2010 thì đã cai nghiện thành công. Để ngăn chặn ma túy, bản Pa Tý đã thành lập một đội phòng, chống tích cực gồm 10 người, thường xuyên theo dõi tình hình trong bản, khi có người lạ vào thì bám sát nắm tình hình, nếu có biểu hiện nghi vấn thì báo ngay cho công an xã đến kiểm tra. Đến nay, Pa Tý là địa bàn “sạch” ma túy.

Chia tay Pa Tý, theo giai điệu suối, nhuôn trong ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân”, chúng tôi tìm về bản Đồng Minh, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu. Bản Đồng Minh là bản văn hóa cấp tỉnh từ năm 1998 và nay là bản văn hóa tiêu biểu của huyện, tỉnh, từng được đi báo cáo, tuyên dương ở nhiều cấp. Bản Đồng Minh nay đã có nhiều đổi thay nhưng các giá trị truyền thống vẫn được giữ gìn. Khi mỗi gia đình trong bản có việc cưới, việc tang, dựng nhà, sinh cháu thì cả bản đều coi đây là việc chung: mỗi hộ góp 10 ngàn đồng, ngoài ra người này gửi cân nếp, người kia con gà, người khác bó củi, hoặc trực tiếp đến dọn dẹp, nấu nướng giúp đỡ…

Trưởng bản Hủn Quang Dương cho biết: “Để giữ gìn bản sắc văn hóa, bản quy định vào ngày lễ, Tết mọi người đều phải mặc trang phục truyền thống, tổ chức uống rượu cần, chơi ném còn… Tuy nhiên, những ngày hội như vậy cũng đang ít dần bởi đời sống kinh tế của nhân dân trong bản còn chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (20 hộ); Ý thức của một bộ phận người dân về xây dựng đời sống văn hóa chưa tốt; chưa tích cực tham gia vào phong trào. Khắc phục điều này, bản Đồng Minh đã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân; tích cực thúc đẩy tăng gia sản xuất, chuyển đổi mùa vụ, chăn nuôi hàng hóa. Đến nay những hạn chế này đang dần được khắc phục…

Trưởng bản Dương đưa chúng tôi đến nhà già làng Lương Văn Tuyên (76 tuổi). Ông Tuyên là “pho sách sống” về phong tục tập quán, sinh hoạt, văn hóa dân tộc Thái ở bản. Tuổi đã cao, sức yếu nhưng ông Tuyên vẫn rất tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn phát huy giá trị văn hóa của ông cha. Hiện bản Đồng Minh đã có một câu lạc bộ bảo tồn giữ gìn nét đẹp văn hóa với hơn 30 người tham gia hoạt động. Nói về việc bảo tồn văn hóa, ông Tuyên trăn trở lắm, từ năm 2011 đến nay, với sự giúp đỡ của Ban Dân tộc Miền núi tỉnh, ở huyện Quỳ Châu nói chung, bản Đồng Minh đã có nhiều lớp học tiếng, chữ Thái được mở ra. Nhờ đó, trong bản đã có nhiều người biết đọc và viết được tiếng mẹ đẻ… Khó khăn hiện tại đó là những câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, dạy chữ Thái ở địa phương thiếu kinh phí để hoạt động.

Nhìn ông Tuyên, ông Dương say mê soạn lời bài hát mới theo giai điệu cũ, chúng tôi biết rằng để giữ gìn giữ nét đẹp các bản văn hóa vùng cao cần lắm những con người tâm huyết và những cách làm hay, sáng tạo.

Thành Chung