Có nên sinh con khi đang nhiễm siêu vi viêm gan B?

07/10/2013 23:06

"Vợ tôi (26 tuổi) bị viêm gan siêu vi B. Chúng tôi nghĩ đến kế hoạch sinh con nhưng được biết khi mang thai thì người phụ nữ phải ngưng sử dụng thuốc trong một thời gian. Như vậy chúng tôi nên chờ cho bệnh suy giảm rồi hãy có con hay tốt nhất nên sinh trước 30 tuổi? Khi sinh bé phải chuẩn bị như thế nào trong trường hợp này? Nick Palm (redchamelon@...)

TRẢ LỜI:

1. Theo như anh trình bày, vợ anh bị "nhiễm siêu vi viêm gan B mãn tính" nhưng có bị viêm gan hay chưa thì không chắc và cần phải làm thêm 1 số xét nghiệm. Anh nên đi khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa gan mật để được theo dõi và xác định chính xác vợ anh có bị viêm gan mãn hay chưa.

2. Theo kinh nghiệm của tôi, ở vùng dịch tễ như Việt Nam và vợ anh còn trẻ, nên tôi dự đoán vợ anh chỉ bị nhiễm siêu vi viêm gan B mãn chứ chưa bị viêm gan mãn. Và nếu như vậy thì vợ anh chưa cần điều trị thuốc mà chỉ được khám bệnh và theo dõi định kỳ 3-6 tháng/lần. Nếu đúng như vậy thì vợ anh có thể có thai và sinh con bình thường. Chỉ có điều cần theo dõi với BS chuyên khoa tiêu hóa gan mật trong suốt thời gian mang thai để được xét nghiệm đánh giá chức năng gan, đồng thời đánh giá sự sinh sản và phát triển của siêu vi viêm gan B. Anh chị có thể phòng ngừa lây truyền từ mẹ sang con như sau:

- Ở 3 tháng cuối thai kỳ, bắt buộc phải khám và tư vấn với BS chuyên khoa tiêu hóa gan mật để được xét nghiệm theo dõi và quyết định dùng thuốc ngắn hạn để giảm lượng siêu vi trong máu, nhằm giảm khả năng lây cho thai khi chuyển dạ và sinh đẻ.

- Chủng ngừa với kháng thể thụ động (HBIg) đồng thời với tiêm liều vaccine phòng ngừa viêm gan siêu vi B đầu tiên trong vòng 12 giờ sau sinh. Sau đó tiếp tục tiêm ngừa vaccine viêm gan siêu vi B liều thứ 2 khi bé được 1-2 tháng tuổi và liều thứ 3 khi bé được 6 tháng tuổi.

- Vẫn cho trẻ bú mẹ bình thường nếu trẻ được chích ngừa đủ trừ phi đầu vú của mẹ bị nứt nẻ, lở loét dễ chảy máu.

3. Nếu vợ anh bị nhiễm siêu vi viêm gan B mãn và đã có viêm gan mãn thì cần được theo dõi và điều trị với BS chuyên khoa tiêu hóa gan mật cho đến khi bệnh ổn định thì có thể ngưng thuốc và có thai bình thường, nhưng trong khi mang thai có thể bệnh sẽ tái hoạt do virus viêm gan B tái hoạt động và phát triển. Do đó trong thời gian mang thai vợ anh cũng cần được theo dõi như những gì tôi đã đề cập ở mục 2.

BS TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG

(Phó khoa Nội tiêu hóa BV Nguyễn Tri Phương)