Làng nghề vào mùa

12/11/2013 21:07

(Baonghean) - Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng trên thị trường ngày càng tăng. Đây cũng chính là thời điểm các làng nghề trên địa bàn hối hả vào mùa sản xuất quan trọng nhất trong năm, chuẩn bị cung ứng sản phẩm ra thị trường nội địa và xuất khẩu.

Thời điểm này, làng nghề bánh đa kẹo lạc Vĩnh Đức - khối 10, Thị trấn Đô Lương đã bắt đầu rộn ràng không khí sản xuất. Trong mỗi hộ, từ người già, đến người trẻ đều tất bật trong từng công đoạn chế biến sản phẩm. Trên các đường làng, từng đoàn xe chở nguyên liệu lạc, vừng, mật, đường, các loại hương liệu tỏi, tiêu.. về nhập cho các hộ làng nghề. Cơ sở sản xuất bánh đa, kẹo lạc của anh Nguyễn Văn Công đã được đầu tư dây chuyền tráng bánh đa vừng trị giá hàng trăm triệu đồng. Anh Công phấn khởi nói: “Nghề này sản xuất đều đều trong năm, dịp cuối năm đơn đặt hàng của khách khắp nơi đều tăng nhiều lần so với ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng doanh số, chúng tôi phải đa dạng mẫu mã, giá cả, như sản xuất đủ các loại kẹo lạc đường, kẹo lót bánh đa, bánh tráng, kẹo cu đơ, bánh ong. Giá cả các loại sản phẩm giao động từ 10-15 ngàn đồng đến 45 ngàn đồng/gói. Hiện chúng tôi đã thuê thêm lao động, lựa chọn nguyên liệu dự trữ để đáp ứng tốt các công đoạn sản xuất từ nay đến Tết”.

Từ năm 2009, làng nghề bánh đa kẹo lạc Vĩnh Đức vinh dự được UBND tỉnh công nhận làng nghề. Hiện nay cả làng có trên 260 hộ sản xuất. Sản phẩm bánh đa, kẹo lạc của bà con đã được khẳng định tên tuổi trên thị trường nội địa như Hà Nội, Hà Tĩnh, Thành phố Vinh, Con Cuông, Tương Dương. Ông Phạm Ngọc Giao - Chủ nhiệm làng nghề cho biết: Hiện nay, bà con đang được huyện hỗ trợ xây dựng logo làng nghề, xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, khu sản xuất tập trung của làng nghề diện tích trên 8000m2, quy mô trên 10 tỷ đồng đang được gấp rút xây dựng với các hạng mục: tường bao, nhà điều hành, quầy giới thiệu sản phẩm. Sau khi hoàn thành, 30 hộ sản xuất của làng nghề sẽ được chuyển ra khu sản xuất tập trung đảm bảo tốt các điều kiện VSATTP.

Cùng với các làng nghề chế biến bánh kẹo thì làng nghề chế biến thủy sản xuất khẩu cũng bắt đầu rộn lên không khí với nhiều đơn hàng cuối năm. Làng nghề chế biến hải sản xóm Đồng Lộc- Diễn Ngọc (Diễn Châu) hiện có trên 200 hộ sản xuất và dịch vụ. Trong đó có 9 cơ sở sản xuất lớn đã đầu tư máy móc, thiết bị chế biến hiện đại, bao gồm 4 cơ sở chế biến cá phi lê xuất khẩu, 3 cơ sở thu mua đông lạnh và 2 cơ sở sơ chế cá tạp. Cơ sở chế biến của anh Nguyễn Văn Hùng hiện có 2 phân xưởng chuyên sản xuất nước mắm và chế biến cá phi lê xuất khẩu. Anh Hùng cho biết tháng 10, tháng 11 (ÂL) là thời điểm rộ của hoạt động nghề, là thời điểm “ngày làm, tháng ăn”. Anh cho biết: “Từ tháng 10 trở đi, bà con ngư dân có thể ra biển đánh bắt tối đa 20 - 25 ngày/tháng. Thời điểm cá xuất hiện nhiều. Mỗi ngày, cơ sở tôi thu mua từ 2 tạ đến 5 tấn để chế biến cá phi lê xuất khẩu và làm các loại mắm, ruốc”.

Cơ sở chế biến nước mắm của anh Nguyễn Văn Hùng ở xóm Đồng Lộc, Diễn Ngọc (Diễn Châu).
Cơ sở chế biến nước mắm của anh Nguyễn Văn Hùng ở xóm Đồng Lộc, Diễn Ngọc (Diễn Châu).

Sản lượng nước mắm của bà con làng nghề Diễn Ngọc trong dịp cuối năm có xu hướng giảm xuống so với trước, từ 2,2 triệu lít (năm 2010) còn 1,7 triệu lít (năm 2013). Tuy nhiên, nhiều hộ đã chủ động thay đổi mẫu mã, giá cả, cùng với nâng chất lượng sản phẩm. Hiện nay, cơ sở chế biến nước mắm của anh Nguyễn Văn Hùng đã chuẩn bị gần 700 lít xuất bán ra thị trường vào dịp cuối năm.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc thì năm nay là một trong những năm ngư dân xã nhà đầu tư đóng mới tàu cá nhiều nhất từ trước tới nay, có 21 phương tiện đóng mới với công suất từ 90CV trở lên. Tổng sản lượng đánh bắt tăng 1 ngàn tấn so với năm 2012. Đây là điều kiện tốt để Diễn Ngọc phát triển lĩnh vực chế biến.

So với trước, năm nay được đánh giá là một năm khó khăn trong hoạt động sản xuất của các làng nghề. Ngay cả đối với các sản phẩm hàng hóa như bánh kẹo, bún, miến đều phải chịu chi phí về giá gạo, tiền công, điện... tăng cao. Theo phân tích của chị Hoàng Thị Hường - làng nghề bánh đa Trường Tiến - Diễn Ngọc (Diễn Châu) thì, do chi phí đầu vào cao, thời tiết không thuận lợi và đầu ra cũng khó khăn nên gia đình đưa ra nhiều giải pháp để tiêu thụ sản phẩm, thu gom sản phẩm của bà con đi tiêu thụ ở các thị trường trong, ngoài tỉnh, nhất là các vùng miền núi. Đã vào mùa chuẩn bị hàng cho thị trường tiêu thụ dịp cuối năm, song những ngày đầu tháng 10 âm lịch, bà con làng nghề chế biến hải sản Quỳnh Lưu, Diễn Châu đang “nằm chờ” vì bão, gió liên tục, ngư dân không đi biển được. Nhiều nhà xưởng khá im ắng. nhiều đơn hàng tạm gác đang là một tổn thất đáng kể cho nguồn thu nhập của bà con. Đặc biệt, do khó cạnh tranh được với các sản phẩm nước mắm đang thịnh hành trên thị trường nên các sản phẩm nước mắm, cá, ruốc tại các làng nghề có xu hướng giảm. Đó là những thách thức mà các làng nghề đang phải đối mặt.

Lương Mai