Bài 2: Từ hiếu học đến... thất học

13/11/2013 10:28

(Baonghean) - Trăn trở trước sự việc hàng chục học sinh tiểu học và mầm non, khối Toàn Thắng hay còn gọi là làng Văn Hà, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương không đến trường sau gần 3 tháng kể từ ngày khai giảng năm học mới, chúng tôi tiếp tục quay trở lại làng Văn Hà để hiểu hơn nguồn cơn sự việc…

TIN LIÊN QUAN

Từ trung tâm xã Quang Sơn nơi có điểm trường chính, theo con đường rộng chừng 6m khá bằng phẳng chúng tôi về làng Văn Hà chỉ mất khoảng 10 phút đi xe máy. Vào thời điểm giữa chiều, giờ mà lẽ thường người làm nông tất bật với đồng áng, vườn tược; con trẻ bi bô học chữ ở trường thì tại làng Văn Hà, cảnh tượng trước mắt là những người phụ nữ tay dắt con lớn, tay bồng con bé ùa ra vây lấy chúng tôi khi vừa dừng chân trước cổng điểm trường tiểu học đã đóng cửa ngay từ đầu năm học 2013-2014.

Qua câu chuyện với chính những người dân nơi đây, chúng tôi khá bất ngờ khi biết làng Văn Hà vốn là một vùng quê giàu truyền thống hiếu học, có người là tiến sỹ, bác sỹ, kỹ sư và hiện trong làng có tới 25 giáo viên. Trái ngược với truyền thống hiếu học đó, khi xã Quang Sơn tiến hành sáp nhập điểm trường lẻ ở làng Văn Hà lên điểm trường chính vào đầu năm học này để tạo điều kiện cho học sinh Văn Hà được học trong môi trường giáo dục toàn diện nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Thế nhưng, một số phụ huynh đã phản đối bằng cách cho con em mình nghỉ học. Liệu cách nghĩ, cách làm này, các bậc phụ huynh làng Văn Hà có giữ được truyền thống từ đời ông cha như họ bày tỏ khi trao đổi với chúng tôi?! Và những người tự tước đi quyền học tập của con em mình cũng đồng thời đẩy con cái họ vào con đường thất học?!

Một phòng học tuềnh toàng ở điểm trường lẻ.   * Trẻ em ở nhà nghịch cát  thay vì được đến trường  (ảnh nhỏ).
Một phòng học tuềnh toàng ở điểm trường lẻ. * Trẻ em ở nhà nghịch cát thay vì được đến trường (ảnh nhỏ).

Đến thời điểm này, trong tổng số 64 học sinh của 3 lớp 1,2,3 ở điểm trường lẻ mới chỉ có 11 cháu đến trường, trong đó có 8 cháu là con em giáo viên và cán bộ địa phương. Trên thực tế trong số 53 cháu còn lại chưa được đến trường, một số cháu đã được bố mẹ cho đi học trở lại nhưng vì nhiều lý do buộc phải cho con nghỉ học tiếp. Trường hợp của anh Nguyễn Hàm Hải - xóm 9 bị đe dọa "nếu vẫn cho con đi học thì không được tiếp tục làm việc ở tổ xây". Điều này đồng nghĩa với việc anh mất đi nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình. Chưa hết, một số người còn tụ tập, chửi bới, lăng mạ khi biết ai đó có ý định cho con đi học…

Mục đích của họ là muốn lôi kéo đám đông hòng gây sức ép với chính quyền. Ví như sự việc xảy ra vào ngày 5/9/2013, nhóm 4 người gồm: Nguyễn Quí Dần (sinh năm 1974, ở xóm 8, không có con học các lớp 1, 2, 3), Nguyễn Thị Hương (xóm 8) và Nguyễn Hàm Ngọc, Nguyễn Thị Hoa (xóm 10) đã treo băng rôn với nội dung “Lễ khai giảng năm học mới 2013-2014, các ông, bà, cha, mẹ cùng toàn thể nhân dân làng Văn Hà làm lễ khai giảng năm học mới cho các cháu lớp 1, 2, 3 của làng, trong lúc chưa có các thầy, cô giảng dạy tại điểm trường”.

Lực lượng Công an xã Quang Sơn đã lập biên bản, tịch thu băng rôn và đã 3 lần gọi các đối tượng lên UBND xã để làm việc nhưng họ vẫn không chấp hành, sự việc đã được chuyển lên Công an huyện Đô Lương xem xét xử lý. Vào thời điểm chúng tôi về làng Văn Hà, có những người không có con học tại điểm trường lẻ nhưng vẫn hăng hái kích động những phụ huynh có con trong độ tuổi tiểu học phản đối chủ trương nhập trường. Đơn cử như một chị tự xưng là Nguyễn Thị Vân ở xóm 9 đã tuyên bố “đại diện cho cả làng” bày tỏ “nguyện vọng được học tại đây” - nơi mà họ cố tình bao biện là “trường làng có từ đời ông, đời cha”. Sự thật đây chỉ là một dãy nhà cấp 4 gồm 4 phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng được xây cách đây hơn 30 năm. Phía sau các cánh cửa cũ ký là những căn phòng chật chội, không có cửa sổ. Trước sân trường trống trơn, ngoại trừ một số cây bàng vừa trồng mới kịp bén rễ; nhà vệ sinh tạm bợ được đặt ngay ở góc sân trường đối diện với các phòng học.

(Còn nữa)

Nhóm PV