Nhật phát triển phần mềm ngăn chặn nạn gian lận thực phẩm

22/10/2013 15:03

Một nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học Kyoto của Nhật Bản vừa phát triển phần mềm đọc mã vạch ADN có thể ngăn chặn nạn cố tình dán sai nhãn mác nông sản và thủy sản, theo báo Asahi Shimbun hôm nay 22/10.

Dùng phần mềm trên, người sử dụng có thể phát hiện dễ dàng loài của sinh vật dựa trên thông tin về chuỗi ADN của chúng.

 Phần mềm mới của Nhật có thể giúp phân biệt được thịt cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương và cá ngư vây vàng - Ảnh: AFP
Phần mềm mới của Nhật có thể giúp phân biệt được thịt cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương và cá ngư vây vàng - Ảnh: AFP

Nhà nghiên cứu Akifumi Tanabe, người đóng vài trò quan trọng trong việc phát triển phần mềm mới, cho hay: “Giá cá ngừ vây vàng và cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương chênh lệch đáng kể. Tuy nhiên, nếu chúng được dùng làm món ăn, thì ngay cả chuyên gia cũng khó phân biệt được. Nếu dùng phần mềm này, bạn có thể dễ dàng phát hiện nạn dán sai nhãn mác”.

Phần mềm mới còn có thể so sánh chuỗi ADN của cá và những sinh vật khác với những chuỗi cùng loài đã được cất giữ trong dữ liệu ADN. Bằng cách so sánh mã vạch ADN, phần mềm có thể tự động xác định sinh vật thuộc loài nào.

Thậm chí trong trường hợp có loài mới, phần mềm có thể xác định nó thuộc họ nào và có liên quan đến những loài đang tồn tại ra sao.

Dữ liệu ADN đã được lập ở Nhật, Mỹ và châu Âu, trong đó chứa chuỗi ADN của khoảng 288.000 loài sinh vật.

Cho đến ngày nay, công việc phát hiện sinh vật thuộc loài nào phần lớn vẫn phụ thuộc kiến thức của các chuyên gia. Do đó, việc đánh giá đôi khi không chính xác và kết quả thường khác nhau, tùy thuộc mỗi chuyên gia.

Theo TNO - HQ