Chợ Dinh

31/10/2013 23:17

(Baonghean) - Hiếm thấy chợ quê nào như chợ Dinh, mỗi tháng chợ chỉ họp 3 phiên vào các ngày 9, 19 và 29. Mỗi phiên chợ có tới hàng trăm mặt hàng, từ gia súc, gia cầm, xe đạp, đài đóm, quần áo, vải vóc, các mặt hàng nông cụ phục vụ nông nghiệp, đến giống cây trồng, vật nuôi… Chợ Dinh thật gần gũi, thân thuộc với người nông dân vùng đất lúa Yên Thành...

Cứ mỗi lần đến phiên chợ Dinh, ngay từ rất sớm, trên các trục đường chính của huyện đã nghe tiếng xe, tiếng người xì xào. Họ dắt trâu, bò đi bán, hoặc họ mang những mặt hàng công kềnh, như bàn ghế, giường, tủ đến chợ… do vậy phải đi thật sớm để soạn sửa hàng hóa, khi chợ chưa có người mua. Vừa tảng sáng, chợ Dinh đã đông người. Lúc này phần lớn là kẻ bán, người mua đang rất ít, có chăng chỉ mấy tay làm nghề “vuốt đuôi trâu”. Lúc này, những người bán hàng ăn ở chợ cũng đã chuẩn bị chu đáo bàn ghế, bát đũa, nồi nước dùng và bún, bánh...

Càng về sau, lượng người từ các ngả đường kéo đến chợ Dinh mỗi lúc thêm đông đúc. Có tới hàng chục gia đình của xóm Phan Đăng Lưu, xã Hoa Thành, sinh sống lân cận cổng chợ, dành toàn bộ những vạt đất trống, căng dây, che chắn tấm bạt để trông giữ xe máy, xe đạp. Hàng hóa lúc này đã được bày bán kín trong khuôn viên chợ. Mỗi mặt hàng có tới hàng chục, hàng trăm người bán, do vậy người đi mua hàng tha hồ lựa chọn, từ hàng đắt tiền đến rẻ tiền đều có cả. Trước đây, mỗi phiên chợ Dinh, đoạn đường 538 này thường bị ách tắc dài tới gần cây số, bởi cảnh mua bán lộn xộn ngay trên mặt đường. Và hơn thế nữa, tình hình an ninh trật tự tại phiên chợ rất phức tạp. Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã giao cho lực lượng an ninh làm nhiệm vụ trong suốt phiên chợ, nên không còn tình trạng buôn bán hàng hóa trên đường và hạn chế nạn trộm cắp trong phiên chợ.

Một góc chợ Dinh.
Một góc chợ Dinh.

Vào thời điểm nông nhàn, phiên chợ Dinh đông nghịt người mua kẻ bán. Ô tô, người, xe đạp, xe máy... Bà con kéo nhau vào chợ, ai cũng háo hức lựa chọn, trả giá những mặt hàng mình cần. Người đông kể vạn, và hàng hóa thì mê thiên. Đến chợ Dinh, trong chốc lát, chúng tôi đã bị lạc giữa chốn đông người và ngập tràn hàng hóa. Đang mải với dãy quần áo, vải vóc mà kẻ bán người mua hầu hết là trai gái đang thì, ăn diện với các kiểu mốt quần áo, thì bị lạc vào giữa hàng trăm chiếc xe đạp long lanh, mới có, cũ có. Cũng có lúc bị vây giữa la liệt hàng bánh rán, bánh xèo, phở, mì tôm, cháo… sực hành mỡ. Có lúc vừa thoát khỏi đám trâu, bò hàng trăm con nồng nặc uế thải, lại gặp phải khu âm thanh đinh tai nhức óc của tiếng trống da bò, tiếng cồng, chiêng bằng đồng… giống như ngày tế tổ.

Có một mặt hàng duy nhất một người bán, người mua thì đông vô kể, đó là đài radio cũ. Ông chủ của thứ hàng này là người đàn ông trạc tuổi gần 50, có vóc dáng thấp nhỏ, nói năng lưu loát, cười thật tươi, để lộ hàm răng trắng. Ông là Nguyễn Thọ Ngọc, người xã Nam Thành. Tận dụng khoảnh đất nhỏ bên xép quán, ông Ngọc trải tấm bạt màu xanh được cất giữ sạch sẽ, rồi đặt một số chiếc đài lên để bán. Ông Ngọc thổ lộ, vốn có nghề sửa chữa điện tử, hơn chục năm nay, chuyên “sưu tầm” những chiếc đài radio của Nhật (cũ) về lau chùi sạch, sửa chữa và phụ thêm một vài linh kiện để mang ra chợ bán cho khách.

Có những lần phải ra tận Hải Phòng để tìm mua đài cũ, vì vùng này không “tầm” ra nữa. Trong mỗi phiên chợ Dinh, khách đến có cả người mua, lẫn người bán, đa số là những người quá tuổi trung niên, thích nghe đài radio. Người bán là bán đài cũ, hoặc cũng có người đổi đài cũ, phụ thêm ít tiền lấy đài mới. Một chiếc đài của Nhật đang “ngon” có giá 400-500 nghìn đồng, mỗi phiên chợ, ông Ngọc bán được gần chục chiếc. Những người ngồi chọn mua đài nói rằng, đài của Trung Quốc sản xuất rẻ, nhưng nhanh hỏng. Mua được chiếc đài của Nhật đắt một tí, nhưng sử dụng được lâu, sóng khỏe.

Lách qua những gian hàng quần áo, rổ rá, mây tre đan… chúng tôi đến khoảnh đất cuối chợ, nơi bán trâu bò, lợn, gà… Có tới hàng chục người đứng trước những con bê có màu lông vàng óng. Một chủ bò ở huyện Diễn Châu thổ lộ: Trước đây, người dân sử dụng trâu, bò làm sức kéo thì đám lái buôn chúng tôi “tầm” trâu, bò to khỏe về bán ở chợ này cho dân cày. Nhưng khoảng 5 năm lại nay, người dân nuôi bò vỗ béo để bán bò thịt, thì chúng tôi lại tìm mua những con bê lai sind về bán lại cho dân. Những người bán đại gia súc ở chợ dinh cho biết, bê 4-6 tháng tuổi có giá từ 14-16 triệu đồng/con, nhưng bán được con bê cũng phức tạp lắm, ngoài tiền vào chợ, tiền phòng dịch, còn phải trả cho đám “vuốt đuôi” mỗi con 200 nghìn đồng. Bây giờ trâu, bò, bê, những người chăn nuôi trong huyện thì dắt đến chợ từ mờ sáng, còn với những lái buôn ở xã, người ta thường chở bằng xe máy, ô tô. Những chiếc xe máy được thiết kế cái ghế bằng sắt đặt phía sau để lai bê, không hề ảnh hưởng gì. Do vậy, có những lái buôn đưa bò từ Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương đến chợ Dinh bán.

Tầm 9-10 giờ sáng, chợ Dinh đông người nhất. Hàng hóa ngập chợ, nên người mua hàng tha hồ lựa chọn. Bà Thu, nông dân ở xã Văn Thành, bộc bạch: “Trước khi đi chợ, tui đã chuẩn bị được gần 1 triệu đồng để mua một số hàng hóa cần thiết sử dụng trong gia đình. So với các chợ khác, cái hay ở chợ Dinh là hàng nhiều dễ chọn, chỗ này không bán thì đến chỗ khác, mình trả giá thoải mái, hàng rẻ hơn các nơi khác...”.

Đa dạng mặt hàng.
Đa dạng mặt hàng.

Một người đàn ông trạc tuổi 50, khuôn mặt hiện rõ sự khắc khổ, đứng bên chiếc xe đạp cũ được lau chùi sạch sẽ, thỉnh thoảng mới có khách đến nhòm ngó. Hỏi ra mới biết, ông là một lão nông, do thiếu tiền nộp học cho con, đành phải bán chiếc xe đạp cũ đã gắn bó với ông ngót nghét 20 năm nay. Tuy nhiên, phần lớn xe đạp cũ ở đây là xe mi ni (Nhật), giá cả đa dạng. Những người tìm mua xe đạp cũ cũng có nỗi niềm riêng. Phần vì nhà nghèo, không có tiền để mua xe mới; có những người chuyên đi rừng, lai thồ hàng nặng, tìm mua những chiếc xe đạp Thống Nhất (khung nam) đời cũ cho chắc chắn. Còn xe đạp mới bày bán ở đây phần lớn là xe đạp sản xuất trong nước, có giá từ 1,2-1,7 triệu đồng/chiếc.

Người bán hàng ở chợ Dinh cũng nắm bắt được tâm lý của người mua nên khi có khách trả với giá có đồng lãi là bán. Chị Hoa, quê ở xã Diễn Hồng, buôn bán hàng quần áo, thổ lộ: Mỗi lần đi chợ Dinh, vợ chồng chuẩn bị cơ số hàng thật nhiều để bán. Mỗi chiếc quần, áo thấy có lãi được ít nghìn là bán ngay, miễn là bán được nhiều. Khách hàng đến chợ Dinh phần lớn là nông dân, đồng tiền có hạn, mình phải lựa mà bán cho được khách.

Chợ là nơi “trăm người bán, vạn người mua”, ở chợ Dinh “vạn người mua” chính là người dân Yên Thành. Nông dân chân lấm tay bùn, chắt góp được đồng tiền từ hạt thóc, củ khoai, con gà, con lợn… mang ra chợ Dinh mua sắm, do vậy họ “cò kè” trả giá là điều dễ hiểu. Chị Huyền, tiểu thương bán hàng sắt, thổ lộ: “Tôi đăng ký bán hàng ở chợ Dinh cách đây gần 15 năm, cho thấy sau mỗi phiên chợ, số hàng tôi bán được nhiều, nhưng giá cả ở đây thường bán thấp hơn so với nơi khác. Bất kể hàng gì, khi có khách trả giá thấy có lãi chút ít là bán. Người dân Yên Thành mỗi khi có ý định mua sắm hàng hóa gì đó dù ít hay nhiều, thường chờ đến phiên chợ Dinh để mua, mong rẻ được đồng tiền”.

Đang loay hoay với những gian hàng vải vóc rực rỡ sắc màu, thì chúng tôi lạc vào hàng quần áo “si đa”, biết bao sự bất ngờ, thú vị ở đó. Thoạt nghe có vẻ ghê ghê, nhưng hàng “si - đa” chính là quần áo đã qua sử dụng. Quan sát thấy những người đến hàng này là tuổi trung niên, nghề của họ là lao động chân tay. Anh Phan, người đi mua hàng, chia sẻ: Tôi chuyên làm nghề thợ xây, hàng tháng tôi thường ghé qua chợ Dinh lựa chọn vài bộ quần áo có màu tối để lao động, vì giá bán chỉ 15 - 20 nghìn đồng/chiếc áo sơ mi. Nếu tìm mua bộ quần áo “diện” một tí để mặc những lúc công buổi cũng có, giá chỉ vài, ba chục nghìn đồng. Một chủ hàng cho biết, nếu mặt hàng nào còn mới, hoặc còn nhãn mác (hàng lỗi mốt), thì bán có giá cao hơn một chút. Nhưng nhiều nhất vẫn là hàng cũ, giá quân bình từ 15-20 nghìn đồng/chiếc. Mỗi phiên chợ, anh bán được hàng trăm chiếc quần áo.

Theo thống kê sơ bộ của Ban quản lý chợ, mỗi phiên chợ Dinh có ít nhất 70 mặt hàng được các tư thương trong và ngoài huyện đến bán. Hàng hóa bán ở đây chủ yếu mang tính phục vụ người dân vùng nông thôn là chính, như: trâu, bò, quần áo, sách báo, bàn ghế, xe đạp, hàng sắt, hàng mây tre đan, phụ tùng xe đạp, đồ thờ cúng, thực phẩm… Điều đáng nói là trong số 70 mặt hàng ấy, có tới khoảng 90% mặt hàng do tư thương từ các huyện khác mang đến. Trong đó nhiều nhất là huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, có những mặt hàng chủ lực: xe đạp, quần áo, vải vóc, phụ tùng xe đạp, đồ sắt. Bởi thế người dân Yên Thành coi chợ Dinh là nơi “làm giàu” cho một số tư thương của Diễn Châu, Quỳnh Lưu quả là không sai. Vào thời điểm nông nhàn, chợ Dinh không còn một chỗ trống, người mua kẻ bán chen chúc nhau. Ngược lại, vào thời điểm mùa màng, chợ Dinh vắng hẳn, và vì thế phiên chợ tan sớm hơn.

Là trung tâm mua bán gia súc, gia cầm của huyện Yên Thành, nên hệ lụy của chợ để lại cũng không nhỏ. Ông Nguyễn Khắc Đức – Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Thành, băn khoăn: Mặc dù trong mỗi phiên chợ, xã huy động cán bộ thú y phun hóa chất khử trùng trong và sau khi tan chợ, nhưng hàng năm địa phương thường xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm. Nguyên nhân là do gia súc, gia cầm từ các nơi đến bán ở chợ, mầm mống dịch bệnh lây lan từ đó. Để hạn chế được dịch bệnh gia súc, gia cầm, hiện nay chợ dinh đang được dự án WB (Sở Nông nghiệp - PTNT thực hiện) tài trợ với số vốn 1,6 tỷ đồng. Dự án xây dựng lò giết mổ tập trung và 36 bàn bán thịt trong nhà. Đến thời điểm này, dự án đã xây dựng xong khu nhà bán thịt, và đang tiến hành xây dựng một số hạng mục khác.

Người ta thường nói, muốn tìm hiểu về đời sống, văn hóa và tập tục của một vùng đất, một miền quê nào đó thì cứ đến chợ. Vì chỉ có ở chợ, nhiều hiện thực cuộc sống, ứng xử, ngôn ngữ, sản phẩm mới được bộc lộ một cách chân thực, sống động và hồn nhiên nhất. Chợ Dinh chính là hình ảnh khắc họa phản ánh nét đặc trưng riêng của vùng đất Yên Thành!

Bài, ảnh: Xuân Hoàng