Nhân rộng những mô hình kinh tế vườn đồi

27/11/2013 09:28

(Baonghean) - Đó là ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường trong cuộc làm việc với huyện Thanh Chương ngày 25/11. Được đánh giá là địa bàn trung du đất rộng, người đông, Thanh Chương có thế mạnh để phát triển kinh tế tổng hợp vườn đồi. Thực tế, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình có hiệu quả, tạo tiền đề nhân rộng trong nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và từng bước vươn lên khá, giàu.

Gia đình chị Hoàng Thị Nhung ở xóm 13, xã Thanh Mỹ nổi tiếng với mô hình chăn nuôi tổng hợp, trồng các loại cây ăn quả trên diện tích gần 2 ha đồi dốc. Những năm qua, vợ chồng chị Nhung đã “mày mò” tìm được hướng đi thích hợp. Đó là trồng rừng trên đỉnh đồi, lưng chừng đồi trồng các loại cây ăn quả, khoanh vùng nuôi trên 2000 con gà, hàng trăm con bồ câu, hàng chục con lợn rừng. Còn phía dưới, tận dụng khe nước, hốc chọ xây ao nuôi cá, ba ba. Ba năm gần đây, mô hình kinh tế của gia đình chị ổn định qui mô và đem về trên 400 triệu đồng mỗi năm. Để có được khởi sắc này, bên cạnh lấy ngắn nuôi dài, tích trữ nguồn vốn, chị Nhung tập trung trồng, chăn nuôi những cây, con phù hợp với địa bàn, khí hậu.

Chị Nhung cho biết: “Khi mới triển khai xây dựng trang trại, hễ cứ nghe tin ở mô có mô hình kinh tế phát triển là đến tham quan học hỏi. Có những chuyến, hai vợ chồng rong ruổi nhiều ngày đến các vùng Yên Thành, Quỳnh Lưu và cả các xã, huyện của tỉnh Hà Tĩnh để tìm hiểu cách làm hiệu quả. Sau những chuyến đi như thế, cùng với đọc thêm sách kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, cả gia đình bắt tay thực hiện trên mảnh đất của mình…”. Chồng chị Nhung, anh Trần Công Sơn chia sẻ: “Tôi là sỹ quan nghỉ hưu 3 năm nay. Mô hình này chủ yếu do bà xã gây dựng. Mình nghỉ hưu về giúp sức. Nghề chăn nuôi phải kỳ công như việc nuôi gà đồi, mình phải tích cực tìm giống gà cỏ phù hợp, tăng cường phòng tránh bệnh. Muốn chăn nuôi có hiệu quả, không có cách nào khác là phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh…”.

Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác thăm mô hình sản xuất luân canh hoa màu ở xóm Hồng - Thanh Lĩnh - Thanh Chương.
Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác thăm mô hình sản xuất luân canh hoa màu ở xóm Hồng - Thanh Lĩnh - Thanh Chương.

Còn đối với gia đình ông Vi Tuyền Quynh - ở bản Tân Lập, xã Thanh Sơn là một trong những điển hình tiên tiến của đồng bào Thái khi tái định cư từ Thủy điện Bản Vẽ về Thanh Chương. Năm nay đã hơn 73 tuổi, nhưng ông Quynh còn khỏe lắm, thoăn thoát dẫn chúng tôi lên đồi chè để giới thiệu. Trong vòng 7 năm về định cư ở Thanh Sơn, ông Quynh đi đầu, gương mẫu trong việc tìm hiểu địa bàn để tìm hướng phát triển kinh tế. Và cây chè nguyên liệu được ông lựa chọn. Cùng với sự hỗ trợ giống, kỹ thuật của ngành Nông nghiệp, gần 1 ha chè đã cho thu hoạch ổn định, ông phấn khởi lắm. Bản thân ông được tôn vinh là già làng, người có uy tín. Chính vì vậy, khi thấy mô hình chè của ông xanh tốt, cho nhiều búp, các gia đình khác từng bước làm theo.

Ông Quynh còn vận động một số hộ loại bỏ các loại cây hiệu quả kinh tế thấp sang trồng chè. Đến nay, 50/53 hộ của bản tham gia trồng chè, hình thành nên vùng nguyên liệu trên vùng đất mới. Khi được hỏi về khu tái định cư mới, cuộc sống như thế nào? Ông khẳng định chắc chắn: “Mới đầu, một số người kêu ca nhưng tôi thì thấy thuận lợi hơn chỗ cũ. Bây giờ, mọi người đã quen với vùng này rồi và tu chí làm ăn. Tôi đang bàn với một số hộ sắp tới phát triển nuôi gà đồi, tăng thêm thu nhập. Qua tìm hiều, tôi thấy, con gà vẫn hợp với vùng này và dễ tiêu thụ…”. Nói chuyện với già Quynh, đồng chí Nguyễn Xuân Đường mong muốn ông phát huy vai trò, uy tín của già làng để cùng với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục vận động đồng bào tái định cư đẩy mạnh phát triển kinh tế, trồng các loại cây, nuôi gia súc, gia cầm để nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững.

Do đặc thù là vùng trung du, bán sơn địa nên trong cơ cấu phát triển kinh tế của huyện Thanh Chương, nông - lâm nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với trên 34%. Những năm qua, việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi đã góp phần nâng cao năng suất, giá trị trên đơn vị diện tích. Ước tính, kết thúc sản xuất nông nghiệp năm 2013, toàn huyện đạt gần 110 nghìn tấn lương thực có hạt, bằng 102,5% kế hoạch, tăng 2.699 tấn so với năm 2012. Chăn nuôi tăng trưởng khá theo hướng hàng hóa, với đàn trâu, bò 73.209 con, lợn 110.349 con (tăng 4.498 con so với năm ngoái), đàn gia cầm trên 1,7 triệu con. Toàn huyện có 270 trang trại, gia trại đang phát huy hiệu quả tích cực cùng với nhiều mô hình kinh tế vườn đồi được hình thành, tạo chuyển biến từ các vùng dân cư.

Ông Nguyễn Hữu Vinh - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Có một giai đoạn, nhân dân Thanh Chương cũng như một số huyện khác loay hoay với việc tìm hướng phát triển kinh tế trên vườn đồi. Trên chục nghìn ha rừng trồng, chủ yếu là keo sau 5-7 năm trồng đã không đem lại hiệu quả kinh tế như mong đợi; nhiều diện tích đất chưa phát huy hiệu quả. Nhưng nay, các hướng đi đã từng bước được xác định. Do thị trường tiêu thụ không ổn định, chính quyền và người dân chủ trương đẩy mạnh phát triển theo mô hình gia trại, trang trại tổng hợp. Bên cạnh hỗ trợ người dân về kỹ thuật canh tác, huyện cùng các ngành đang phối hợp với các đơn vị TNXP, công ty chè, các doanh nghiệp… để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp”.

Quá trình xác định cây, con trọng điểm, nông dân huyện Thanh Chương chú trọng các loài có thế mạnh, được thị trường ưa chuộng. Đó là đẩy mạnh chăn nuôi gà đồi và hướng tới xây dựng thương hiệu riêng. Hay như việc nhân rộng diện tích trám đen, chè nguyên liệu, cam, tiêu… và gần đây, các mô hình luân canh bí xanh, đậu, dưa đỏ, dưa chuột… trên đất pha ven đồi đang hứa hẹn hướng phát triển khả quan. Tại nhiều vùng, người dân duy trì được giống dưa chuột bản địa, ứng dụng khoa học kỹ thuật thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao. Vài ba năm nay, toàn thôn Hồng, xã Thanh Lĩnh đã cùng nhau trồng dưa chuột bản địa. Loại dưa này quả thon, có gai mềm, thơm ngọt và phù hợp với thời tiết thu - đông, được người tiêu dùng ưa chuộng, dễ tiêu thụ. 3 năm nay, hàng chục tấn dưa chuột ở thôn Hồng được thương lái đặt trước nên bà con phấn khởi đầu tư tăng năng suất.

Ông Nguyễn Văn Trường - Trưởng thôn Hồng cho hay: “Nhà tôi neo người, đất ven đồi chỉ có hơn chục thước, khoảng 350m2. Trung bình mỗi năm, trên diện tích này, trồng dưa và bí xanh đã cho thu nhập trên 30 triệu đồng. Thu nhập ổn định từ các loại cây này đã đem đến sự đổi thay đời sống cho nhân dân trong thôn…”.

Qua kiểm tra thực tế các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp ở các xã Thanh Lĩnh, Thanh Mỹ, Thanh Sơn, đồng chí Nguyễn Xuân Đường hoan nghênh những cách làm hiệu quả của nhân dân. Đồng chí cũng lưu ý với lãnh đạo, các ban, ngành của huyện chú trọng khuyến khích người dân nhân rộng những mô hình kinh tế gia trại, trang trại, vườn đồi. Sự phát triển bền vững của các mô hình này ở các xã chính là hạt nhân quan trọng ở địa phương để từ đó nhân ra diện rộng. Nông nghiệp vẫn là nền tảng quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực, làm tiền đề vững chắc cho các lĩnh vực khác phát triển. Vì vậy, huyện cần phối hợp chặt chẽ với các ngành cấp tỉnh, xây dựng chính sách hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, tích cực đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Nguyên Sơn