Quản lý thủy sản trong giai đoạn chuyển mùa

26/11/2013 09:57

(Baonghean) - Mùa mưa là giai đoạn người nuôi trồng thuỷ sản gặp nhiều khó khăn nhất, hầu hết các ao nuôi đều xảy ra hiện tượng thủy sản bị shock, tỷ lệ chết khá cao gây thiệt hại về sản lượng. Ngoài ra trong mùa mưa sẽ là điều kiện thuận lợi để nhiều loại ký sinh trùng như ngoại ký sinh, nội ký sinh, nấm và vi khuẩn như Aromonas, Vibrio, Streptoloclus,... phát triển.

Trong mùa mưa, các ao nuôi thủy sản thường xuất hiện một số bệnh nhiễm khuẩn và các bệnh ký sinh trùng, do vậy bà con cần định kỳ diệt khuẩn để loại bỏ một số vi khuẩn cơ hội gây bệnh. Để hạn chế bớt dịch bệnh trên thủy sản, người nuôi cần tuân thủ tốt một số yêu cầu kỹ thuật sau đây và thực hiện đúng các phương pháp và kỹ thuật phòng bệnh cho thủy sản trong giai đoạn chuyển mùa sẽ góp phần hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra.

+ Vệ sinh sạch ao nuôi trước khi thả: Dọn sạch cỏ rác quanh ao; vét bùn đáy ao; lấp hết các lỗ, hang hốc, tu sửa quanh bờ ao; bón vôi để tiêu diệt mầm bệnh, ổn định pH và diệt tạp.

+ Chọn loài thủy sản nuôi phù hợp: Để chọn được loài thủy sản nuôi thích hợp với điều kiện từng gia đình cần phải kiểm soát được các vấn đề sau:

- Thức ăn: Khả năng cung cấp thức ăn là thức ăn công nghiệp hay thức thức ăn tự chế, thức ăn tươi sống...

- Mục đích sử dụng: Nuôi để kinh doanh hay nuôi để phục vụ nhu cầu đời sống.

- Tùy từng vùng sinh thái khác nhau mà chọn loài thủy sản nuôi cho phù hợp. Ví dụ vùng khó thay nước hay mô hình VAC có thể nuôi cá trê, tra...; vùng mặn lợ có thể nuôi cua, cá vược…; vùng phèn có thể nuôi cá rô đồng, sặt rằn, trê...

Từ đó mà người dân có thể chọn loài thủy sản nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình mình để có thể tận dụng hết những tiềm năng sẵn có.

Chọn kích cỡ giống thả phải đồng đều.
Chọn kích cỡ giống thả phải đồng đều.

TIN LIÊN QUAN

+ Chọn con giống thả nuôi: Chọn giống tốt, không mang mầm bệnh, kích cỡ tương đối đều cỡ, màu sắc sáng đẹp, bơi lội nhanh nhẹn, phản ứng nhanh, không bị dị hình, dị tật, không trầy xước,... Trước khi thả giống nên tắm giống qua các dung dịch sát trùng như: nước muối 2-3% trong 5-10 phút (đối với thủy sản nước ngọt), Formoll hoặc nước ngọt (đối với thủy sản nuôi mặn lợ)và trong quá trình tắm phải theo dõi tình trạng sức khỏe của thủy sản.

+ Mật độ thả: Nên thả đúng mật độ nuôi tùy theo từng loài: Nhóm cá không có cơ quan hô hấp phụ (rô phi, mè hoa, trắm cỏ, chép, mè vinh...) thả với mật độ 2-3 con/m2; nhóm cá có cơ quan hô hấp phụ (tra, trê, tai tượng, rô đồng, sặt rằn...) thả với mật độ 5-10 con/m2; nhóm cá nuôi nước lợ (cá vược, hồng mỹ…) thả với mật độ 1-1.5 con/m2… Thả cá đúng mật độ sẽ giúp thủy sản nuôi sinh trưởng, phát triển đều, ít xảy ra dịch bệnh, rút ngắn được thời gian nuôi, đạt cỡ thương phẩm lớn bán được giá cao, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong cùng một ao có thể nuôi ghép các loài thủy với nhau để tận dụng không gian mặt nước và tất cả các loại thức ăn có trong ao. Bên cạnh đó cũng hạn chế được một số dịch bệnh.

+ Chăm sóc đúng kỹ thuật: Chế độ cho ăn phải đạt yêu cầu 4 định: Định lượng, định chất, định vị trí, định thời gian để đảm bảo cho thủy sản khỏe mạnh, ít nhiễm bệnh.

Thường xuyên bổ sung vitamin và khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.

Trong quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi hoạt động của thủy sản để có biện pháp xử lý kịp thời khi mới bắt đầu xuất hiện bệnh.

Có chế độ thay nước theo đúng định kỳ. Mực nước trong ao phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn cho từng đối tượng nuôi, các yếu tố thủy lý, thủy hóa (pH, nhiệt độ, độ trong, độ măn, hàm lượng oxy hòa tan…) phải đảm bảo.

+ Phòng bệnh cho thủy sản giai đoạn giao mùa: Vào mùa mưa, nhất là giai đoạn chuyển mùa nắng sang mưa, ao rất dễ bị xì phèn làm pH nước ao giảm thấp; pH thay đổi đột ngột như vậy làm cho thủy sản bị sốc sẽ giảm sức đề kháng và mầm bệnh dễ dàng có cơ hội xâm nhập vào cơ thể. Nên phòng bằng cách: Định kỳ dùng vôi rải xung quanh bờ ao hoặc đào rãnh xung quanh bờ ao rải vôi vào rãnh để ngăn nước mưa mang phèn và chất dơ bẩn từ trên bờ ao xuống. Đồng thời, tạt nước vôi đều khắp ao để ổn định pH nước và phòng bệnh cho thủy sản. Tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi.

Vũ Xuân Nam

(Trạm KN TP. Vinh)