Lịch sử Ngày phụ nữ Việt Nam

20/10/2013 19:07

(Baonghean.vn) - Ngày Phụ nữ Việt Nam là một ngày lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh phụ nữ, được tổ chức vào ngày 20 tháng 10 hàng năm. Vào dịp này, phụ nữ được nhiều người bày tỏ sự quan tâm và tôn vinh dưới nhiều hình thức.

Phụ nữ Việt Nam vốn sinh ra trong nền văn minh nông nghiệp nên đã trở thành lực lượng lao động chính. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn bị kẻ thù xâm lược, đời sống nhân dân lại nghèo khổ, nên người phụ nữ Việt Nam có bản sắc phong cách riêng: họ là những chiến sĩ chống ngoại xâm kiên cường dũng cảm; là người lao động cần cù, sáng tạo, thông minh; là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hoá dân tộc; là những người mẹ dịu hiền, đảm đang, trung hậu đã sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng.

Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nhất nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, đông đảo phụ nữ đã tham gia phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du; nhiều phụ nữ đã tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai, ...

Từ năm 1927, những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ tham gia như: Công hội Đỏ, Nông hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ.

Năm 1927, nhóm các chị Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thủy là ba chị em ở làng Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh) tham gia Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Các chị tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề đăng ten và học chữ.

Nhóm chị Thái Thị Bôi có các chị Lê Trung Lương, Nguyễn Thị Hồng, Huỳnh Thuyên tham gia sinh hoạt ở trường nữ Đồng Khánh.

Năm 1928, nhóm các chị Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An tham gia sinh hoạt hội đỏ của Tân Việt. Nhóm này liên hệ với chị Xân, chị Thiu, chị Nhuận, chị Liên thành lập tờ Phụ nữ Giải phóng ở Vinh (Nghệ An).

Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.

Thời kỳ 1930-1936, tổ chức Phụ nữ Giải phóng dần hình thành, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia vào cao trào đấu tranh cách mạng mà điển hình là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tổ chức đã tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế, đòi cải thiện đời sống, chống áp bức của đế quốc phong kiến. Tổ chức đã giác ngộ và động viên đông đảo chị em tham gia biểu tình hưởng ứng cuộc đấu tranh của công nhân Bến Thủy. Trong phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã có 12.946 chị tham gia Phụ nữ Giải phóng, cùng nhân dân đấu tranh thành lập chính quyền Xô viết ở trên 300 xã. Hoạt động dũng cảm của phụ nữ đã góp phần to lớn vào việc xây dựng chính quyền Xô Viết và đẩy mạnh phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh. Ngày 1/5/1930, chị Nguyễn Thị Thập đã tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh của hơn 4.000 nông dân ở hai huyện Châu Thành, Mỹ Tho, trong đó có hàng ngàn phụ nữ tham gia. Hưởng ứng cuộc đấu tranh ở Nghệ Tĩnh, chị em tỉnh Quảng Ngãi cũng lập ra nhiều chi hội Phụ nữ Giải phóng ở một số huyện.

Thời kỳ 1936-1938, trước yêu cầu của cách mạng, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 8/1937 về công tác vận động phụ nữ đặt ra nhiệm vụ chống phát xít, chống chiến tranh bằng hình thức công khai, hợp pháp. Vì vậy, tổ chức cách mạng của phụ nữ được đổi thành Hội Phụ nữ Dân chủ. Hội đã tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng về giải phóng phụ nữ, nam nữ bình đẳng và tổ chức các hoạt động gắn với tính chất ngành nghề của phụ nữ để đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi quyền lợi cho phụ nữ như: Hội Ái hữu, Hội Truyền bá quốc ngữ.

Thời kỳ đoạn 1939-1941, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ; Đảng chủ trương “Vận động phụ nữ tổ chức các hội phụ nữ phản chiến, các hội cứu tế, bảo an, để giúp đỡ nhau... chống đế quốc chiến tranh, đòi hoà bình”. Để phù hợp với tình hình, Hội lấy tên là Hội Phụ nữ Phản đế. Hội đã vận động chị em tham gia mít tinh, biểu tình, lập các hội cứu tế, bảo an, tham gia chống bắt lính với khẩu hiệu chống đế quốc chiến tranh, đòi hoà bình, đòi bồi thường chiến tranh.

Thời kỳ 1941-1945, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc đã vận động các tầng lớp phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh, gia nhập các đoàn thể cứu quốc đánh Pháp, đuổi Nhật, xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng. Phụ nữ là lực lượng hùng hậu, đóng góp lớn vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.

Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất tại Đại Từ, Thái Nguyên, tháng 4/1950.
Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất tại Đại Từ, Thái Nguyên, tháng 4/1950.

 Bác Hồ và đại biểu phụ nữ dân tộc ít người tại Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3-1961
Bác Hồ và đại biểu phụ nữ dân tộc ít người tại Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3-1961

Ngày 20 tháng 10 năm 1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chính thức được thành lập gồm nhiều đoàn thể phụ nữ trong đó Đoàn Phụ nữ Cứu quốc là tổ chức trụ cột, lãnh đạo phong trào phụ nữ trong cả nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong công cuộc giải phóng, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Để đánh dấu những sự kiện này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định chọn ngày 20 tháng 10 hằng năm làm ngày truyền thống của tổ chức phụ nữ, đồng thời cũng xem đây là ngày kỷ niệm và tôn vinh phụ nữ Việt Nam, lấy tên là "Ngày Phụ nữ Việt Nam".

Minh Đức (tổng hợp)