"Bảo tàng Louvre của Việt Nam" - Biết đến bao giờ?

14/11/2013 17:11

(Baonghean) - Có lần mình dẫn một gia đình người Pháp về Việt Nam chơi, họ nằng nặc đòi đi tham quan một loạt tất cả các bảo tàng trong thành phố không sót cái nào. Đoạn, họ lấy làm ngạc nhiên: Vì sao trong giờ làm việc mà đóng cửa, tắt đèn, nhân viên đi đâu không biết? Vì sao bảo tàng ở mình vào cửa miễn phí mà vắng tanh như chùa bà Đanh, còn ở nước họ nhiều bảo tàng phải mua vé hẳn hoi mà khách xếp hàng vào xem đông nghìn nghịt? Vì sao và vì sao?

Văn hoá bảo tàng là văn hoá 2 chiều, có chiều truyền đạt và chiều lĩnh hội (như các loại văn hoá truyền thông đại chúng khác). Vấn đề thâm căn cố đế của văn hoá bảo tàng ở Việt Nam không của riêng gì người xem mà của cả người tổ chức. Trước nhất, phải công nhận rằng sự đầu tư vào các bảo tàng vẫn còn khiêm tốn. Hiện trạng này phản ánh rõ nhất ở khâu bảo trì hiện vật cũng như cơ sở vật chất trưng bày. Đáng ra việc xây dựng cơ sở vật chất phải bài bản từ khâu thiết kế cho đến khâu bảo trì: có nghĩa là hiện vật được trưng bày thuộc thể loại gì, cần có điều kiện trưng bày gì đặc biệt không? Ví dụ, nếu là tranh vẽ thì cần điều kiện chiếu sáng ra làm sao, điều kiện nhiệt độ như thế nào; nếu là cổ vật, đồ gốm sứ, thuỷ tinh hay là tiêu bản sinh vật sống thì cần thích nghi những điều kiện nào để đảm bảo mẫu vật luôn trong tình trạng bảo quản tối ưu? Xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị là một chuyện, bảo trì lại là một chuyện khác.

Để làm được điều này, cần có nhân lực đủ chuyên môn, mà yếu tố này có vẻ như không phải bảo tàng nào ở Việt Nam cũng đạt tiêu chuẩn... Khi nước sơn đã tốt rồi thì gỗ cũng phải tốt, thử nhìn xem bảo tàng của chúng ta trưng bày những thứ gì? Thường thì số lượng và chủng loại mẫu vật tại các bảo tàng còn nghèo nàn, hạn chế, thông tin chú thích sơ sài, khô khan không gây ấn tượng gì với người tham quan. Đã không đa dạng về số lượng thì chớ, nội dung trưng bày qua thời gian cũng không mấy thay đổi, bổ sung thêm nên không hấp dẫn được người xem, hoặc giả đến xem 1 lần chứ không có lần 2, lần 3.

Vì không hấp dẫn nên không được công chúng quan tâm là điều dễ hiểu. Nhưng cũng có thể lật ngược lại vấn đề, vì người Việt mình không có thói quen đi xem bảo tàng, hay nói cách khác là chưa xây dựng được văn hoá bảo tàng trong ý thức cộng đồng nên xã hội chưa dành nhiều quan tâm, ưu ái đến việc nâng chất lượng bảo tàng. Văn hoá bảo tàng được người nước ngoài xây dựng theo phương pháp khá tự nhiên mà hiệu quả, đó là phương pháp kế thừa và hoà nhập. Kế thừa là xây dựng thói quen đi tham quan bảo tàng ngay trong cái nôi gia đình, con cái được bố mẹ dẫn đi tham quan bảo tàng, được bố mẹ giải thích, thuyết minh, khiến cho việc đi bảo tàng không nặng nề, cứng nhắc mà ấm cúng như một buổi đi chơi thư giãn cuối tuần. Lợi cả đôi đường, con cái tiếp thu kiến thức nhẹ nhàng, bố mẹ được dịp bổ sung kiến thức để... làm gương cho con cái.

Hoà nhập tức là khéo léo đan cài các buổi triển lãm vào các sinh hoạt của cộng đồng. Ví dụ, trong chương trình dạy học có thể gợi ý học sinh đến bảo tàng tìm tài liệu làm bài, hoặc yêu cầu học sinh đến dự một buổi triển lãm nào đó đang diễn ra (có liên quan đến nội dung đang học). Cách này được các trường học (từ bậc phổ thông cho đến đại học) ở nước ngoài áp dụng khá thường xuyên và hiệu quả, đến nỗi tại một buổi triển lãm nhiếp ảnh gần đây ở Paris quy tụ sinh viên của gần như tất cả các trường đại học về truyền thông, báo chí và nghệ thuật của Paris! Một cách khác để các triển lãm hoà nhập vào đời sống cộng đồng là quần chúng hoá hình thức trưng bày, thay vì tổ chức triển lãm trong nhà thì có thể tổ chức triển lãm ngoài trời. “Chơi sang” thì quy hoạch diện tích dành riêng cho triển lãm, “tiết kiệm” thì tổ chức những diện tích tạm thời, trong khuôn viên của một công viên, quảng trường đông người lui tới...

Bảo tàng hay triển lãm là nơi lưu giữ, trưng bày những giá trị văn hoá, nói cách khác là tấm gương phản chiếu bề dày lịch sử, văn hoá và tiến trình phát triển của một cộng đồng. Vậy thì có lẽ nào một dân tộc vốn tự hào lịch sử mấy ngàn năm văn hiến lại trưng ra bộ mặt văn hoá nghèo nàn cho bạn bè quốc tế thưởng ngoạn? Hơn hết, một cộng đồng phải học cách tôn trọng những giá trị riêng của mình trước khi hướng tới những giá trị bên ngoài, hay tham vọng hơn là muốn các luồng tư tưởng bên ngoài thừa nhận và tôn vinh mình. Nếu không được người Pháp tung hô như một bảo vật văn hoá quốc gia, hẳn bảo tàng Louvre đã chẳng bao giờ có dịp được cả thế giới biết tên và ngưỡng mộ!

Hải Triều (Email từ Paris)