Hàng giả, hàng nhái tràn ngập các chợ nông thôn

10/12/2013 12:26

(Baonghean) - Càng về dịp cuối năm, các loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu và không rõ nguồn gốc lại càng ồ ạt tràn về các chợ nông thôn miền núi. Người dân đang trở thành nạn nhân của hàng giả hàng kém chất lượng.

Chợ Thị xã Thái Hòa là chợ đầu mối thường xuyên cung ứng các loại hàng hóa cho một số huyện miền Tây Bắc xứ Nghệ như các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong. Tại các ki ốt tràn ngập hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, đặc biệt là mỹ phẩm giá rẻ đến khó tin. Chị Trần Thị L, một chủ quầy mỹ phẩm đon đả: Ở đây mỹ phẩm loại gì cũng có, từ “hàng hiệu” cho đến hàng bình dân. Tôi nói muốn mua hàng bình dân để bán ở thị trường miền núi thì chị L chẳng giấu giếm: Ở đây nhiều nhất là son môi Trung Quốc nhái hàng Việt Nam, và hàng Trung Quốc giá “bèo”. Chị L lục lọi trong đống hàng và đưa ra rất nhiều tuýp son môi loại THEFACESHOP, net 1.3g0 06 FL OZ vỏ màu xanh biếc, phía sau nhãn mác toàn chữ Trung Quốc. Chị L nói, cũng loại hàng này nếu hàng Tàu thì giá chỉ 40.000 đồng/tuýp, hàng Thái 60.000 đ/tuýp. Hỏi nguồn hàng mỹ phẩm lấy ở đâu thì chị L lấp lửng nói lấy ở đại lý lớn ở Hà Nội. Chúng tôi thấy tại nhiều hàng mỹ phẩm bao bì in ấn sắc nét, nếu nhìn bằng mắt thường rất khó phân biệt đâu là thật đâu là giả.

Mặt hàng áo quần, tất chân của Trung Quốc tràn lan ở Thị xã Thái Hòa.
Mặt hàng áo quần, tất chân của Trung Quốc tràn lan ở Thị xã Thái Hòa.

Tại chợ Thị xã Thái Hòa còn loạn các mặt hàng gia vị và hương liệu phục vụ nội trợ, và phần lớn các loại gia vị và hương liệu đều là hàng trôi nổi có nhãn mác Trung Quốc. Tại quầy hàng của chị Hương, chúng tôi thấy bày bán la liệt gồm gia vị ướp bò kho, ngũ vị hương, cà ri bơ… mỗi gói chỉ 2.000 đồng. Chị Hương kể: Gia vị và hương liệu mới ra của Tàu này có hương vị rất thơm, có thể sử dụng cho các quán ăn rất tiện lợi, bỏ vào bún riêu, bún chả, bún cua, kể cả nước lèo nấu lẩu sẽ cho mùi vị thơm rất đặc trưng. Cũng gần chợ Thị xã Thái Hòa hơn 3 tháng nay “mọc” lên một chợ quần áo, chăn, ga ven đường, do giá cả “siêu rẻ” nên khách tứ xứ đổ về mua hàng gây ách tắc giao thông.

Mặt hàng người dân chuộng nhất là ga và gối, 1 tấm ga trải nệm nếu bán tại các đại lý ở thành phố có giá từ 600.000-800.000 đồng, nhưng tại đây chỉ bán với giá từ 60.000 - 80.000 đồng, còn được khuyến mại thêm 1 chiếc gối. Chúng tôi quan sát thấy mặt hàng ga trải nệm và gối đều không có nhãn mác xuất xứ. Bà chủ hàng lý giải đơn giản rằng: Đây là hàng may gia dụng nên không có nhãn mác. Tại đây đồ áo quần của người lớn và trẻ nhỏ chủ yếu hàng Tàu, giá một chiếc áo ấm trẻ con 80.000 đ/chiếc, đặc biệt là tất chân được bán theo “lố”, mỗi “lố” 5 đôi tất chỉ 30.000 đồng, trong khi giá ngoài 50.000 đ/đôi tất. Chị Nguyễn Thị Minh ở Nghĩa Hội-Nghĩa Đàn kể: “Người dân chúng tôi điều kiện còn khó khăn nên cứ rẻ là mua thôi, chứ chúng tôi không quan tâm đến nhãn mác và nguồn gốc”.

Ông Nguyễn Văn Hải-Trưởng phòng Kinh tế Thị xã Thái Hòa cho biết: Địa bàn Thị xã Thái Hòa giao thông thuận lợi nên các mặt hàng nhái, hàng giả và không rõ nguồn gốc khá nhiều, nhất là các mặt hàng bánh kẹo, rượu, hóa mỹ phẩm, áo quần. Tuy nhiên việc kiểm tra xử lý chưa được nhiều, từ đầu năm đến nay thị xã thành lập đoàn liên ngành phối hợp với quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, xử lý trên 20 vụ vi phạm hàng nhái, hàng giả vào các dịp giáp tết và dịp giáp trung thu.

Ngược lên chợ Thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu), chúng tôi vào một đại lý bán hàng nồi cơm điện. Các chủng loại nồi cơm điện ở đại lý này phong phú, đa dạng hàng Việt, Nhật, Thái, Trung Quốc với các nhãn hiệu Sharp liên doanh hàng Việt Nam-Nhật Bản với quảng cáo dán ngoài nồi là “số 1 Việt Nam”. Tôi hỏi mua chiếc nồi cơm điện hãng Sharp với giá 1,2 triệu đồng, bà chủ quán mở nắp lấy ra tem chống hàng giả Tôi kiểm tra thấy không chỉ có tem chống hàng giả mà còn có cả phiếu bảo hành (dành riêng cho sản phẩm điện gia dụng nhà bếp được nhập khẩu bởi Công ty Sharp Việt Nam).

Tuy nhiên bà chủ quán lại cho biết: “Có phiếu bảo hành nhưng không được bảo hành đâu, nồi hư hỏng thì cứ đưa đến đây, chồng tôi làm nghề sửa điện lạnh, lo gì”. Sát đó là hàng điện tử, loa máy, chảo… chủ yếu của Trung Quốc, giá 1 chảo “lậu” 400.000 đồng. Tại các quầy bánh kẹo số lượng người mua khá nhiều, chủ yếu bà con dân bản vùng sâu mua sỉ về bán lại. Mặt hàng bánh Chocopie hàng thật có giá 50.000đ/gói, trong khi loại rởm chỉ 25.000 đ/gói. Bà Vi Thị Son ở Diên Lãm (Quỳ Châu) tâm sự: “Chúng tôi chủ yếu mua bánh kẹo loại rẻ từ 20.000 đ/gói trở xuống về cũng dễ bán vì người dân miền núi còn khó khăn”. Qua theo dõi, chúng tôi thấy hầu hết bà con cứ thích hàng càng rẻ càng tốt không quan tâm đến vấn đề chất lượng.

Theo bà Lê Thị Ngọc - Phó phòng Công thương Quỳ Châu thì mặt hàng giả, hàng nhái đang “tấn công” vùng cao gồm nhiều mặt hàng đồ điện tử, đồ nhựa, áo quần, nước giải khát và bánh kẹo. Tuy nhiên chúng tôi mới chỉ kiểm tra được phần tem, nhãn mác, còn kiểm tra chất lượng rất khó khăn, cần phải có cơ quan chuyên môn kiểm định. Đoàn liên ngành huyện kiểm tra 43 cơ sở, có 14 cơ sở vi phạm, chủ yếu là hàng quá hạn sử dụng và hàng vi phạm nhãn mác, tiêu hủy trên 8 kg bánh kẹo. Mới đây, Đội cảnh sát Giao thông 1-48 còn còn bắt được Phạm Công Tuấn, sinh năm 1980, ở Hưng Thịnh, Hưng Nguyên điều khiển xe vận tải biển kiểm soát 37C-07406 chở 83 đầu chảo kỹ thuật số và 3 âm ly do Trung Quốc sản xuất không có giấy tờ lên Quỳ Châu bán.

Việc tẩy chay hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xem ra nan giải, bởi ngay cả người tiêu dùng dù cẩn thận và có ý thức đến mấy cũng chẳng thể nào phân biệt được thật - giả, huống hồ người dân miền núi dân trí hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn nên càng tạo điều kiện cho hàng giả, hàng nhái có đất sống. Người tiêu dùng mong Nhà nước cần ra chế tài xử lý thật nghiêm minh những vi phạm mang lại quyền lợi công bằng cho người tiêu dùng.

Văn Trường