Chế độ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật: Chưa xứng với nhiệm vụ

10/12/2013 14:39

(Baonghean) - Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, về cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, về chế độ thù lao, chính sách đãi ngộ đối với báo cáo viên còn nhiều bất cập...

Gặp ông Nguyễn Đức Thuận, Trưởng phòng Tư pháp huyện, kiêm báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh đúng dịp ông đang chuẩn bị tài liệu cho Hội nghị tập huấn văn bản pháp luật mới tại địa bàn huyện Quế Phong. Trên bàn làm việc của ông tài liệu chất đống, có những cuốn sách tưởng chừng như chẳng liên quan đến nhau thế nhưng với ông đó là những cuốn cẩm nang để hoàn thành tốt nhiệm vụ báo cáo viên pháp luật. Đề cương được ông phân thành 3 loại, một loại để cấp phát cho người học, một loại là đề cương, tư liệu riêng của bản thân để thuyết trình, và một loại nữa là tài liệu để trình chiếu.

Ông Hoàng Văn Cương (thứ 2 từ phải sang), báo cáo viên pháp luật  huyện Nghi Lộc đi thực tế  địa bàn chuẩn bị tư liệu cho bài giảng.
Ông Hoàng Văn Cương (thứ 2 từ phải sang), báo cáo viên pháp luật huyện Nghi Lộc đi thực tế địa bàn chuẩn bị tư liệu cho bài giảng.

Theo ông Nguyễn Đức Thuận, báo cáo viên không phải là người nói lại, đọc lại văn bản pháp luật mà thực sự phải đọc kỹ, tìm hiểu, nghiên cứu rất nhiều văn bản liên quan rồi biên soạn bài giảng sao cho dễ hiểu, phù hợp với đối tượng. Ngoài việc thông qua Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Luật Lao động,... báo cáo viên phải vận dụng rất nhiều ví dụ, đó là những tình huống sinh động, gắn liền với công việc, xảy ra trong cuộc sống hàng ngày để người nghe hình dung rõ về các quy định của từng điều luật, từ đó định hướng được thế nào là đúng, thế nào là sai... Để có được một buổi báo cáo, thời gian chuẩn bị tài liệu cũng mất vài tuần, trong đó khâu chuẩn bị tài liệu, đề cương mất nhiều thời gian nhất.

Để tài liệu bảo đảm tính sinh động, hấp dẫn, ông dành khá nhiều thời gian cho việc sưu tầm tư liệu, từ những câu chuyện đến hình ảnh thực tế, video clip,… Sau công đoạn chuẩn bị, báo cáo viên phải tập thuyết trình trước để tính thời gian, xem nội dung và quy trình nói có thuyết phục, dễ hiểu không,… Tuyên truyền cho đối tượng là thủ trưởng các ban, ngành cấp huyện, trưởng, phó các phòng, ban chuyên môn; UBND huyện, lãnh đạo và cán bộ tư pháp - hộ tịch các xã, thị trấn còn đỡ vất vả. Còn đi về cơ sở, trình độ hiểu biết của người dân không đồng đều, nhất là vùng đồng bào Mông, Khơ Mú đòi hỏi báo cáo viên phải thuyết trình sao cho bà con dễ hiểu, dễ nhớ để bà con thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng Tư pháp TX Thái Hòa, báo cáo viên cấp tỉnh, cho rằng: Để có một bài thuyết trình tốt phải có nội dung đúng chủ đề, phong phú các hình ảnh, dữ liệu minh chứng cho các ý thuyết trình và phải được thể hiện đầy đủ, chính xác và hấp dẫn. Muốn vậy, báo cáo viên phải rất tỉ mỉ, chi tiết ở khâu lập đề cương cũng như tích cực luyện tập để tìm ra cách trình bày, thể hiện sao cho logic và thuyết phục nhất. Còn ông Hoàng Văn Cương, Phó Chủ tịch MTTQ, báo cáo viên pháp luật huyện Nghi Lộc cho biết: Là địa bàn có đồng bào theo đạo chiếm gần 25% dân số, vì vậy việc chuyển tải các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề tôn giáo tín ngưỡng là một nhiệm vụ quan trọng, tuy nhiên, tuyên truyền sao để người dân nghe, làm theo mới là khó. Đơn cử như để chuyển tải tinh thần Nghị định 92 về hướng dẫn thực hiện pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, thay thế cho Nghị định 22/CP. Trước tiên phải mày mò nghiên cứu tài liệu, soạn thảo đề cương, tiếp đó phải thu thập thông tin tình hình cơ sở để có liên hệ thực tiễn, từ đó mới vận dụng vào các quy định để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về hoạt động tôn giáo. Công phu là vậy nhưng một buổi giảng, báo cáo viên chỉ nhận được 150.000- 200.000 đồng.

Đó cũng là thắc mắc chung của các báo cáo viên cấp tỉnh, cấp xã mà chúng tôi đã tiếp xúc. Hầu hết đều cho rằng, kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế nên khó tổ chức được nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đông đảo cán bộ, nhân dân. Các báo cáo viên pháp luật phải mất nhiều thời gian để biên soạn lại tài liệu nhưng tần suất sử dụng lại không nhiều, có khi chỉ dùng 1 lần; mức thù lao chi cho báo cáo viên pháp luật theo Thông tư số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14/5/2010 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính chỉ 200.000 đồng/buổi nên chưa thực sự khuyến khích, động viên các báo cáo viên nhiệt tình với công việc.

Lực lượng báo cáo viên có nhiệm vụ tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới người dân. Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14/5/2010 của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật quy định thù lao đối với báo cáo viên tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh 200.000 đồng/người/buổi, cấp huyện 140.000 đồng/người/buổi chưa xứng với công sức bỏ ra, vì vậy chưa tạo được động lực để thu hút, động viên báo cáo viên đầu tư công sức, trí tuệ cho công tác này, khó thu hút những lực lượng khác như luật sư, luật gia, cán bộ, công chức, người có uy tín trong cộng đồng dân cư… tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong khi đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đòi hỏi ngày càng cao, báo cáo viên không chỉ có kiến thức chuyên môn pháp luật sâu, vững vàng mà còn phải có kiến thức thực tế, am hiểu phong tục, tập quán của các vùng, miền, kỹ năng nói và viết để tuyên truyền, phổ biến và tư vấn, giải đáp pháp luật.

Như vậy, có thể thấy, với việc hình thành đội ngũ báo cáo viên pháp luật đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, huyện, thành phố, nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật ở cơ sở. Tuy nhiên, để xây dựng được đội ngũ báo cáo viên có đủ trình độ am hiểu pháp luật, tâm huyết với công tác tuyên truyền, việc cần thiết hiện nay là cần nghiên cứu bổ sung chế độ thù lao cho đội ngũ báo cáo viên, có như vậy mới khuyến khích họ phát huy vai trò của mình.

Quảng An