Để đội ngũ giáo viên "vừa hồng, vừa chuyên"
(Baonghean) - Nghề dạy học được xã hội tôn vinh là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Khi đánh giá vai trò quan trọng của người thầy, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục…”. Xác định tầm quan trọng của người thầy, ngành giáo dục đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học. Nhân dịp kỷ niệm “Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11”, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Thái Huy Vinh - Nhà giáo ưu tú, Phó giám đốc Sở GD-ĐT.
Phóng viên: Thưa ông, ở bất kỳ giai đoạn nào, người thầy luôn đóng vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động dạy học. Vậy, thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh đã có những giải pháp nào để xây dựng đội ngũ “vừa hồng, vừa chuyên”?
Ông Thái Huy Vinh: Một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện chính là chất lượng đội ngũ giáo viên. Xác định điều đó, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng thực hiện các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, ngành đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, minh bạch chế độ thâm niên nhà giáo các cơ sở giáo dục công lập, chế độ nâng lương trước thời hạn theo quy định mới cho cán bộ, giáo viên; Chế độ cho cán bộ, viên chức công tác ở vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, công tác ở các trường chuyên biệt theo Nghị định 61/2006/NĐ-CP và Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ (như phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, hỗ trợ nước ngọt, phụ cấp chuyển vùng, chế độ tham quan học tập...). Hiện nay Sở GD&ĐT đang tích cực xây dựng và tham mưu UBND tỉnh trình và thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh chế độ đặc thù cho cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Những chính sách này đã góp phần tích cực động viên giáo viên chuyên tâm với nghề dạy học.
![]() |
Phụ huynh, học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng tặng hoa chúc mừng cô giáo nhân ngày 20/11. Ảnh: Sỹ Minh |
Ngoài ra, ngành còn thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, phẩm chất từ cán bộ, giáo viên. Đặc biệt chú trọng năng lực chuyên môn, đạo đức của thầy, cô giáo… Triển khai và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, kết hợp với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Chất lượng giáo viên được nâng lên rõ rệt; hiện nay 100% giáo viên các cấp học, bậc học đạt chuẩn đào tạo và hầu hết đạt chuẩn nghề nghiệp theo qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉ lệ trên chuẩn cao. Phong trào áp dụng, đúc rút và viết sáng kiến kinh nghiệm, làm đồ dùng dạy học, nghiên cứu khoa học, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phấn đấu để trở thành giáo viên dạy giỏi phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu… đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo trong thời kỳ hội nhập, phát triển.
Phóng viên: “Giáo viên cũng phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiệm vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước”. Đó là yêu cầu được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra đối với những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Vấn đề này hiện nay được ngành Giáo dục chú trọng như thế nào?
Ông Thái Huy Vinh: Để thực hiện tốt nội dung này, Sở GD&ĐT đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương trong việc tham gia chỉ đạo, theo dõi đánh giá xếp loại cán bộ, giáo viên. Ngày 8/4/2013, Sở GD&ĐT đã có Công văn gửi ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy, thị ủy đề nghị cùng phối hợp chỉ đạo, theo dõi việc tổ chức đánh giá xếp loại cán bộ quản lý các trường, trung tâm giáo dục trên địa bàn. Đồng thời đưa việc tổ chức đánh giá, xếp loại cán bộ, giáo viên, nhân viên hàng năm (đánh giá theo chuẩn và theo quy chế đánh giá cán bộ) vào nội dung thanh tra toàn diện, thanh tra, kiểm tra chuyên đề các đơn vị. Yêu cầu các giáo viên phải tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, các cuộc hội thảo do Bộ GD - ĐT tổ chức với đầy đủ thành phần, đảm bảo nghiêm túc về thời gian và chất lượng theo yêu cầu của bộ. Đồng thời, sau tập huấn ở bộ đã tổ chức triển khai các lớp bồi dưỡng ở cấp tỉnh với đầy đủ số lượng, thành phần theo quy định. Vì thế trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chất lượng và năng lực công tác, nhận thức về đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, nhà giáo ở tỉnh ta được nâng lên rõ rệt.
![]() |
Giờ tập vẽ của cô và trò Trường Mầm non Quỳnh Thiện - TX Hoàng Mai. |
Một vấn đề quan trọng nữa là khuyến khích khả năng tự học, tự nâng cao chất lượng của mỗi giáo viên, nhất là việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, liên môn; chú ý cả Tin học và Ngoại ngữ. Tăng cường bồi dưỡng theo chuyên đề hàng năm cho các giáo viên ở một số vùng, miền, nhất là ở miền núi. Với tâm thế chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa sau năm 2015, đổi mới căn bản – toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết TƯ 8 (khóa XI), việc tự học, tự rèn luyện nâng cao trình độ của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trở thành một phong trào sôi nổi. Qua hoạt động đó, có hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm được đánh giá cao và ứng dụng vào dạy học, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng ở một số vùng, miền, một số thầy, cô giáo chưa chú trọng việc học tập, nâng cao trình độ, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, địa phương và cả học sinh, phụ huynh để có những đánh giá thấu đáo và có những giải pháp phù hợp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ.
Phóng viên: Hiện nay, vấn đề đạo đức người thầy đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Ngành Giáo dục có những giải pháp như thế nào để bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hội đủ “tài và đức”?
Ông Thái Huy Vinh: Trong xu hướng giáo dục hiện đại, đòi hỏi người thầy phải luôn luôn cập nhật kiến thức và phương pháp, phải có phương pháp phù hợp với từng đối tượng, học sinh luôn là đối tượng trung tâm. Muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi, ngoài năng lực chuyên môn, cái quan trọng là phẩm chất người thầy, mỗi thầy cô giáo thực sự phải là một tấm gương sáng để học sinh noi theo… Trong những năm qua, trong công tác bồi dưỡng giáo viên, ngành đã chú trọng đến cả hai mặt kiến thức, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp. Sở và các phòng giáo dục cùng các địa phương đã có những chính sách động viên giáo viên vượt khó khăn, tất cả vì học sinh thân yêu, coi học sinh như chính con em mình. Ngành luôn xác định “Giáo viên phải là người hội tụ cả đức và cả tài”. Vì vậy những thầy cô nào “chưa đủ tấm lòng, chưa lên bục giảng”.
Tuy vậy, cá biệt vẫn có tình trạng có một số cán bộ, giáo viên bị cuốn theo lối sống thực dụng, không làm chủ được mình nên đã bị sa ngã, vi phạm pháp luật. Vì thế ngành đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những nhà giáo kém đức, kém tài, vi phạm pháp luật. Để chấn chỉnh vấn đề này, bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu cùng các giải pháp mang tính đồng bộ, cần sự chung tay, phối hợp và sự vào cuộc của toàn xã hội.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Nguyên Sơn