Nỗ lực sản xuất vụ đông sau mưa lũ

07/10/2013 18:28

(Baonghean) - Sau đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 10 vừa qua, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất vụ đông. Đối với các huyện miền núi, khó khăn càng nhân lên bội phần. Mặc dù vậy, bà con nơi đây quyết tâm, nỗ lực bám đồng, bám bãi để tiếp tục sản xuất…

Ra đồng “cứu” vụ đông

Những ngày này, nước sông Lam, sông Con đang rút dần, tranh thủ thời gian hửng nắng, bà con các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ, đang tranh thủ ra đồng chăm bón cho các diện tích ngô, màu đã được gieo trỉa ở các vùng đất bãi, đất 2 lúa. Chị Nguyễn Thị Sâm- xóm 6 Tường Sơn- Anh Sơn đang bỏ đạm, phân cho ngô đông, cho biết: Năm nay, do gặt lúa hè thu sớm hơn năm ngoái độ 10 ngày nên chúng tôi triển khai gieo trỉa ngô đông chủ động hơn. Ngô phát triển 2-3 lá, số diện tích gieo trỉa sớm hơn đã được chăm bón đợt 2.

Do được bố trí trên các chân đất cao nên thời gian bị ngập ngắn ngô có thể hồi phục phát triển. Những cây non bị hư hoặc chuột phá hoại chúng tôi đang dắm lại, bỏ phân. Đồng thời khoanh bờ vùng bằng nilon để tránh nạn chuột cắn phá ngô. Cạnh đó một quãng, 2 sào ruộng ngô của chị Trần Thị Hoa - cán bộ phụ nữ xóm 6, Tường Sơn phát triển xanh tốt, đều, ngô đạt 6-7 lá. Chị Hoa cho biết: Đợt mưa lụt vừa rồi, gia đình chị có hơn 1 sào ngô ở chân ruộng trũng, sâu, bị ngập nước lâu ngày phải gieo trỉa lại. Đối với trà ngô này nhờ được bố trí ở chân ruộng ao nên không bị ngập, đang phát triển xanh tốt, chị sẽ cho phun thuốc trừ sâu, cỏ, tiếp tục chăm bón.

Nông dân xóm 6, xã Tường Sơn (Anh Sơn) chăm sóc ngông đông trên đất 2 lúa sau mưa lớn.
Nông dân xóm 6, xã Tường Sơn (Anh Sơn) chăm sóc ngông đông trên đất 2 lúa sau mưa lớn.

Ông Nguyễn Công Thế- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn, cho biết: Vụ đông này, toàn huyện phấn đấu gieo trỉa trên 2500 ha ngô trên đất bãi và đất 2 lúa (chủ yếu các bộ giống C919, LVN 14, DK6914..), 400 ha rau màu các loại. Mưa lớn kéo dài nhiều đợt nên đến nay, toàn huyện mới chỉ gieo trỉa gần 100 ha ngô trên đất 2 lúa ở Tường Sơn và một ít diện tích rau màu trên đất vệ các xã Cẩm Sơn, Vĩnh Sơn, Đức Sơn, Tào Sơn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa ngập kéo dài, diện tích ngô hư úng phải triển khai gieo lại. Huyện đã chuẩn bị trên 360 tấn giống ngô, vật tư phân bón để sẵn sàng cấp cho dân làm vụ đông. Hiện nay, vùng đất bãi đang ngâm trong nước chưa thể triển khai làm đất. Ngay cả nhiều vùng bãi, vệ lâu nay có truyền thống canh tác vụ đông tốt như Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn. Huyện đang tập trung chỉ đạo bà con ra đồng khơi thông cống rãnh, tiêu úng nước, làm giao thông thủy lợi nội đồng. Bà con chủ động tranh thủ thời tiết để khi nước rút đến đâu sẽ triển khai gieo trỉa làm vụ đông đến đó. Huyện quyết tâm không bỏ sót cơ hội để sản xuất vụ đông.

Huyện Con Cuông có trên 400 ha ngô các chân bãi cao không bị ảnh hưởng đượt mưa lũ đang được bà con tiếp tục đẩy mạnh chăm sóc. Để động viên tinh thần sản xuất của bà con, UBND huyện đã ban hành công văn số 714/UBND.NN đẩy nhanh tiến độ gieo trồng vụ đông 2013. Huyện triển khai các phương án tiêu thoát nước trên vùng ngập úng, khuyến cáo bà con các giải pháp chăm sóc, phát triển cây vụ đông. Ông Lê Hồng Minh- Phó chủ tịch UBND xã Chi Khê, cho biết: Sau đợt mưa lớn này, toàn xã còn lại 40/80 ha ngô vụ đông đã gieo trên vùng bãi cao ven sông ở các xóm Bãi Ổi, Tiến Thành, Khe Tát có thể phục hồi, phát triển tốt. Xã đang chỉ đạo bà con ra đồng vun gốc, bón đạm lần 2, tích cực kiểm tra, phát hiện và phòng trừ kịp thời sâu bệnh hại cây trồng vụ đông, nhất là sâu xám, sâu cắn lá, sâu xanh, sâu khoang hại ngô. Bà con chờ nước rút, nắng ráo cày lật đất trồng ngô, xem đây là cây trồng chủ lực trong vụ đông. Riêng đối với vùng bãi Quyết Thắng đất ráo nhanh, xã đang chỉ đạo bà con trồng 15 ha mướp đắng, đậu co ve, rau cải để bán tết.

Không những tại Anh Sơn, Con Cuông mà khắp nơi trên các chân ruộng, triềng bãi các huyện miền núi cao Tân Kỳ, Tương Dương... bà con cũng đang khẩn trương ra đồng, bám bãi, ổn định và tổ chức lại sản xuất vụ đông nhằm hoàn thành chỉ tiêu gieo trồng sau mưa lớn.

Khó khăn trong tái sản xuất

Theo nhận định chung thì năm nay, việc tổ chức ổn định lại sản xuất vụ đông của người dân miền núi có phần bị động hơn so với các vùng đồng bằng, trung du. Do ảnh hưởng mưa lớn, huyện Con Cuông có hơn 100 ha/680 ha ngô trên ruộng đã gieo bị hư hại. Huyện chỉ đạo bố trí thay thế không tiếp tục trồng ngô mà chuyển trồng cây khoai lang (do thời vụ không cho phép). Đối với trên 160 ha/680 ha ngô trên đất màu bãi thấp tại Chi Khê, Môn Sơn, Lục Dạ, Châu Khê bị ngập úng đang phải hủy bỏ để trồng lại.

Theo ông Lê Hồng Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Chi Khê thì khó khăn nhất hiện nay là vấn đề tái sản xuất vụ đông. Theo kế hoạch hỗ trợ sản xuất vụ đông của tỉnh, huyện, bà con trong xã được hỗ trợ 50% giá giống ngô cho 93 ha/186 ha ngô đông toàn vụ. Điều này chỉ đáp ứng cho nhu cầu về giống sản xuất cho ½ diện tích sản xuất ngô trên đất màu. Nhu cầu cơ cấu lại đối với ngô bị hư hại cho 1 sào trồng ngô mất khoảng 200 ngàn tiền giống, cộng với phân NPK tổng hợp, thuốc BVTV gần 280 ngàn đồng. Như vậy, trong điều kiện vụ đông thường bấp bênh, việc bỏ ra chi phí mới đầu tư gần 500 ngàn/1 sào trồng ngô không phải là một bài toán dễ đối với mức sống và thu nhập của bà con nhân dân trong các thôn bản.

Ông Hoàng Đình Sơn - Chủ tịch UBND xã Tào Sơn - Anh Sơn, cho hay: mặc dù thu hoạch lúa mùa sớm, bước vào sản xuất vụ đông kịp thời, chủ động, song thời tiết mưa gió, ngập lụt nhiều nên tiến độ sản xuất không đảm bảo. Đặc biệt, trên đất 2 lúa với truyền thống làm ngô đông như lâu nay, vụ xuân năm sau có thể bà con phải thu hoạch ngô khi chưa chín mới kịp đảm bảo khung thời cho vụ kế tiếp. Cũng theo ông Sơn, chỉ trừ khoảng 20 ha ngô thu đông trên đất màu vệ đã gieo trồng trước có thể phát triển, còn trên đất bãi, đất 2 lúa bà con tốn khá nhiều công sức làm đất. Nhiều hộ đã triển khai ra giống 3-4 lần, thậm chí nhiều hộ đã không hào hứng đầu tư cho cây bí và cây ngô vụ đông như nhiều năm trước.

Theo ý kiến của lãnh đạo phòng trồng trọt - Sở NN&PTNT, hiện thời vụ vẫn còn cho sản xuất vụ đông trên đất 2 lúa và đất màu. Đối với các địa phương miền núi, do đặc thù cơ cấu mùa muộn, tập quán chuyên sản xuất ngô đông nên sẽ có nhiều khó khăn hơn các vùng đồng bằng. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện thực tế, các địa phương cần tiếp tục kiên trì động viên, vận động bà con tranh thủ thời tiết để tăng vụ gieo trồng trên các chân đất. Quyết tâm không bỏ phí cơ thời cơ, quỹ đất. Các huyện cần năng động, khẩn trương theo dõi ẩm độ đất để ra giống kịp thời, phát huy tiềm năng, năng suất các bộ giống để đạt hiệu quả về cây ngô. Bố trí hệ thống cây màu ngắn ngày trên bãi để tăng khả năng thu nhập cho bà con.

Lương Mai