Nên định danh Vinh là thành phố biển

07/10/2013 20:02

(Baonghean) - Ngày 30/7/2013, Bộ Chính trị có Nghị quyết 26/T.Ư về phát triển Nghệ An, trong đó nhắc lại: “Xây dựng Thành phố Vinh thành Trung tâm vùng Bắc Trung bộ về tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hoá, thể thao, giáo dục - đào tạo; cùng với TX. Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh” (Quyết định 239 của Chính phủ đã quy định).

Hiện nay, tỉnh đã và đang tổ chức nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Vinh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồ án quy hoạch đang được thực hiện bởi Niken Sekkei, một công ty tư vấn của Nhật Bản.

Cho đến nay, qua một quá trình nghiên cứu, các nhà tư vấn đã đề ra mục tiêu chung và 6 mục tiêu cụ thể. Trong đó 6 mục tiêu cụ thể chính là những định hướng phát triển quan trọng của Vinh, trong đó có mục tiêu thứ năm: Đô thị cộng sinh với môi trường dựa trên ưu thế của rừng và nước. Mục tiêu này được diễn giải cụ thể như sau: “Cân nhắc tới các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của vùng và hiện tượng đảo nhiệt do đô thi hóa để hình thành một đảo mát (Cool island) cho đô thị với rừng - cây xanh - hồ nước. Tạo dựng mạng lưới nước - rừng tạo cảm giác trong lành, mát mẻ và thư thái hướng tới một đô thị cộng sinh với môi trường”.

Có thể nhận thấy các nhà tư vấn đã tôn trọng tối đa hiện trạng hạ tầng và các phân khu chức năng đô thị hiện có của Thành phố Vinh, Thị xã Cửa Lò, cũng như của các khu vực liên quan của hai huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc. Đồ án quy hoạch mới cũng dựa theo cơ bản quy hoạch hiện có, đồng thời nương theo các ý tưởng phát triển của Vinh, Cửa Lò đã được diễn đạt trong các văn bản có tính quy hoạch khác. Vì vậy khi tiếp cận đồ án quy hoạch này người ta cảm thấy quen thuộc, dễ chấp nhận, vì vẫn có thể phát triển mà không phải phá bỏ hay xáo trộn nhiều các giá trị hiện có.

Tuy nhiên, đó cũng chính là nhược điểm làm cho bản đồ án này thiếu tính sáng tạo, đột phá, thiếu một cái “tứ” rõ ràng, dứt khoát cho “bài thơ” đô thị Vinh trong tương lai gần.

Ngã Năm - Thành phố Vinh. Ảnh: Sỹ Minh
Ngã năm - Thành phố Vinh. Ảnh: Sỹ Minh

Trong nghiên cứu về đô thị hiện nay theo quan điểm Chiến lược đô thị (CDS), Liên Hiệp Quốc khuyến cáo mỗi đô thị cần phải tìm ra định nghĩa của mình, định nghĩa đó phải được mô tả ngắn gọn trong một mệnh đề. Qua mệnh đề đó người ta biết được bản sắc của đô thị đó, hoặc biết được mục tiêu mà đô thị đó đang hướng tới. Rất tiếc, phần lớn các đô thị ở Việt Nam chúng ta hiện nay chưa tìm được định nghĩa của mình. Với Thành phố Vinh cũng như vậy, ngay cả bản đồ án quy hoạch lần này vẫn chưa thể định danh Vinh một cách thật cụ thể và khúc chiết.

Trong mục tiêu thứ năm các nhà tư vấn đã nói đến yếu tố rừng và nước, như là một yếu tố có tính lợi thế và khác biệt của Vinh trong tương lai. Thế nhưng, rất tiếc, trong lúc nói nhiều đến các hồ nước đã có hoặc chưa có, các nhà tư vấn lại chưa khai thác các dòng sông đã, đang và sẽ làm nên diện mạo Vinh, như sông Lam, sông Vinh, sông Cấm,… Đặc biệt, chỉ 7 năm nữa Thành phố Vinh sẽ bao gồm cả Thị xã Cửa Lò, thế nhưng người ta gần như quên mất biển Đông! Theo tôi, cần khẳng định một cách thật quả quyết Vinh là thành phố biển! Hiện nay cũng đã có thể nói như thế, nếu như chúng ta tạm quên đi ranh giới hành chính (một thứ ranh giới không có nhiều ý nghĩa trong không gian đô thị hiện đại).

Hiện tại từ điểm xa nhất của Vinh đến Cửa Lò cũng chỉ chưa đầy 20 cây số, với giao thông thuận tiện, nhanh chóng, thì việc nói Vinh có biển cũng không sai. Huống hồ chỉ 7 năm nữa, mọi ranh giới hành chính không còn, Vinh là thành phố biển là đương nhiên. Nhưng, điều quan trọng hơn, việc xác định Vinh là thành phố biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho các nhà quy hoạch hiện nay. Theo đó, cả Thành phố Vinh sẽ lấy biển làm mặt tiền, hướng về biển mà phát triển. Theo đó, từ chỗ không nghĩ đến biển, nay người ta phải lấy biển làm trung tâm, làm cái đích để hướng tới, lấy biển làm cảm hứng, làm thi tứ cho các sáng tạo về phong cách kiến trúc, cảnh quan, xây dựng…

Đặc biệt, khi xác định Vinh là thành phố biển, sẽ có định hướng rõ rệt trong việc phân định chức năng của các phân khu đô thị. Theo đó, có thể thấy Vinh trong tương lai có ba phân khu chức năng lớn: Khu vực Thành phố Vinh hiện nay là trung tâm hành chính - chính trị, tài chính, văn hóa, thương mại; Cửa Lò là trung tâm du lịch, dịch vụ, các hoạt động vui chơi, giải trí; Quán Hành, gắn với Khu kinh tế Đông Nam là trung tâm công nghiệp. Theo đó, các trung tâm văn hóa, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí... chủ yếu sẽ được quy hoạch ở TX. Cửa Lò. Đô thị đại học tương lai cũng nên quy hoạch trên trục đường Vinh - Cửa Lò (đường 46 hiện nay) về phía Cửa Lò. Đây cũng là cách tốt nhất để khắc phục tình trạng “một mùa” của du lịch biển Cửa Lò hiện nay.

Cũng trên cơ sở xác định Vinh là thành phố biển, cần và nên cân nhắc lại phương án chọn về cấu trúc đô thị. Xu hướng phát triển đô thị hiện nay trên thế giới là theo mô hình Hạt nhân - Vệ tinh. Tuy nhiên, xu hướng này chủ yếu là để giảm tải cho các siêu đô thị, đồng thời tạo ra các đô thị thân thiện với môi trường, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên. Với Thành phố Vinh, diện tích quy hoạch khoảng 250 km2, khoảng cách giữa hai cực xa nhất cũng chỉ trên dưới 20km, dân số dự ước tối đa 900 ngàn người, liệu có nên đặt vấn đề đa cực - hạt nhân? Liệu phương án chọn đó có làm vụn quy hoạch của thành phố? Trên thực tế, cũng như nhiều đô thị khác, trong quá trình phát triển Vinh cũng đã và sẽ hình thành các “trung tâm”, các “điểm nhấn” do phát triển không đều. Nhưng, chỉ nên coi đó như là những bước quá độ, tạo nên nhịp điệu phát triển đô thị theo thời gian, không nên coi đó là “cực”, được định hình từ đầu trong quy hoạch.

Theo tôi, hướng đến thành phố biển, cần quy hoạch Vinh theo mô hình hai cực, một trục. Hai cực đó là Vinh (hiện nay) và Cửa Lò (hiện nay), với chức năng như đã nói ở trên. Hai cực này được nối với nhau bằng trục Vinh - Cửa Lò. Trên cơ sở hiện tại có thể triển khai trục Vinh - Cửa Lò theo năm tuyến chính, bao gồm: Đường ven sông Lam, đường Vinh - Cửa Hội, đường Vinh - Cửa Lò, đường 46, đường Nam Cấm - Cửa Lò. Trong đó, tuyến đường mới Vinh - Cửa Lò, với mặt cắt rộng 160 mét, là tuyến đường đóng vai trò biểu tượng cho Thành phố Vinh mới, hướng về biển.

Thực ra định hướng phát triển Thành phố Vinh bao gồm cả Cửa Lò đã được khẳng định từ Quyết định 239 của Chính phủ, phê duyệt Đề án phát triển của Thành phố Vinh, năm 2005. Thế nhưng, trong triển khai quy hoạch, cũng như thực hiện nhiều công trình cụ thể ở Cửa Lò và Vinh đã không thể hiện được sự nhất quán theo định hướng này, đặc biệt chưa nghĩ đến việc biến Vinh thành đô thị biển. Đó cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng không tốt đến tốc độ và phương hướng phát triển của Vinh, Cửa Lò và các vùng phụ cận.

Thiết nghĩ đã chín muồi cho sự định danh Vinh là thành phố biển. Với định hướng và định danh mới đó, chắc chắn các nhà tư vấn sẽ có một mục tiêu, một tư tưởng, một tư duy, một “thi tứ” rõ ràng, dứt khoát hơn cho bài thơ đô thị Vinh trong tương lai không xa.

Phạm Xuân Cần