Gạo "chảy" tiểu ngạch sang Trung Quốc

25/10/2013 21:07

Xuất khẩu gạo 9 tháng của Việt Nam giảm 13% về lượng và 17% về giá trị (chỉ đạt 5,2 triệu tấn với trị giá hơn 2,3 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2012. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2013 sẽ khó đạt chỉ tiêu bởi nguồn cung gạo thế giới dư thừa và một lượng lớn gạo trong nước đang ồ ạt xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Việt Nam đang thiếu gạo để xuất khẩu do bị ồ ạt xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc

Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)- cho biết, dự kiến kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2013 sẽ đạt khoảng 7,5 triệu tấn, tuy nhiên trên thực tế sẽ khó đạt được 7 triệu tấn. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này từ đầu năm đến nay đã giảm khá sâu so với chỉ tiêu, song trong các tháng cuối năm, Việt Nam cũng không còn gạo để xuất khẩu. Nguyên nhân là do khối lượng gạo xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch qua các tỉnh biên giới phía Bắc sang Trung Quốc quá lớn.

Theo thống kê chưa đầy đủ của VFA, từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc khoảng 1.200 ngàn tấn. Hiện tại, hoạt động xuất khẩu gạo tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, đặc biệt là tại cửa khẩu biên giới của tỉnh Lào Cai rất nhộn nhịp.

Th trưởng B Công Thương Trn Tun Anh:

Việc xuất gạo tập trung nhiều qua đường tiểu ngạch không chỉ tạo ra sức ép cạnh tranh đối với các DN chính ngạch mà về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng giá trị thương hiệu gạo xuất khẩu. Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các cơ quan quản lý trực thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với lực lượng hải quan, thuế tổ chức kiểm tra để có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời tình trạng này.

Khảo sát của VFA cũng cho thấy, nếu như ở thời điểm đầu tháng 10, mỗi ngày lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc tại cửa khẩu các tỉnh phía Bắc chỉ đạt khoảng 5.000 tấn thì ở thời điểm hiện nay, số lượng gạo xuất khẩu đã lên tới 8.000 - 10.000 tấn/ngày. Tại khu vực cửa khẩu biên giới Lào Cai hiện có khoảng 30 DN không có giấy phép xuất khẩu nhưng vẫn thu gom gạo để xuất khẩu. Giá gạo xuất khẩu tại các cửa khẩu khoảng 9.000 đồng/kg và không đòi hỏi cao về các tiêu chuẩn chất lượng.

“Hiện đang có tình trạng một số DN phía Bắc vào phía Nam nhờ các DN có đầu mối xuất khẩu gạo nhận xuất khẩu ủy thác. Toàn bộ các thủ tục về hàng hóa do người ủy thác lo liệu, người nhận ủy thác chỉ việc ký vào hợp đồng xuất khẩu. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng mặc dù hợp đồng được đăng ký qua hiệp hội nhưng lại không có số liệu thống kê về khối lượng xuất khẩu. Nếu tình trạng này còn tiếp tục tiếp diễn thì việc hoàn thuế của ngành lương thực cũng sẽ lộn xộn giống tình trạng của ngành cà phê hiện nay”, ông Phong lo ngại.

Để hạn chế tình trạng trên, ông Phong cho rằng, Bộ Công Thương cần chỉ đạo các tỉnh biên giới phía Bắc yêu cầu các DN xuất khẩu phải đăng ký với Sở Công Thương địa phương, tránh tình trạng xuất khống để quyết toán thuế. Đồng thời, VFA cũng đã khuyến cáo các DN phía Nam không ký các hợp đồng xuất khẩu ủy thác vì làm như vậy sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đến uy tín của các DN xuất khẩu chân chính.

Theo.baocongthuong-P.H