Chủ động để giảm kiện chống bán phá giá

17/11/2013 17:59

Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ cần tìm hiểu kỹ thông tin để giảm nguy cơ bị đánh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ cần tìm hiểu kỹ thông tin

Nhằm giúp các DN trên địa bàn Hà Nội nắm bắt được các quy định của pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ) để chủ động đối phó với các vụ kiện của thị trường thế giới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và bảo vệ lợi ích hợp pháp của ngành sản xuất trong nước trước hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, ngày 29, 30, 31/10/2013, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức 3 chương trình tập huấn, hội thảo về các nội dung trên. Các thông tin do giảng viên đến từ Cục Quản lý cạnh tranh cung cấp cho thấy, hiện nay, các DN Việt Nam thường phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU.

Thị trường lớn - nguy cơ các vụ kiện cao

Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Cho đến nay, Hoa kỳ là đối tác lớn thứ hai của Việt Nam trên toàn thế giới, đứng sau Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khu vực châu Mỹ. Năm 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt 24,49 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 19,66 tỷ USD, nhập khẩu đạt 4,83 tỷ USD. Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất của Việt Nam và là thị trường cung cấp hàng hóa lớn thứ 7 sang thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ là thị trường khá nhạy cảm, nếu như nhìn lại hàng loạt vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp lên hàng hóa nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Từ năm 2000 đến nay, DN xuất khẩu Việt Nam liên tục đối mặt nhiều vụ kiện chống bán phá giá trên thị trường Mỹ: Vụ kiện chống bán phá giá phi lê cá ba sa và cá tra, vụ kiện chống bán phá giá tôm sú đông lạnh, vụ kiện chống bán phá giá túi nhựa PE, giày cao su không thấm nước, mắc áo và sản phẩm tháp điện gió…

Trong 6 tháng đầu năm 2013, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn nhất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với tổng trị giá đạt gần 10,9 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 17,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Tìm hiểu kỹ thông tin - chủ động ứng phó

Theo luật sư Jonathan Freed của hãng luật Trade Pacific PLLC, Hoa Kỳ, DN xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này cần tìm hiểu xem công ty nào ở Hoa Kỳ đang sản xuất mặt hàng tương tự. Ví dụ mặt hàng xuất khẩu cà phê, ca cao của Việt Nam vào Mỹ cơ hội bị điều tra chống bán phá giá là rất thấp vì hầu như không có DN Hoa Kỳ sản xuất mặt hàng này. Vấn đề tiếp theo DN cần phải tìm hiểu là các số liệu thương mại. Ví dụ mặt hàng mình đang xuất khẩu vào Hoa Kỳ có đang ở “ngưỡng” mà DN Hoa Kỳ có thể khởi kiện điều tra hay không. Cục Quản lý cạnh tranh đã xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với 10 ngành hàng trên 8 thị trường xuất khẩu trọng điểm, các DN có thể cập nhật thông tin chi tiết tại địa chỉ Website: www.canhbaosom.vn/www.vca.gov.vn.

Các công cụ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp được chính phủ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ sử dụng để bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Nếu DN chẳng may bị “vướng” vào vụ kiện chống bán phá giá, việc tham vấn, trao đổi với luật sư, các hiệp hội thương mại, xác định phạm vi điều tra, trao đổi với nhà nhập khẩu để có thông tin .. là hết sức cần thiết. Đối với vụ kiện chống trợ cấp, các nhà xuất khẩu có liên quan cần nỗ lực trao đổi, nhằm kêu gọi sự tham gia của Chính phủ.

Việc tìm hiểu kỹ trước khi tham gia xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sẽ giúp DN có lợi thế và tránh bị thiệt hại.

Theo.baocongthuong